Rõ ràng là quân nổi dậy luôn ở thế thượng phong, còn phía chính phủ phải vật lộn để giữ quyền kiểm soát.
Tuần này, một báo cáo tình báo của Mỹ bị rò rỉ cho rằng Kabul có thể bị tấn công trong vòng vài tuần nữa, và chính phủ có thể sụp đổ trong vòng 90 ngày.
Vậy làm thế nào mà Taliban lại giành chiến thắng nhanh đến như vậy?
Theo BBC, phần lớn thời gian trong 20 năm qua, Mỹ và các đồng minh NATO đã ra sức đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh Afghanistan. Nhiều vị tướng của cả Mỹ và Anh đều tuyên bố đã tạo ra một quân đội Afghanistan đầy sức mạnh và năng lực.
Nhưng, những tuyên bố đó ngày nay dường như chỉ là lời sáo rỗng.
Sức mạnh của Taliban
Về lý thuyết, Chính phủ Afghanistan vẫn đang nắm giữ lợi thế với một lực lượng lớn hơn. Đội quân an ninh gồm ít nhất 300.000 người, ít nhất là trên giấy tờ. Con số này bao gồm Lục quân, Không quân và cảnh sát.
Nhưng trên thực tế, quốc gia Nam Á này đã luôn phải vật lộn để đạt được chỉ tiêu tuyển dụng.
Quân đội và cảnh sát Afghanistan có tiếng xấu về thương vong cao, đào ngũ và tham nhũng - với một số chỉ huy hàng tháng vẫn nhận lương của những binh sĩ mà trên thực tế không hề tồn tại - được gọi là "lính ma".
Trong báo cáo mới nhất trước Quốc hội Mỹ, Tổng thanh tra đặc biệt về Afghanistan (SIGAR) bày tỏ "những quan ngại nghiêm trọng về tác động ăn mòn của nạn tham nhũng ... và mức chính xác đáng ngờ của dữ liệu về sức mạnh thực tế của các lực lượng này".
Jack Watling thuộc Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) nhận định, thậm chí quân đội Afghanistan chưa bao giờ biết chắc họ thực sự có bao nhiêu quân lính.
Chưa kể, còn có rất nhiều vấn đề về giữ gìn trang thiết bị và tinh thần. Binh sĩ thường được điều đến những khu vực mà họ không hề có mối liên hệ nào về gia đình hay bộ tộc. Đó là lý do một số có thể đã quá nhanh chóng từ bỏ vị trí mà không chiến đấu chống Taliban.
Trong khi đó, ngày càng khó định lượng được sức mạnh của Taliban.
Theo Trung tâm Chống khủng bố Mỹ ở West Point, các ước tính chỉ ra rằng lực lượng này bao gồm 60.000 chiến binh nòng cốt. Cộng với các nhóm ủng hộ và các cánh quân nổi dậy khác, quân số có thể vượt quá mốc 200.000.
Tiến sĩ Mike Martin - một cựu sĩ quan quân đội Anh nói tiếng Pashto – đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ khi xác định Taliban là một nhóm đơn lẻ duy nhất. Ông mô tả "Taliban đang tiến gần hơn tới liên minh của những người nắm đặc quyền độc lập liên kết với nhau một cách lỏng lẻo và có lẽ là tạm thời".
Theo vị tiến sĩ, Chính phủ Afghanistan cũng đang bị chia rẽ bởi các động cơ phe phái địa phương. Lịch sử Afghanistan cho thấy các gia đình, bộ tộc và kể cả giới chức chính phủ thường đổi phe, chủ yếu là để đảm bảo sự tồn tại của chính họ.
Tiếp cận vũ khí
Chính phủ Afghanistan lẽ ra phải nắm lợi thế cả về kinh phí và vũ khí. Họ đã nhận được hàng tỷ đôla để trả lương và trang bị cho binh lính - phần lớn là từ Mỹ. Trong báo cáo tháng 7/2021, SIGAR chỉ ra hơn 88 tỷ USD đã được rót cho an ninh của Afghanistan. Nhưng SIGAR đặt ra: "Vấn đề số tiền đó có được chi tiêu hợp lý hay không cuối cùng sẽ được trả lời bằng kết quả của cuộc chiến trên thực địa".
