Theo bảng xếp hạng 2016 của trang Hỏa lực Toàn cầu (GFP), sức mạnh quân sự Việt Nam đứng cao thứ 17 trong danh sách 126 nước trên toàn thế giới.

Trang web GlobalFirepower (GFP) vừa công bố danh sách xếp hạng (năm 2016) sức mạnh quân sự của 126 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, dựa trên các dữ liệu công khai từ các nguồn mở.

images1568043_xep_hang_quan_su_1_hsvx.jpgTop 10 các nước có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới năm 2016, theo GFP. (Ảnh chụp màn hình)

Mỹ số 1, Việt Nam thứ 17

Trong danh sách này, Mỹ đứng đầu còn Cộng hòa Trung Phi đứng cuối bảng. Việt Nam nằm trong top 20, ở vị trí thứ 17, trên cả Ba Lan và Thái Lan. Việt Nam cũng đứng “trên cơ” cả Iran (thứ 21), Canada (thứ 22), và Australia (thứ 23).

Tàu chiến Việt Nam. Ảnh: Người đưa tin.

CHDCND Triều Tiên tuy có lực lượng quân sự thường trực vào hàng đông nhất thế giới nhưng về sức mạnh quân sự tổng hợp vẫn xếp thứ 25, sau Việt Nam tới 8 bậc.

Tuy nhiên Việt Nam nằm dưới Indonesia (thứ 14), Brazil (thứ 15) và Israel (thứ 16).

10 nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới lần lượt là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, và Italy.

Theo GFP, nhân lực đủ điều kiện làm nghĩa vụ quân sự ở Trung Quốc là 619 triệu người, quân thường trực của nước này là hơn 2,3 triệu người, lực lượng dự bị động viên vào khoảng 2,3 triệu người.

Khi ấn vào tên mỗi nước trong bảng xếp hạng, độc giả sẽ thấy các số liệu cụ thể về số lượng của từng loại vũ khí chính trong lực lượng lục quân, không quân và hải quân của mỗi nước.

Trung Quốc nhiều chiến hạm nhưng chủ yếu là tàu gần bờ

Trong 3 nước đứng đầu: Về xe tăng, Nga là nhiều nhất (15.398 chiếc), Trung Quốc thứ nhì (9.150 chiếc), còn Mỹ chỉ có 8.848 chiếc. Về máy bay quân sự, Mỹ đầu bảng với 13.444 chiếc, kế đến là Nga (3.547 chiếc) và Trung Quốc (2.942 chiếc).

Tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Về tàu hải quân, trong 3 nước nói trên, Trung Quốc có nhiều tàu nhất (714 chiếc), Mỹ chỉ đứng thứ 2 với 415 chiếc, và Nga đứng cuối bảng với 352 chiếc. Tuy nhiên về chủng loại thì có sự khác biệt lớn, thể hiện đẳng cấp của mỗi nước. Mỹ có tới 19 tàu sân bay, trong khi Nga và Trung Quốc mỗi nước chỉ có 1 tàu sân bay. Về tàu ngầm, Mỹ nhỉnh hơn với 75 chiếc, còn Nga có 60 chiếc, Trung Quốc gần 70 chiếc. Trung Quốc có tổng số tàu các loại là lớn nhưng một tỷ lệ lớn trong đó là tàu phòng thủ bờ biển (138 chiếc, trong tổng số 714 chiếc).

Trong top 30 chỉ có 3 nước Đông Nam Á là Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Trong hai nước láng giềng của Việt Nam, Campuchia xếp thứ 88, còn Lào xếp thứ 121.

Xếp hạng dựa trên hàng chục yếu tố

Theo GFP, bảng xếp hạng của họ chủ yếu dựa trên tiềm lực phát động chiến tranh chính quy trên bộ, trên biển và trên không. Bảng xếp hạng cuối cùng tích hợp các giá trị liên quan đến nguồn tài nguyên (nhất là dầu mỏ), tài chính, hậu cần, và địa lý, cùng hơn 50 nhân tố khác nhau để quyết định mức chỉ số “Hỏa lực” của mỗi nền kinh tế cụ thể.

Các nước và vùng lãnh thổ xếp từ hạng 11 đến 25. Ảnh chụp trang web GFP.

Với cách tính này, GFP cho biết, các nền kinh tế nhỏ hơn nhưng có công nghệ tiên tiến hơn có thể cạnh tranh với các nước đất rộng hơn nhưng kém phát triển hơn.

GFP cũng tính điểm cộng và điểm trừ

GFP không đơn thuần dựa vào tổng số vũ khí của mỗi nước và vùng lãnh thổ mà nghiêng nhiều hơn về mức độ đa dạng vũ khí trong tổng số giúp cân bằng hỏa lực (ví dụ triển khai 100 tàu phá thủy lôi không có giá trị chiến lược và chiến thuật ngang bằng với triển khai 100 tàu sân bay).

Các kho vũ khí hạt nhân không được tính đến nhưng GFP thêm điểm thưởng cho các nước hoặc vùng lãnh thổ được công nhận hoặc bị nghi có vũ khí hạt nhân.

Các nước NATO được cộng thêm điểm do về mặt lý thuyết, họ chia sẻ nguồn lực với nhau.

Nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng. Các nước đông dân có xu hướng được xếp hạng cao hơn.

GFP không trừ điểm các nước không có hải quân (do không có biển), nhưng lại trừ điểm các lực lượng hải quân thiếu sự đa dạng về trang thiết bị và vũ khí.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN