Đây là khẳng định của đại diện lực lượng Taliban trong cuộc họp báo tối 17/8, lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan.

100647-1.jpg
Chiến binh Taliban đứng gác tại con đường gần Quảng trường Zanbaq ở Kabul. (Ảnh: AFP)

Trong lần xuất hiện đầu tiên trước báo chí tại thủ đô Kabul kể từ khi giành được chính quyền ngày 15/8, người phát ngôn lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid cho biết Taliban sẽ sớm đạt được thỏa thuận, qua đó một chính phủ Hồi giáo sẽ được thành lập ở quốc gia Nam Á này. Các tay súng Taliban tiến vào thủ đô Kabul trưa 15/8 và kiểm soát Dinh Tổng thống ít giờ sau đó, kết thúc chiến dịch tấn công nhằm giành lấy chính quyền từ tay cựu Tổng thống Ashraf Ghani. Kể từ khi giành được Kabul, các lãnh đạo Taliban vẫn đang thảo luận về các kế hoạch thành lập chính phủ tương lai từ Doha, Qatar. Đại diện Taliban Zabihullah Mujahid cho biết chính phủ mới sẽ gồm tất cả các bên ở Afghanistan.

Trước câu hỏi về sự khác nhau giữa chính quyền của Taliban giai đoạn những năm 1990 và chính quyền của năm 2021, đại diện lực lượng Hồi giáo vũ trang này cho rằng "ý thức hệ và niềm tin của Taliban những năm 1990 và hiện tại là giống nhau, bởi họ đều là người Hồi giáo". Nhưng đã có những thay đổi về kinh nghiệm – Taliban giờ đã từng trải nhiều hơn và có một góc nhìn khác. Taliban tuyên bố, họ không muốn có "kẻ thù cả ở bên trong và bên ngoài đất nước". Và họ không muốn lãnh thổ Afghanistan trở thành nơi tổ chức các cuộc tấn công chống lại bất cứ quốc gia nào. Bên cạnh đó, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid đảm bảo rằng tổ chức này cam kết dành những quyền cơ bản cho phụ nữ dựa trên luật Hồi giáo.

“Taliban cam kết dành cho phụ nữ những quyền dựa trên Hồi giáo. Phụ nữ có thể làm việc trong lĩnh vực y tế và các công việc khác, những nơi đang cần tới họ. Sẽ không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào chống lại nữ giới".

Ông Mujahid còn cho biết, Taliban sẽ ân xá cho tất cả mọi người và không trả thù bất kỳ ai, bao gồm cả các cựu thành viên lực lượng quân đội Afghanistan và những người từng làm việc cho lực lượng nước ngoài. Điều đó có nghĩa, sẽ không có chuyện truy lùng và trừng phạt những người được cho là kẻ thù của Taliban. Taliban cũng tuyên bố mong muốn các cơ quan truyền thông báo chí tiếp tục hoạt động ở Afghanistan miễn là đáp ứng được 3 tiêu chí. Thứ nhất không tuyên truyền, xuất bản những nội dung trái với giá trị Hồi giáo. Họ phải giữ được sự vô tư, và không ai được đưa tin chống lại các lợi ích quốc gia của Afghanistan.

Đề cập tới vấn đề đảm bảo an ninh của các đoàn ngoại giao nước ngoài, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cam kết: “An ninh với các đại sứ quán tại Kabul là vấn đề hệ trọng của chúng tôi. Chúng tôi đảm bảo với tất cả các nước rằng lực lượng của chúng tôi sẽ giữ gìn an ninh cho tất cả các sứ quán, phái bộ ngoại giao, tổ chức quốc tế và các cơ quan viện trợ".

Theo thông tin công bố tại buổi họp báo, phó chỉ huy và là đồng sáng lập của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã từ Doha trở về Afghanistan. Trước đó, trong sáng 17/8, Taliban thông báo một lệnh ‘tổng ân xá’ cho tất cả các quan chức chính phủ Afghanistan và thúc giục họ trở lại làm việc, bao gồm cả phụ nữ theo luật Hồi giáo Sharia.

Trong một diễn biến khác, cựu Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh tự tuyên bố mình là "tổng thống lâm thời hợp pháp" của Afghanistan theo điều khoản Hiến pháp quy định trong trường hợp tổng thống đương nhiệm vắng mặt. Ông Saleh khẳng định như vậy trong bối cảnh cựu Tổng thống Ashraf Ghani đã lên máy bay rời Afghanistan ngay trước khi các tay súng Taliban tiến vào Dinh Tổng thống. Trong lời bình luận đầu tiên trên trang Facebook cá nhân kể từ khi rời đất nước hôm 15/8, ông Ghani cho biết ông ra đi để tránh "một cuộc tắm máu" khi Kabul rơi vào tay Taliban và "những kẻ khủng bố bước vào Dinh Tổng thống"./.