Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Chu Huy Mân tại Hội thảo khoa học "Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An."

791441_small_92589.jpg

… Với 76 năm liên tục rèn luyện, chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, trong điều kiện khó khăn, gian khổ như thế nào, đồng chí Chu Huy Mân vẫn luôn nêu tấm gương sáng của người chiến sỹ cộng sản kiên cường, một cán bộ, một vị tướng xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.

Nhớ về đồng chí Chu Huy Mân, trước hết chúng ta khẳng định những phẩm chất cao đẹp và những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta và Quân đội ta.

Năm 1929, khi mới 16 tuổi, với lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia phong trào yêu nước ở quê hương. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), đồng chí tham gia Tự vệ Đỏ - một trong những đội quân tiền thân đầu tiên của Quân đội ta và là Đội phó Đội tự vệ của xã Yên Lưu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đồng chí đã bốn lần bị địch bắt, tra tấn và tù đày, nhiều lần đã cùng đồng chí, đồng đội vượt ngục tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Đó là những năm tháng đồng chí được tôi luyện ý chí, bản lĩnh cách mạng kiên trung, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trong thời gian bị địch quản thúc tại quê nhà, đồng chí vẫn bí mật hoạt động, tích cực xây dựng cơ sở cách mạng, được tổ chức tín nhiệm giao làm Bí thứ chi bộ xã, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên.

Từ năm 1937 đến 1940, đồng chí bị địch bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, đến năm 1940, chúng giam đồng chí ở các nhà tù Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum. Đầu năm 1943, sau khi vượt ngục an toàn, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Ban vận động Việt Minh tỉnh Quảng Nam và Tỉnh uỷ Quảng Nam. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và một số nhiệm vụ khác. Đồng chí Chu Huy Mân có công lớn trong việc vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ngay từ ngày đầu thành lập nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ.

Cuối năm 1945, đồng chí được Trung ương Đảng điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C gồm bốn tỉnh Bắc Trung bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam), Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Xa-va-na-khẹt. Cuối năm 1946, đồng chí được điều ra Bắc làm Trưởng Ban kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy việt Bắc, rồi được giao các trọng trách Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 72, 74, Cao Bằng; Chính uỷ Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng (1947-1949).

Tháng 5/1951 , đồng chí làm Phó Chính uỷ, sau đó làm Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ Đại đoàn 316, lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, đánh thắng nhiều trận quan trọng. Đặc biệt là trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (13/3/1954), khai hoả trận đánh Đồi A1, tham gia trận đánh quyết định cuối cùng bắt sống tướng Đờ Cát - Xtơri.

Năm 1957, đồng chí được giao giữ chức Chính uỷ Quân khu 4. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng, làm Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc. Năm 1961, đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính uỷ, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Tháng 9 năm 1963, đồng chí được điều vào chiến trường Quân khu 5, giữ chức vụ Trưởng đoàn kiểm tra của Quân ủy Trung ương nghiên cứu tình hình Khu 5.

Tháng 8/1965, đồng chí làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 Tây Nguyên. Từ năm 1967 đến năm 1975 là Tư lệnh Quân khu 5, Phó Bí thư Đảng uỷ Quân khu 5. Tài thao lược của đồng chí Chu Huy Mân ở hai mặt trận Khu 5 và B3 đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta, như: Chiến thắng Ba Gia tiêu diệt chiến đoàn của quân ngụy; chiến thắng lừng lẫy Plây Me - Iađrăng, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp ngụy và lần đầu tiên tiêu diệt 1 tiểu đoàn quân Mỹ; Chiến dịch Sa Thầy; chiến dịch giải phóng Đà Nẵng... Với những thành tích và chiến công xuất sắc đó, năm 1974, đồng chí được Đảng, Nhà nước phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng.

Từ năm 1975 đến năm 1976, đồng chí là Chính ủy, kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng uỷ Quân khu 5. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng chí là Chính ủy trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, giành chiến thắng vang đội.

Tháng 3 năm 1977, đồng chí được Bộ Chính trị giao trọng trách là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1 977- 1 986), được phong quân hàm Đại tướng vào năm 1980.

