(Baonghean) - Qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, Nghệ An đã có những bước đi khá hiệu quả, tạo được những vùng chuyên canh sản xuất lớn với những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Đó là những tiền đề khá vững chắc để tiếp tục chặng đường sắp tới, hoàn thành mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đặt ra khi bắt tay vào thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành.
Chú trọng thâm canh cây trồng
Bắt đầu trồng mía từ năm 1998, đến nay sau gần 20 năm, ông Hồ Sỹ Sơn, xóm Phú Hòa, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn) vẫn chung thủy với loại cây trồng được nhiều người cho là chỉ có thể giảm nghèo chứ khó làm giàu này. Trên cả vùng đất màu mỡ rộng 2 ha, trước đây gia đình ông trồng cà phê vối, nhưng khi cây cà phê qua thời gian khai thác quá lâu dần thoái hóa, ông chuyển sang luân canh cây mía để rồi “chung thủy” mãi đến giờ. Nếu như ở nhiều vùng khác, năng suất mía bình quân chỉ đạt 65 - 70 tấn/ha thì ở vườn mía nhà ông, những năm năng suất thấp nhất cũng trên 80 tấn/ha, năm thời tiết thuận lợi, đầu tư thâm canh tốt có thể lên tới 120 tấn/ha. “Những năm 2012 - 2013, nhà máy thu mua với giá 900 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tấn, làm mía sướng lắm. Bây giờ, giá giảm chỉ còn chưa đầy 800 nghìn đồng/tấn nhưng trừ chi phí, mỗi ha cũng lãi được khoảng 40 triệu đồng”- ông Sơn vui vẻ cho biết. Và từ năm ngoái, ông đầu tư gần 50 triệu đồng chuyển bớt 1,1 ha mía sang trồng giống cam PQ1 để vừa luân canh cây trồng, vừa tăng giá trị thu nhập trên đất...
Toàn xã Nghĩa Bình có gần 1.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 450 ha mía, năng suất đạt bình quân 70 tấn/ha, phân bổ đều các giống chín sớm, chín muộn để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy. Ông Hồ Hữu Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài ổn định 450 ha mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường NASU, xã phấn đấu có 6 cánh đồng mẫu lớn trồng mía. Mấy năm gần đây Nghĩa Bình còn chuyển dần một số diện tích khoảng 40 ha cây ngắn ngày như ngô, dưa hiệu quả thấp trên đất đồi sang trồng các loại cây lấy múi cho hiệu quả kinh tế cao như cam, quýt; phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 120 ha cam.
Đơn cử tình hình ở Nghĩa Bình để thấy rằng, trong sản xuất, nếu chú trọng thâm canh thì ngay như mía, một loại cây khó làm giàu vẫn có hiệu quả cao, có thể cạnh tranh được với những cây trồng khác. Nhất là khi mía được đầu tư tưới nhỏ giọt như ở Tân Kỳ, Quỳ Hợp. Qua 2 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, ngoài việc xây dựng các quy hoạch, đề án sản xuất như quy hoạch phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp, quy hoạch phát triển cây có múi, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa... Nghệ An còn tập trung thực hiện rất tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt có lợi thế của tỉnh. Trong đó, lựa chọn các cây trồng có lợi thế để tổ chức chỉ đạo sản xuất, chuyển đổi.
Đối với cây lúa, ngành bố trí thời vụ và cơ cấu giống để đảm bảo an toàn; từng bước chuyển dần sang sản xuất lúa chất lượng cao, hiện mỗi năm có trên 15 nghìn ha, hiệu quả sản xuất tăng từ 10-15%. Chuyển dần những diện tích lúa cao cưỡng, không đảm bảo hiệu quả sang sản xuất mía, ngô, rau, cây làm thức ăn chăn nuôi và các loại cây màu khác; sử dụng các giống ngô cho năng suất cao vào sản xuất, trồng ngô cây làm thức ăn chăn nuôi bò sữa hoặc chuyển một số diện tích sang trồng cây làm thức ăn phục vụ chăn nuôi; tổ chức sản xuất đa dạng các sản phẩm rau, thực phẩm, xây dựng các mô hình rau ứng dụng công nghệ cao; trồng mới và mở rộng diện tích cao su, chè bằng giống chất lượng cao...
Bên cạnh đó, đến nay 21/21 huyện, thành, thị đều đã cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn. Đó cũng là điều kiện thuận lợi giúp Nghệ An tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp là trung tâm. Trong 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành đã xây dựng 28 mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, ngô, lạc và nuôi tôm thẻ, hiệu quả tăng 10 - 15% so với sản xuất đại trà. Cùng với thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật, thủy lợi phục vụ sản xuất, Nghệ An đã ban hành và thực hiện đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Theo đó, rà soát và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế biến; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến như các nhà máy chế biến đường, chè, cao su, dứa và chanh leo... Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, qua đó giảm chi phí, giảm tổn thất, nâng cao hiệu quả. Đến nay, cơ giới hóa trong làm đất sản xuất ngô, lúa đạt 75%, cây hàng năm khác đạt 50%, thu hoạch lúa đạt 20%...
Nghệ An cũng đã tập trung phát triển các cây trồng chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao như chè, cao su, rau, củ chất lượng cao, giảm diện tích một số cây trồng không còn hiệu quả. Đến nay, đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: vùng nguyên liệu chè khoảng 8.000 ha ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, chè tuyết shan chất lượng cao ở Kỳ Sơn; vùng cao su ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, TX. Thái Hòa, Quỳ Hợp, Anh Sơn,... với diện tích trên 9.900 ha; vùng mía nguyên liệu 26.000 ha ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thị xã Thái Hòa..., vùng lạc xuất khẩu ở các huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn... Đồng thời, hình thành được một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng trồng rau, hoa ở Nghĩa Đàn; chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH,... Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã thành công, nhân ra diện rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào vùng cao.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, đặc biệt là công nghệ cao đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngành đã tập trung tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt như lúa, ngô, lạc L14, L23, cam V2, quýt PQ... Nhờ đó đã xuất hiện những mô hình cho năng suất cao như chè 16 - 18 tấn/ha, mía từ 120 - 150 tấn/ha... Đồng thời, các quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như kỹ thuật tưới, sử dụng chế phẩm sinh học,... cũng được áp dụng nhanh vào sản xuất; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng như mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI, thâm canh ngô trên đất dốc, trồng rau an toàn theo hướng VietGAP,...
Đến siêu thị Maximax ở TP. Vinh, khách hàng dễ nhận thấy đã có sản phẩm rau sạch được cung cấp từ Nghĩa Đàn về của Tập đoàn TH. Các loại rau truyền thống và rau mới đa dạng, phong phú, giữ nguyên hương vị được trồng trong nhà kính và trong vườn bằng công nghệ sạch đã thu hút người tiêu dùng. Theo ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, thì việc Tập đoàn TH “vào” với Nghĩa Đàn, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mở ra một hướng đi mới cực kỳ hiệu quả. Những diện tích đất được bàn giao cho TH được tổ chức sản xuất tập trung, bài bản, cho hiệu quả kinh tế rất cao, từ thu nhập tối đa 70 triệu đồng/ha/năm như trước đây, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, đã tăng lên 500 - 700 triệu đồng/ha; thậm chí, những cánh đồng trồng cao lương Mỹ đem lại mức thu tới 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Trên những cánh đồng màu mỡ là bạt ngàn màu xanh trải dài mênh mông, ngút mắt, những “cánh tay tưới” bằng máy dài từ 350 - 500m chạy dọc theo các cánh đồng, những cái máy liên hợp hiện đại đảm nhận cả xới đất, bón phân, làm cỏ, gieo hạt, vừa cắt, băm nhỏ rồi chuyển thẳng sang xe vận chuyển đã tạo nên một diện mạo mới đầy sức sống cho sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Đàn.
Có thể nhận thấy rõ một điều, đó là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào khu nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ đang từng ngày phát huy hiệu quả. Trên đà đó, hiện chúng ta đang tiếp tục triển khai các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty CP thực phẩm sữa TH, Vinamilk; mở rộng dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại Nghĩa Đàn. Hoàn thành quy hoạch ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, lạc, chè và mía và hiện nay đang triển khai xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghĩa Đàn. Nghệ An cũng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch chế biến nông, lâm, thủy sản. Tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản về điều kiện sản xuất đáp ứng quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Phú Hương
TIN LIÊN QUAN |
---|