Bộ Y tế cho biết, dự thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng đang được lấy ý kiến giới chuyên môn cùng người dân sẽ hoàn thành trong năm 2016. Theo đó, nếu xảy ra tai biến nặng được xác định có nguyên nhân do vắc xin thì nhà nước sẽ bồi thường.

Tăng tính nhân văn 

Theo giới chuyên môn, sau 30 năm thực hiện, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại những kết quả rất lớn trong phòng chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều ca tai biến, tử vong nhưng số trường hợp được bồi thường là rất hiếm.

images1497943_tiem_chung_duoc_boi_thuong_tai_bien_4.4.2016.jpgẢnh minh họa

Năm 2015, Hội đồng Đánh giá tai biến vắc xin của Bộ Y tế đánh giá có 3.000 trẻ có phản ứng sau tiêm vắc xin, 32 trường hợp phản ứng nặng (trong đó có 16 trường hợp tử vong). Trong số các ca tử vong có 31% là ngẫu nhiên, không rõ nguyên nhân và do cơ địa của trẻ.

Đề cập tình trạng trên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, dự thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng đang được lấy ý kiến của giới chuyên môn cùng người dân và sẽ hoàn thành trong năm 2016.

Ngoài các quy định chung về hoạt động tiêm chủng, quản lý hoạt động tiêm chủng…, dự thảo dành hẳn một chương quy định về việc bồi thường khi sử dụng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đây là lần đầu tiên việc bồi thường tai biến sau tiêm chủng vắc xin được quy định cụ thể. Theo đó, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến hoặc thân nhân của họ.

Những trường hợp được bồi thường gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến khuyết tật; tử vong.

Quy định nêu trên được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là rất nhân văn bởi vừa bảo đảm hỗ trợ, bồi thường phần nào cho những người, gia đình người bị thiệt hại (gặp tai biến) do tiêm chủng bắt buộc vừa nâng cao trách nhiệm của người làm công tác tiêm chủng.

Cho rằng việc xác định nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng đối với trường hợp trẻ sơ sinh là rất khó nhưng ông Trần Đắc Phu khẳng định, việc đánh giá sẽ được hội đồng chuyên môn thực hiện rất công tâm, rõ ràng và có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhìn nhận việc đền bù như đã nêu là hoàn toàn nhân văn. Sau tai biến tiêm chủng sẽ có hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân để quy trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, với hàng chục triệu mũi tiêm chủng mỗi năm và nguy cơ tai biến có thể đến bất kỳ lúc nào, nên có loại bảo hiểm theo hình thức bảo hiểm nghề nghiệp cho nhân viên y tế.

Ai sẽ chi trả bồi thường?

Về nguồn tài chính để thực hiện bồi thường, ông Phu cho biết trường hợp xác định nguyên nhân là do văcxin, do dịch vụ tiêm chủng, do cán bộ tiêm chủng yếu kém trong khâu khám sàng lọc... thì những bộ phận đó phải chi trả bồi thường.

Trường hợp không xác định được (tai biến do phản ứng quá mẫn của cơ thể trẻ) thì có thể ngân sách sẽ bồi thường. “Tất cả những vấn đề đều đang ở khâu bàn thảo”- ông Phu nói.

Còn rất nhiều vấn đề để dịch vụ tiêm chủng ở Việt Nam có quy định ở đầy đủ các khâu. Còn như hiện nay, khi đưa con đi tiêm ngừa (qua khám sàng lọc các bé đủ điều kiện sức khỏe mới được tiêm chủng) các bậc cha mẹ có nguy cơ “may nhờ rủi chịu”.

Theo các chuyên gia, mỗi ngày ở Việt Nam có 70 bé dưới 1 tuổi tử vong không rõ nguyên nhân, trong đó có thể có những em bé có liên quan tới tiêm chủng và có sẵn các bệnh lý nền. Nhưng nếu khâu khám sàng lọc được tốt hơn, sàng lọc được các bé có bệnh sẵn có hoặc có cơ địa dị ứng... sẽ có thể giảm được nhiều hơn các tai biến sau tiêm.

Bên cạnh đó, nếu sớm có quy định về bồi thường sau tai biến văcxin thì sẽ tránh được tình trạng người tiêm chủng, bệnh viện và giới chức y tế lúng túng không biết ai phải chịu trách nhiệm mỗi 
khi có tai biến xảy ra.

Theo ĐSPL

TIN LIÊN QUAN