Đại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự - chính trị xuất sắc, có tầm chiến lược, đồng thời rất giỏi về chỉ huy chiến dịch, chiến thuật, lăn lộn khắp các chiến trường Cao-Bắc-Lạng, Khu 4, Khu 5, Tây Bắc, Tây Nguyên, chiến trường Lào..., từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy; cán bộ chính trị, quân sự; có lúc kiêm Chính ủy và Tư lệnh các đại đoàn, sư đoàn, quân khu, mặt trận. Đồng chí vừa là vị tướng có tài thao lược trên chiến trường, vừa là nhà chính trị sắc sảo, nhìn xa trông rộng, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, quân sự, lý tưởng, niềm tin và đạo đức cách mạng cho các lực lượng vũ trang của ta, thật xứng đáng với cái tên thân thương trìu mến: Anh "Hai Mạnh" (mạnh cả chính trị và quân sự, văn võ song toàn) mà đồng chí, đồng đội, đồng bào quen gọi.

Trí tuệ, tài năng quân sự - chính trị của đồng chí Chu Huy Mân được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông ta; chủ động tháo gở khó khăn, thách thức, tìm tòi các phương pháp công tác táo bạo, hiệu quả.

Giai đoạn 1954-1963, đồng chí Chu Huy Mân được giao làm Chính ủy Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc, làm Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 100 (Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào), là Trưởng đoàn cố vấn Việt Nam cho Chính phủ liên hiệp Lào của Thủ tướng Xavana Phuma.

Theo Hiệp định Geneve 1954, lực lượng Pa-thét Lào kiểm soát hai tỉnh Sầm Nữa và Phong-sa-lỳ có đường biên giới chung với Tây Bắc và Khu 4 của Việt Nam. Đồng chí Chu Huy Mân đã cùng cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sỹ nước bạn Lào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng các cơ sở cách mạng ở những vùng hết sức khó khăn của nước bạn. Đồng chí và Đoàn 100 đã thực hiện nghiêm túc, sinh động lời dạy của Bác Hồ: "Thương nhau mấy núi cũng trèo, Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua, Việt - Lào hai nước chúng ta, Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, ba năm trên đất bạn, Đoàn 100 đã phối hợp với Bạn xây dựng Quân đội Cách mạng Lào từng bước trưởng thành và làm nên nhiều chiến thắng vang dội.

Tháng 5/1957, đồng chí về nước làm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4, tháng 8/1957, đồng chí lại sang nước bạn Lào góp sức cùng bạn đưa cuộc đấu tranh cách mạng lên một bước phát triển mới. Sau bốn tháng làm việc tận tâm, tận lực, bạn Lào đã xây dựng thành công Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào (lần thứ nhất). Tiếp đó, đồng chí về công tác tại Quân khu 4 và, hai năm sau, đồng chí lại được Đảng, Nhà nước và quân đội giao nhiệm vụ trở lại nước bạn Lào làm cố vấn cho Chính phủ Liên hiệp Lào.

Đồng chí có cống hiến rất lớn trong việc giúp nước bạn xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng cách mạng, đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và nền độc lập, tự do của nhân dân các dân tộc Lào. Đồng chí là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, tình nghĩa thủy chung "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào, Lào - Việt, được bạn tin cậy và đánh giá là một trong những "Cố vấn xuất sắc" của Chính phủ, Quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí Chu Huy Mân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 3 năm 1977, đồng chí được Bộ Chính trị cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trưng ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách công tác giúp cách mạng Lào, Giám đốc Trường Nguyên Ái Quốc. Đặc biệt, năm 1980, Đồng chí là đại biểu Quốc hội khoá II, VI, VII, được Quốc hội Khoá VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá III, IV, V, Ủy viên Bộ Chính trị khoá IV, V.

Từ năm 1960 đến năm 1986, trên cương vị lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội, đồng chí Chu Huy Mân đã nêu cao bản lĩnh cách mạng, tài năng, đức độ, tâm huyết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh thắng các kẻ thù xâm lược hung bạo nhất, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Đồng chí Chu Huy Mân là một tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng bào; có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Trong suốt cuộc đời của mình dù trên cương vị công tác nào, đồng chí vẫn luôn dõi theo mỗi bước đi của quê hương Nghệ An; Những lần về thăm quê hương, đồng chí Chu Huy Mân để lại cho Đảng bộ, quân và dân Nghệ An nhiều ấn tượng sâu sắc, nghĩa tình, nhất là tình cảm, sự quan tâm của đồng chí đối với cán bộ cách mạng lão thành, các gia đình có công với nước, những người có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm chăm sóc, giáo dục, cổ vũ thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha ông. Tình cảm, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của đồng chí Chu Huy Mân là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, quân và dân Nghệ An trong sự nghiệp xây dựng Nghệ An thành một tỉnh khá như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
_______

(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt