Đặc phái viên của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad một lần nữa đã có mặt tại Doha, Qatar để làm việc với Taliban thông qua văn phòng chính trị của lực lượng này tại đây.

Thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ trước chuyến đi cho biết, ông Khalilzad sẽ tiếp xúc với nhiều bên liên quan, từ các quốc gia trong khu vực đến các tổ chức đa phương, đồng thời “hối thúc Taliban dừng các cuộc tấn công quân sự và tham gia đàm phán về một lộ trình chính trị, vốn là con đường duy nhất để đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển tại Afghanistan”.
556318717684ataliban80821628312649_mcro.jpgCác tay súng Taliban tại tỉnh Farah của Afghanistan tháng 11/2015. Ảnh: AFP
Các nguồn tin địa phương ngày 10/8 cho biết, trong đợt tấn công mới nhất, Taliban đã chiếm được thành phố Farah và Pul-e-Khumri từ tay quân chính phủ, nâng số tỉnh lỵ mà lực lượng này kiểm soát được lên 8 kể từ khi mở chiến dịch tấn công hôm 6/8. Giao tranh vẫn tiếp diễn tại các thủ phủ của các tỉnh Helmand, Kandahar, Farah cùng nhiều khu vực khác.

Tình hình hiện tại rất đáng lo ngại với Chính phủ Afghanistan, bởi Taliban đã kiểm soát các tuyến biên giới và đang siết chặt vòng kìm kẹp với Thủ đô Kabul. Theo ước tính của một quan chức thuộc Liên minh châu Âu, Taliban hiện kiểm soát hơn 65% lãnh thổ Afghanistan.

AP cho biết, ông Zalmay Khalilzad đưa ra cảnh báo với Taliban rằng: “Không có ích gì khi theo đuổi sự chiến thắng trên chiến trường bởi vì nếu Taliban chiếm đóng Thủ đô Kabul, họ sẽ là kẻ thù đối với thế giới”.

Nhưng điều này có thực sự đúng?

Taliban có nguồn gốc từ các nhóm phiến quân Hồi giáo Mujahedeen của Afghanistan trong thập niên 1980. Năm 1994, lực lượng này bắt đầu phát động chiến dịch quân sự từ phía Nam Afghanistan và đến năm 1996, chiếm được Thủ đô Kabul mà không gặp nhiều kháng cự. Không giống như phiến quân Hồi giáo Mujahedeen từng gây dựng được rất nhiều mối quan hệ trong các cuộc giao tranh kéo dài hàng thập kỷ với Liên Xô, Taliban có rất ít bạn bè. Chỉ có Pakistan, Turkmenistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) công nhận chính quyền do Taliban dựng lên vào những năm 1990.

Tuy vậy, vai trò chính trị của Taliban đã phát triển và mối quan hệ của lực lượng này cũng mở rộng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào năm 2001.

Sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, Mỹ yêu cầu Taliban giao nộp Osama bin Laden và trục xuất các thành viên al-Qaeda khỏi Afghanistan nhưng Taliban từ chối thực hiện yêu cầu này. Điều đó đã khiến Mỹ và liên quân tiến hành chiến dịch quân sự Tự do Bền vững ở Afghanistan từ tháng 10/2001, nhắm vào các mục tiêu của Taliban, khiến lực lượng này mất quyền kiểm soát các khu vực quan trọng và phải rút khỏi Thủ đô Kabul một tháng sau đó.

Tuy nhiên, Taliban đã nhanh chóng gây dựng lại mạng lưới vào năm 2004 và bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu chống lại chính quyền Afghanistan mới và quân đội nước ngoài. Lực lượng này đã khôi phục được khả năng chiến đấu, bất chấp các cuộc tấn công đều đặn của quân đội Mỹ và NATO. 

Nhận thấy giao tranh không phải là giải pháp phù hợp để chấm dứt xung đột tại Afghanistan, Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán với Taliban và hai bên đã đạt một số thỏa thuận dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump. 

