PV: Thưa nhà văn Trần Huy Quang, chúng tôi được biết tập truyện ký “Thánh ca Truông Bồn” đã ra đời với rất nhiều xúc cảm của ông, cũng như đã lấy được rất nhiều xúc cảm của bạn đọc? Nó không chỉ đơn thuần là việc ghi chép trung thực những ký ức của người thân liệt sỹ, những nhân chứng sống của sự kiện Truông Bồn, mà nó còn là sự “hóa thân” tài tình và nhân bản của chính nhà văn vào mỗi chân dung mà ông xây dựng. Điều gì vậy đã thúc đẩy ông viết nên Thánh ca Truông Bồn chân thực - xúc động đến vậy?
bna_truongbon4652209_1672018.jpgChân dung nhà văn Trần Huy Quang. Ảnh: Cao Trần
Nhà văn Trần Huy Quang:Ngoài cái việc tri ân những người đã ngã xuống thì có những việc rất cụ thể mà khi tình cờ ta gặp nó chính nó đã thúc đẩy hay là tạo cảm hứng cho chúng ta khởi dựng một cái gì đó. Tôi chỉ xin nói về cái cớ cụ thể ấy. Năm 2009, Hội Nhà văn có chủ trương đưa các nhà văn đến các vùng kinh tế sôi động trong cả nước để viết, riêng tôi và vài nhà văn khác trở lại nơi mà mình từng đào hầm, phá bom hay đã từng chôn cất đồng đội, đó là dọc đường 15, những sông Son, Địa Lợi, Linh Cảm, Bến Thủy, Khe Giao, Cầu Cấm, Phương Tích, Hoàng Mai và Truông Bồn. Năm ấy Truông Bồn chưa hoành tráng như bây giờ, nhưng nó để lại cho tôi những ấn tượng kinh khủng. Nhất là ngồi nói chuyện với mẹ Thởm (năm ấy mẹ còn sống), với chị Thông, chị Thuần, chị Thân, anh Cớn… khi họ kể về những người đồng đội của họ đã ngã xuống một cách anh dũng và cao đẹp khi trong tay họ đã có giấy nhập học, khi mà ở nhà đang chuẩn bị đám cưới cho họ thì như tôi và các chị đang cùng nhau hát khúc anh hùng ca rồi lại cùng nhau nước mắt lã chã rơi trong niềm thương nhớ. Rồi trong quá trình dựng lại chân dung 13 liệt sĩ Truông Bồn, tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Tôi đã viết thế về họ như viết về mình và thế hệ mình.

“Mười ba chân dung liệt sĩ được tác giả thể hiện bằng một giọng văn trầm cảm. Trầm cảm cho nên âm ba của nó vọng sâu vào tâm thức của con người. Mỗi chân dung - mỗi cái chết hy sinh, là một số phận riêng, có tiếng vọng riêng. Nhưng từ những mối giao liên của lịch sử và văn hóa, những tiếng vọng riêng đó cộng hưởng với nhau thành một tiếng vọng nhân loại diễn đạt cái lý do tồn tại vĩnh hằng của một dân tộc: Độc lập - Tự do. Tiếng vọng đó phát ra từ một “tình huống thế giới”, để “bày tỏ cả một thế giới”, để đánh thức lương tri của con người hãy cảnh giác với những cuộc chiến tranh chống lại loài người và dân tộc”.

(Lê Văn Tùng- Văn nghệ công an)

 
PV:
Hẳn rằng, sau nhiều năm của sự kiện Truông Bồn, rất nhiều điều đã chìm vào quên lãng, nhiều dấu tích cũng sẽ không còn, nhà văn chắc cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tìm đến và viết về nơi này, về những người đã ngã xuống? 

Nhà văn Trần Huy Quang: Sau 42 năm họ hi sinh, tìm lại dấu tích gì về họ cũng khó. Thời gian xóa mờ tất cả. Trong 13 liệt sĩ, chỉ còn hai bà mẹ đã trên 90. May là các cụ quên gì thì quên nhưng hỏi về con gái mình thì các cụ nhớ hết, nỗi đau khó quên. Số còn lại chỉ còn em, mà khi chị hi sinh thì em mới 13, 14 tuổi, hình ảnh của chị mình chỉ còn như sương khói. Tôi phải tìm đến gần như hết những đồng đội còn sống, tìm kiếm những mảnh hồi ức về họ. Không còn hình bóng của cô TNXP mười tám, đôi mươi, sức trẻ căng đầy, nụ cười duyên dáng, làn tóc như mây nữa, bây giờ họ là những bà già xương xẩu, còm nhom. Người mất cũng nhiều. Người theo con theo cháu tứ tán khắp miền. Nhiều người không lấy được chồng, cô đơn, về già trông cậy vào cháu. Tuy nhiên, nhắc đến thời oanh liệt, mắt ai cũng sáng rực, thi nhau kể về những ngày gian khổ mà oai hùng với giọng hào sảng của người chiến thắng.

