Xe tăng Bão Phong Hổ được Triều Tiên tự phát triển trên khung gầm T-62 Liên Xô, trang bị các công nghệ hiện đại thể hiện trình độ quân sự của nước này.
Xe tăng Pokpung-ho trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên
Tuy chịu lệnh cấm vận từ Liên Hợp Quốc, nền công nghiệp quốc phòng Triều Tiên vẫn cho ra đời nhiều khí tài hiện đại, trong đó bao gồm xe tăng Pokpung-ho (Bão Phong Hổ). Đây là mẫu xe tăng hiện đại nhất trong biên chế Triều Tiên, sở hữu nhiều tính năng ngang với xe tăng hiện đại như M1 Abrams Mỹ hay K1 của Hàn Quốc, theo Tank Encyclopedia.
Pokping-ho được Triều Tiên tự thiết kế, chế tạo, được tích hợp một số công nghệ từ xe tăng T-62, T-72 Liên Xô và Type-88 Trung Quốc. Với số lượng 250 chiếc được sản xuất, Sư đoàn Cận vệ số 105 là đơn vị duy nhất của quân đội Triều Tiên sở hữu và vận hành loại xe tăng này.
Pokpung-ho phát triển từ khung gầm xe tăng T-62 được Liên Xô viện trợ. Hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại buộc Triều Tiên phải đi theo con đường phát triển xe tăng mới dựa trên khung gầm xe tăng cũ, tích hợp tối đa công nghệ hiện đại để cạnh tranh với các đối thủ.
Do sở hữu khung gầm kiểu cũ, cải tiến ở hệ thống bảo vệ của Pokpung-ho chủ yếu tập trung vào việc trang bị giáp phức hợp và các khối giáp phản ứng nổ (ERA) lên thân và tháp pháo. Độ dày giáp trước của Pokpung-ho ước tính tương đương với 500 mm thép cán đồng nhất. Đây là cải tiến tương tự xe tăng T-62M Liên Xô trong thập niên 1980.
Giáp phức hợp tăng cường khả năng kháng đạn HEAT, nhưng nó khó có cơ hội chống đạn thanh xuyên động năng (APFSDS) của xe tăng M1 Abrams và K1, vốn đã chứng minh sự ưu việt trong Chiến tranh vùng Vịnh.
Triều Tiên tập trung trang bị hỏa lực rất mạnh để bù đắp lại điểm yếu phòng thủ của Pokpung-ho. Các xe đời đầu trang bị pháo 2A20 cỡ 115 mm, tương tự xe tăng T-62. Nhưng từ phiên bản Pokpung-ho II, tất cả xe tăng đều sử dụng pháo nòng trơn 2A46 cỡ 125 mm.
Triều Tiên tự chế tạo đạn xuyên giáp 125 mm cho Pokpung-ho, nhưng giới chuyên gia cho rằng nó khó có khả năng so sánh với đạn APFSDS của Mỹ và Hàn Quốc, do chênh lệch ở trình độ khoa học. Trong các hình ảnh gần đây, Triều Tiên để lộ phiên bản Pokpung-ho mang tên lửa chống tăng trên tháp pháo. Đây là lợi thế rõ rệt, cho phép nó tiêu diệt xe tăng đối phương ở ngoài tầm bắn hiệu quả của đạn APFSDS.
Bình Nhưỡng còn trang bị tên lửa phòng không vác vai lên Pokpung-ho, giúp nó chống trực thăng và phi cơ bay thấp của đối phương, tính năng mà tăng K1 và M1 Abrams không có. Tuy nhiên, việc lắp tên lửa phòng không lên xe tăng cũng cho thấy Triều Tiên không đủ khả năng phòng không khu vực, buộc họ phải để xe tăng tự bảo vệ bản thân.
Để phát hiện xe tăng đối phương ở tầm xa, Pokpung-ho cần hệ thống trinh sát và ngắm bắn hiện đại. Đây là một điểm yếu chí tử của xe tăng Triều Tiên. Do không tiếp cận được công nghệ ảnh nhiệt, Pokpung-ho vẫn sử dụng kính ngắm thông thường, công nghệ từ cách đây nửa thế kỷ.
Khả năng tác chiến đêm của nó cũng rất kém, vẫn trông cậy vào đèn hồng ngoại hoặc kính nhìn đêm thụ động, dễ bị đối phương phát hiện. Trong khi đó, xe tăng của Mỹ và Hàn Quốc đều có kính ngắm ảnh nhiệt, cho phép phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa, trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm.
Pokpung-ho xứng đáng là niềm tự hào của nền công nghiệp quốc phòng Triều Tiên. Họ có thể trang bị nhiều công nghệ hiện đại cho xe tăng của mình, bất chấp bị cấm vận. Tuy vậy, số lượng ít ỏi và chất lượng còn kém khiến Pokpung-ho rơi vào thế bất lợi rõ rệt. Nếu không có cách đánh phù hợp, mẫu tăng này sẽ thất bại nặng nề trước lực lượng tăng thiết giáp và không quân Mỹ-Hàn, chuyên gia quân sự Massimo Tessitori nhận định.
Theo VNE