Tìm kiếm sự hậu thuẫn

Trên mặt trận quân sự, Taliban liên tiếp giành được lợi thế, còn trên phương diện chính trị, lực lượng này cũng tăng cường các cuộc tiếp xúc với chính phủ nước ngoài, trong đó có cả những nước trước kia từng xem họ là khủng bố.

Thời gian gần đây, các đại diện của Taliban đã tiếp xúc với các quan chức Nga tại Moscow, quan chức Turkmenistan tại Ashgabat và quan chức Trung Quốc tại Thiên Tân. Trong tháng 7 vừa qua, Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa các đại diện của Taliban và Chính phủ Afghanistan.

Tuần trước, một phái đoàn của Taliban đã có chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Uzbekistan. Reuters dẫn nguồn tin từ một thành viên cấp cao của Taliban cho biết, lực lượng này đã thành lập văn phòng chính trị ở Tashkent, thủ đô của Uzbekistan. Ấn Độ cũng được cho là đã mở một kênh tiếp xúc với Taliban.

Trong mỗi chuyến thăm, Taliban đã đưa ra những cam kết phù hợp với yêu cầu của các nước chủ nhà, nhằm có được sự hậu thuẫn trong khu vực. Tại Nga, Taliban hứa sẽ không can dự vào Trung Á. Tại Trung Quốc, Taliban được yêu cầu cắt đứt quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - một nhóm cực đoan được thành lập bởi các phần tử thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở miền Tây Trung Quốc.

Washington hồi tháng 10/2020 tuyên bố sẽ rút hầu hết quân khỏi Afghanistan. Ảnh: ZUMA

Một số nhà phân tích cho rằng, Taliban có thể đang nhắm đến việc hợp tác với Nga và Trung Quốc để đối kháng với Mỹ nhằm giành lợi thế trong trường hợp lực lượng này chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul.

Mặc dù trên thế giới, hầu hết các quan điểm đều ủng hộ một tiến trình hòa bình do người dân Afghanistan làm chủ, nhưng khả năng Taliban sẵn sàng tham gia một chính phủ phân chia quyền lực có vẻ xa vời.

Nga, Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện rõ ràng rằng mối quan tâm của các quốc gia này tại Afghanistan là giống nhau, song quan điểm chính trị và mục đích của mỗi nước đều khác nhau. Trung Quốc dễ dàng hơn khi ứng phó với một Afghanistan do Taliban kiểm soát trong tương lai. Nga cũng vậy.

Trái lại, Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy sự đồng thuận quốc tế đối với cuộc khủng hoảng Afghanistan và ủng hộ chính phủ mới của nước này. Vì thế, trong trường hợp Taliban lên nắm quyền, Afghanistan chắc chắn sẽ trở thành một quốc gia đối đầu với Mỹ và phương Tây.

Nhưng Nga, Trung Quốc từ trước đến nay luôn có lịch sử ủng hộ những nước đối đầu với Washington, chẳng hạn như Iran và Triều Tiên. Trong vấn đề Afghanistan, hai bên có rất nhiều lý do để làm điều tương tự: Trung Quốc muốn Taliban đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không bị Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan lợi dụng để làm căn cứ và phát động các cuộc tấn công vào Tân Cương, còn Nga muốn Taliban sẽ không xâm phạm biên giới Afghanistan-Tajikistan hay bất cứ đường biên giới nào với các nước Trung Á.

Hơn nữa, sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn cũng đóng vai trò chi phối tình hình tại Afghanistan. Việc Washington rút khỏi Afghanistan một cách thất bại nhất có thể mang lại chiến thắng chính trị cho Moscow và Bắc Kinh. Xét đến khía cạnh này, việc liệu Mỹ có thể thành công cô lập Taliban hay không vẫn còn là câu hỏi lớn, bởi tình hình hiện nay đã khác rất nhiều so với thời điểm năm 1996./.