May tôi được nhiều người bạn giúp đỡ: Nhà xuất bản Phụ nữ đặt hàng đã cho tôi một ô tô và một biên tập viên đi cùng. Biên tập viên ấy là cô Thúy Hà, tác giả tập kí Đừng kể tên tôi vừa xuất bản. Rồi nhà báo Giao Hưởng, người Vinh, rất thuộc về Truông Bồn và nhà báo nữa là anh Hồ Minh Mẫn ở tạp chí Văn hóa Nghệ An. Nhất là bác Nguyễn Tâm Cớn dũng sĩ phá bom bươn bả đi với tôi cả tuần. 

Một cái khó nữa là 13 người cùng chiến đấu một chỗ, một trận, cùng hi sinh một lúc. Dựng lên 13 chân dung để không trùng lặp, để người nào ra người đó với những cá tính và nội tâm của từng người… là thử thách của nghệ thuật viết, không dễ vượt. 

Tác phẩm "Thánh ca Truông Bồn". Ảnh: Cao Trần
PV:Xin nhà văn chia sẻ với bạn đọc về lý do ông đặt tên cho cuốn sách, nói đúng hơn là tập chân dung về 13 liệt sỹ Truông Bồn là Thánh ca Truông Bồn?

Nhà văn Trần Huy Quang: Tôi viết về họ, những người cùng thế hệ của tôi nhưng đã vì tổ quốc mà hi sinh tất cả, là viết về sự cao đẹp của con người, về lòng quả cảm của con người. Khi họ đạt đến sự cao đẹp ấy thì với tôi, họ là Thánh. Những dòng tôi ca ngợi sự hi sinh của họ tôi muốn nó như Thánh ca, ca ngợi về sự hi sinh cao đẹp của tất cả những người đã ngã xuống tại mảnh đất Truông Bồn, nó là Thánh ca Truông Bồn. Năm 2011 khi Thánh ca Truông Bồn xuất bản lần đầu, Hội Văn nghệ thành phố Vinh cùng với tác giả đã lên Truông Bồn thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ và hóa tác phẩm Thánh ca Truông Bồn bên ngôi mộ chung.

Nhân dịp ngày TBLS 27 tháng 7 năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ Tặng sách viết về các liệt sĩ và Di tích lịch sử của các nhà văn. Đây là hoạt động văn học nhằm đền ơn đáp nghĩa người có công với Tổ quốc, cũng là thể hiện tinh thần công dân của các nhà văn. Rất mừng vui khi tôi được trao tặng đứa con tinh thần của mình, viết về những người con xứ Nghệ anh hùng, quả cảm cho bạn đọc quê hương. 

PV:Cảm ơn nhà văn và bạn đọc mong có nhiều cuộc tặng sách như thế này để nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nhà văn Trần Huy Quang, quê xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh lưu, Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từng là bộ đội pháo binh. Trưởng ban Văn báo Văn nghệ, hiện về hưu, tại Quỳnh Lưu.

- Tác phẩm chính: Chiếc áo màu lửa, Sự trắc trở đã qua, Người làm chứng, Ngày mai, Chị dâu, Mối tình hoang dã, Nước mắt đỏ, Nước mắt đỏ và những truyện khác, Thánh ca Truông Bồn, Phóng sự chọn lọc, Chân trời xa thẳm, Đạo của Tình yêu…

- Giải thưởng văn học:

 . Giải nhất Giải thưởng báo chí Hội nhà báo VN, “Lời khai của bị can”

 . Giải nhất báo Văn nghệ, “Câu chuyện về một ông Vua lốp”

 . Tặng thưởng Hội nhà văn, tiểu thuyết “Những cô gái Đồng Lộc”

 . Giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, truyện Khe Cò

 . Giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài TBLS của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Hội Nhà văn VN tổ chức nhân 70 năm ngày TBLS…