Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu đề dẫn tại hội thảo khoa học "Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Vệt Nam và quê hương Nghệ An".
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống yêu nước, đồng chí Chu Huy Mân sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1929, lúc mới 16 tuổi, đồng chí thoát ly gia đình tích cực hoạt động trong phong trào yêu nước. Năm 1930, đồng chí tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và gia nhập “Đội Tự vệ Đỏ”. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, được Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc soi đường, đồng chí hăng hái hoạt động cách mạng, không ngại hy sinh, không nề gian khổ. Năm 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành Bí thư chi bộ xã, rồi Bí thư phân Huyện ủy huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 24 tuổi, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và kết án khổ sai đày đi biệt xứ. Suốt 6 năm, hết nhà lao Vinh đến nhà lao Đắc Tô, Đắc Lay, Kon Tum, đồng chí luôn tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Đầu năm 1943, đồng chí vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia trong Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam. Tháng 8 năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Quảng Nam, trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí được Đảng phân công vào công tác trong quân đội, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban quân chính bốn tỉnh Trung bộ. Cuối năm 1946, đồng chí được cử ra Bắc, làm Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc. Từ năm 1947 đến năm 1949, đồng chí lần lượt trải qua các cương vị: Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các trung đoàn 72, 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Từ năm 1951 cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, đồng chí được tín nhiệm giữ chức vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, trải qua nhiều cương vị, đồng chí luôn mang hết tâm lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; chỉ đạo các lực lượng vũ trang giành được những thắng lợi quan trọng, góp phần đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Từ năm 1954 đến năm 1960, đồng chí hai lần được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm giao trọng trách Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, với tư duy sắc sảo về chính trị, quân sự và kinh nghiệm dày dặn qua nhiều năm làm công tác lãnh đạo, chỉ huy ở Việt Nam, đồng chí đã góp phần quan trọng giúp Cách mạng Lào không ngừng phát triển và giải quyết thành công các nhiệm vụ công tác trọng tâm, cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và chiến đấu, có những cống hiến xứng đáng trong sự nghiệp đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào, được các cấp lãnh đạo của bạn từ Trung ương đến cơ sở, quân và dân các bộ tộc Lào quý mến, tin cậy, gọi với tên trìu mến: Tướng Thao Chăn.
Trong những năm 1958 đến năm 1959, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, rồi Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Năm 1961, đồng chí trở lại Khu 4, giữ trọng trách Tư lệnh, kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Năm 1962, đồng chí được cử đi học tại Học viện Phơrunde (Liên Xô).
Tháng 9 năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Khu 5 bị địch tập trung càn quét, đánh phá gây nhiều tổn thất cho cách mạng, có vùng trắng đất, trắng dân. Trước tình hình trên, đồng chí được Trung ương Đảng điều vào chiến trường Quân khu 5 lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Kiểm tra của Quân ủy Trung ương nghiên cứu phong trào cách mạng của Quân khu 5, Phó Bí thư Khu ủy rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5. Tháng 8/1965, đồng chí làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Năm 1967, làm Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh, Phó Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy Khu 5; cuối năm 1975 là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Khu 5.
Trên cương vị là lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất của Quân khu 5, cùng với tập thể lãnh đạo, đồng chí Chu Huy Mân có nhiều cống hiến to lớn trong công tác phát động tư tưởng, xây dựng ý chí chiến đấu cho các lực lượng vũ trang quân khu với tinh thần “quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tài thao lược và quyết đoán của đồng chí ở hai mặt trận Khu 5 và B3 đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội. Nổi bật như chiến thắng Ba Gia (Xuân hè 1965) tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy, chiến thắng lừng lẫy Plâyme - Iađrăng (tháng 11- 1965), tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp ngụy và lần đầu tiên tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ. Đồng chí được biết đến với biệt danh “tướng Hai Mạnh”.
Trong Đại thắng Mùa xuân 1975, đồng chí Chu Huy Mân là Chính ủy Chiến dịch Đà Nẵng, chỉ huy lực lượng vũ trang quân khu phối hợp với cánh quân phía Bắc của Quân đoàn 2, giải phóng Đà Nẵng, các đảo trên biển Đông, cùng đại quân tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Từ tháng 3/1977, đồng chí là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương. Năm 1980, đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) giao kiêm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Thiếu tướng năm (1958), thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng (năm 1974) và Đại tướng (năm 1980).
Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa III, IV, V; là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa IV, V; là đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII, và năm 1981, đồng chí được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước).
Trên cương vị là người chỉ huy và phụ trách công tác Đảng trong quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân góp phần to lớn vào việc xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, thực hiện có hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", góp phần quan trọng vào các cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí cũng đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện cuộc phản công và tiến công chiến lược giành thắng lợi to lớn và nhanh chóng, đánh đổ chế độ Pôn Pốt, cứu nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn, đồng thời trực tiếp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chăm lo xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy và từng bước hiện đại”, có nhiều đóng góp trong chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng.
Trải qua 76 năm hoạt động cách mạng ở nhiều vùng, nhiều địa phương, chiến đấu ở những chiến trường trọng điểm và làm nhiệm vụ quốc tế, Đại tướng Chu Huy Mân kiên trì vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên trung bất khuất trước kẻ thù. Dù ở đâu, trên bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người cộng sản kiên cường, đem hết sức mình cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc, đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng; luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, giữ vững tính Đảng; hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
_______
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt