Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, bên cạnh nhận viện trợ từ nước ngoài, tinh thần tự lực tự cường trong sản xuất vũ khí luôn được Quân giới Việt Nam chú trọng.
Xuất phát từ nhu cầu
Ngay từ thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, việc chế tạo vũ khí nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội đã được Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Bằng chứng là ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã ký sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới do ông Nguyễn Ngọc Xuân làm trưởng phòng, có nhiệm vụ thu thập, mua sắm và thành lập cơ sở sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội.
Tổ chức của Phòng gồm các bộ phận: Sưu tầm, mua sắm, phân phối vũ khí; lập các bản vẽ kỹ thuật của vũ khí. Đây là cơ sở đầu tiên để chúng ta có một nền công nghiệp quốc phòng phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc cho đến ngày nay.
Sang giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ, trước đối thủ mới có tiềm lực kinh tế và vị thế quốc tế lớn hơn rất nhiều lần so với Pháp, nhu cầu về vũ khí trang bị của ta dĩ nhiên cũng phải tăng theo.
Đi kèm với đó, gánh nặng trên vai những người lính thợ cũng tăng lên bội phần, nhất là các cơ sở ở miền Nam vốn xa hậu phương, thiếu thốn về máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như vậy, nhiều sản phẩm vũ khí đáng ngạc nhiên đã ra đời ngay tại Việt Nam.
Vũ khí nước ngoài "Made in Viet Nam"
M1911, M1918, Mauser C96, Thompson... là các loại vũ khí nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng chúng ta trong những năm tháng chiến đấu đã tạo ra các bản sao của chúng ngay tại quê nhà.
Ngày nay khi thông tin được chia sẻ rộng rãi, những người lính Mỹ cho biết họ nhặt được các loại vũ khí trên và khi rút quân đã mang chúng về nhà. Họ chia sẻ hình ảnh lên internet, nhận được nhiều bình luận khen ngợi, thán phục sức sáng tạo của người Việt.
Mauser C96 vốn là khẩu súng lục phát triển bởi Quân đội Đức từ Thế chiến I, phiên bản Việt Nam không có băng đạn mà chỉ bắn phát một bằng đạn 6,5x50mm của Nhật.
M1911 là khẩu súng nổi tiếng của Mỹ, phiên bản Việt Nam đã bỏ vài bộ phận nhưng không gây ảnh hưởng đến hoạt động mà chỉ bị mất một số tính năng như báo hết đạn và khóa an toàn.
Súng ngắn Luger P08 là vũ khí rất nổi tiếng, thông dụng của Quân đội Đức trong suốt hai cuộc thế chiến. Phiên bản Việt Nam sản xuất sử dụng đạn 7,62x25mm.
Type 38 Arisaka là loại súng trường phổ biến của lính Nhật trong Thế chiến II, dùng cỡ đạn 6,5x50mm. Phiên bản Việt Nam bắn đạn 7,62x25mm, buồng đạn 5 viên, không có băng đạn rời.
Súng M1 Carbine của Quân đội Mỹ nguyên thủy súng bắn đạn 7,62x33mm, phiên bản Việt Nam chế tạo vào khoảng năm 1960 sử dụng đạn 7,62x25mm, có băng đạn rời 35 viên, tầm bắn hiệu quả 150m.
M1918 Browning Automatic Rifle là loại súng máy hạng nhẹ được Quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi trong Thế chiến II và nhiều cuộc chiến sau đó.
Với phiên bản Việt Nam, súng có hộp tiếp đạn 7-10 viên tháo rời được.
Tiểu liên M1A1 của Mỹ sử dụng đạn 45 APC, Việt Nam sửa đổi lại để bắn đạn 7,62x25 mm, tầm bắn hiệu quả 100-150m, tốc độ bắn 600 viên/phút.
Lược bỏ để đơn giản hóa quá trình chế tạo
Trong hoàn cảnh khó khăn, do phải chế tạo thủ công vì thiếu máy móc, việc đảm bảo mỹ quan, tính năng như bản gốc là bất khả thi. Do vậy, lược bỏ vài bộ phận hay tính thẩm mỹ cũng là phương pháp hay nhằm đơn giản hóa quá trình chế tạo.
Ví dụ như khẩu M1911 đã bỏ đi thanh chặn, thiếu nó thì súng chỉ mất tính năng báo hết đạn nhưng vẫn hoạt động tốt, lại bớt được chi tiết nhỏ gia công rất khó.
Tuy vậy có một vấn đề cần quan tâm, đó là chưa rõ là nòng súng có phải do ta tự sản xuất hay không? Nhưng nhiều khả năng là tận dụng nòng cũ hỏng, vì chế tạo nòng với đầy đủ khương tuyến là rất khó với điều kiện lúc bấy giờ.
Việc chế tạo ra những vũ khí trên thể hiện tinh thần tự lực tự cường và quyết tâm cao độ của nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến thống nhất đất nước.
Vũ khí "made in Viet Nam" đã đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang, đặc biệt là dân quân, du kích hay biệt động trong những năm đầu của cuộc chiến.
Với người Việt Nam, cho dù khó khăn, thiếu thốn đến đâu vẫn có thể cố gắng khắc phục và vượt qua để đi đến một tương lai tươi sáng của độc lập của tự do, của non sông nối liền một dải.
Theo Baodatviet