Và, lẽ ra Không quân Afghanistan phải đảm bảo cho mình một ưu thế quan trọng trên chiến trường. Nhưng họ lại liên tục gặp khó khăn trong duy trì và vận hành 211 chiếc máy bay của mình (một vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Taliban cố tình nhắm mục tiêu vào các phi công), cũng không có khả năng đáp ứng các yêu cầu từ các chỉ huy trên mặt đất. Lực lượng này cũng chẳng thể đáp ứng yêu cầu từ các chỉ huy trên mặt đất.
Vì thế mà Không lực Mỹ mới đây đã phải tham gia trên bầu trời các thành phố như Lashkar Gah, nơi đang bị Taliban tấn công. Nhưng chưa rõ Washington sẵn sàng cung cấp sự yểm trợ đó trong bao lâu.
Taliban thường dựa vào doanh thu từ buôn bán ma túy, nhưng lực lượng này còn nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Gần đây, Taliban đã chiếm được nhiều vũ khí và trang thiết bị từ lực lượng an ninh Afghanistan, một số được Mỹ cung cấp như xe quân sự Humvee, ống ngắm ban đêm, súng máy, súng cối và pháo. Ngoài công lực chết chóc của Thiết bị nổ cải tiến (IED), kiến thức địa phương và sự hiểu biết về địa hình đã mang lại lợi thế cho lực lượng này.
Hướng trọng tâm vào miền Bắc và miền Tây
Một số chuyên gia đã nhìn thấy bằng chứng về một kế hoạch phối hợp trong đà tiến gần đây của Taliban.
Ben Barry – một thiếu tướng quân đội Anh và hiện là thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược – cho rằng thành tích của Taliban có thể mang tính cơ hội. Nhưng ông thừa nhận: "Nếu bạn phải viết một kế hoạch chiến dịch, tôi thấy khó nghĩ ra điều gì tốt hơn thế này".
Vị tướng chỉ ra trọng tâm các cuộc tấn công của Taliban ở miền Bắc và miền Tây, chứ không phải ở các thành trì truyền thống ở miền Nam, và lần lượt thâu tóm được một loạt tỉnh thành.
Taliban còn chiếm giữ các chốt kiểm tra và cửa khẩu biên giới then chốt, "nẫng" nhiều nguồn tiền hải quan khỏi chính phủ vốn đang thiếu tiền mặt. Lực lượng này còn tăng cường các vụ giết hại có chủ đích, nhằm vào các quan chức, nhà hoạt động và phóng viên.
Chậm rãi, nhưng Taliban đã xóa sổ những thành tích nhỏ mà chính phủ đã đạt được trong 20 năm qua.
Về chiến lược của Kabul, càng khó định nghĩa hơn.
Các cam kết giành lại những lãnh địa mà Taliban chiếm giữ dường như ngày càng trở nên vô nghĩa.
Ông Barry nói rằng, dường như chính phủ đang có một kế hoạch để giữ các thành phố lớn hơn. Lực lượng biệt kích Afghanistan đã được triển khai để ngăn Lashkar Gah ở Helmand thất thủ.
Nhưng sẽ trụ được bao lâu?
Lực lượng đặc nhiệm Afghanistan có quân số tương đối nhỏ, khoảng 10.000 người, và họ đã bị kéo căng hết sức.
Taliban dường như còn giành thắng lợi về mặt tuyên truyền, giúp nâng cao tinh thần trên chiến trường và tạo cảm giác đoàn kết. Trái lại, Chính phủ Afghanistan đang trong tình thế nguy hiểm nhưng bị chia rẽ và liên tiếp sa thải các tướng lĩnh.
Kết cục ra sao?
Về phía Chính phủ Afghanistan, tình thế rất ảm đạm. Tuy nhiên, theo Jack Watling thuộc Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh, "tình hình vẫn có thể được cứu vãn bằng chính trị". Ông cho rằng, nếu chính phủ có thể thu phục được các thủ lĩnh bộ lạc thì cơ hội vẫn còn đó.
Thời điểm giao chiến mùa hè sẽ sớm kết thúc khi mùa đông Afghanistan bắt đầu – khiến việc điều động các lực lượng trên bộ trở nên khó khăn hơn. Khả năng vẫn sẽ có bế tắc vào cuối năm nay, và chính phủ sẽ cố giữ Kabul cùng các thành phố lớn hơn. Tình hình thậm chí có thể đổi chiều nếu Taliban rạn nứt.
Nhưng hiện tại, dường như các nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm mang lại hòa bình, an ninh và bình ổn cho Afghanistan đã trở nên vô ích.