(Baonghean) - Quá trình triển khai, dự án Poris đã góp phần tích cực giúp các xã trên địa bàn Quỳ Châu lập kế hoạch điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn ngắn và dài hạn. Bản kế hoạch đó, cùng với sự hỗ trợ một số công trình, dự án phúc lợi, xây dựng các mô hình kinh tế đã thúc đẩy KT-XH các xã phát triển. Sau đây là một số ý kiến đánh giá về tác động của dự án Poris.
 
Ông Sầm Văn Thiết - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, Quỳ Châu:
 
Sau những khóa tập huấn của dự án, khi bắt tay vào lập kế hoạch mới, chúng tôi đã có phân cấp, phân quyền rõ ràng; Trong đó có sự tham gia của người dân, thôn bản, các tổ chức ban, ngành, lựa chọn chiến lược phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có của địa phương. Cách làm này đảm bảo tính dân chủ, vừa sát thực tế và khi giao lại cho xã điều hành thể hiện được tính làm chủ của nhân dân cũng như sự năng động của cán bộ cấp xã. Mỗi khi bản kế hoạch được thông qua rộng rãi, đòi hỏi cán bộ xã từ lãnh đạo đến nhân viên phải nỗ lực thực thi... Qua hoạt động này lãnh đạo, cán bộ xã đã nắm được những bước vững chắc trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bằng việc tăng cường thông tin đến người dân những chủ trương, chính sách của các cấp và chiến lược phát triển của địa phương để chính người dân góp ý kiến và tham gia thực hiện. Vì vậy, bản kế hoạch phát triển của xã trong vòng 1 năm đến 5 năm đã đảm bảo tính minh bạch, giải trình có trách nhiệm, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và từ sự góp sức của người dân.
images1006578_x_y_d_ng_k_nh_m__ng_th_y_l_i___ch_u_b_nh.jpgXây dựng kênh mương thủy lợi ở Châu Bình.
 
Ông Nguyễn Thế Công - Chủ tịch UBND Thị trấn Tân Lạc:
 
 Bên cạnh tập huấn cho cán bộ địa phương về kỹ năng lập kế hoạch, dự án còn nâng cao năng lực quản lý, điều hành thông qua tài trợ một số công trình phúc lợi và các dịch vụ công, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi góp phần đẩy mạnh công cuộc xoá đói giảm nghèo ở cơ sở. Tính đến thời điểm này, dự án Poris đã hỗ trợ Thị trấn Tân Lạc hàng tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá cộng đồng, cải tạo công sở làm việc, phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng, mua sắm các trang, thiết bị văn phòng, y tế, trường học. Tuy thời gian còn lại của dự án không nhiều, nhưng các địa phương được hưởng lợi từ dự án vẫn mong muốn dự án Poris tiếp tục hỗ trợ về quản lý vệ sinh môi trường - xây dưng nhà máy xử lý rác thải quy mô nhỏ; tổ chức tham quan, học tập các dịch vụ quản lý môi trường đô thị; tiếp tục tập huấn kiến thức quản lý qua các phần mềm ứng dụng như quản lý hộ tịch, quản lý nhân khẩu ...
Cơ sở vật chất Trung tâm Học tập cộng đồng xã Châu Bình.
 
Ông Lương Văn Thu - Trưởng bản Luồng, xã Châu Bính:
 
Mấy năm qua, dự án Poris đầu tư cho 12 gia đình trong bản Luồng về con giống, tập huấn kỹ thuật, xây dựng chuồng trại nuôi lợn sinh sản với tổng mức trên 90 triệu đồng. Quá trình chăn nuôi, có 6/12 lợn nái của các hộ đã sinh sản, có những con đã sinh lứa thứ hai, tạo ra nguồn giống chăn nuôi ngay trên địa bàn. Điều quan trọng hơn là các gia đình nghèo nắm chắc được kỹ thuật, tự tin trong phát triển chăn nuôi, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống... 
 
Ông Nguyễn Bá Hải - Trưởng bản Lầu 2, xã Châu Bình:
 
Nhiều gia đình được dự án hỗ trợ giống, kỹ thuật triển khai trồng cây rễ hương làm nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề làm hương trầm ở huyện. Sau 2 năm triển khai thí điểm cho thấy, cây rễ hương đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Chính vì vậy, hàng chục gia đình đã mở rộng diện tích trồng cây rễ hương. Hoạt động này góp phần tích cực giải quyết vấn đề giảm nhập nguyên liệu rễ hương cho một số làng nghề hương trầm trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Việc nhiều hộ dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây rễ hương là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nhất là khi hương trầm Quỳ Châu đã khẳng định được thương hiệu, tiêu thụ tốt. Đặc điểm của việc canh tác cây rễ hương là không cần nhiều công chăm sóc nên bà con có thể dành thời gian làm những việc khác. Vì thế, hiện nay, các gia đình tận dụng mọi diện tích đất để trồng cây rễ hương...
 
Ông Nguyễn Minh Lâm - Tổ công tác lập kế hoạch của BQL dự án Sở KH& ĐT:
 
Dự án còn cung cấp các trang, thiết bị phục vụ dịch vụ công, y tế, cấp nước sinh hoạt và đã đưa vào sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Các thiết bị đã giúp khắc phục các khó khăn của địa phương trong công tác khám, chữa bệnh tại các trạm y tế; Cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ xã, các tổ chức xã hội, trung tâm giao dịch một cửa, trung tâm học tập cộng đồng... nâng cao hiệu quả công việc, cung cấp tốt hơn các dịch vụ công cho người dân địa phương. Những năm qua, dự án cũng chú trọng cải thiện điều kiện sinh hoạt, hoạt động của các nhà văn hóa cộng đồng các thôn, bản, tạo điều kiện tốt hơn trong việc huy động sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân trong công tác lập kế hoạch hàng năm, cung cấp kịp thời các thông tin về chính sách, pháp luật, các thông tin về tình hình dịch bệnh, khoa học, xã hội đến người dân địa phương... Tất cả các hoạt động đều dựa trên các ưu tiên cấp thiết chung của cả cộng đồng, góp phần giải quyết các khó khăn xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế, quá trình đó đã nhận được sự tham gia tích cực của người dân. Điển hình như một số công trình phục vụ dân sinh, nhà văn hóa, đường giao thông ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương... đồng bào đã đóng góp tới 50% giá trị đầu tư.
 
Nguyên Nguyên