Nhận định trên do chuyên gia quân sự Robert Farli thuộc tạp chí The National Interest đưa ra.
Theo Robert Farli, trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, thời hạn phục vụ của các máy bay quân sự không được kéo dài. Những máy bay quân sự tốt nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai đã nhanh chóng trở nên lạc hậu chỉ sau một thời gian ngắn.
Với việc công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay, hàng loạt máy bay dù mới được chế tạo đã bị coi là lạc hậu. Mặc dù vậy, vẫn có một số máy bay vượt qua được thử thách về thời gian và một trong số đó là máy bay tiêm kích siêu thanh hạng nhẹ thế hệ 3 MiG-21 do Liên Xô sản xuất.
Đáng chú ý, tiêm kích thế hệ 3 MiG-21 được liệt vào lớp máy bay tiêm kích mà sự phát triển của công nghệ đã có những tác động rất rõ nét. Tuy nhiên, tiêm kích MiG-21 của Liên Xô vẫn có thể giành ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh, cho dù các máy bay tiêm kích hiện đại có thể bay nhanh hơn, có khả năng cơ động cao hơn, được trang bị các thiết bị điện tử phức tạp hơn so với MiG-21.
MiG-21 (Định danh của NATO-Fisshbed) được Liên Xô thiết kế và chế tạo từ những năm 1950 có thể đạt tốc độ siêu thanh (2 Max), được trang bị 2 súng máy, đồng thời có thể mang theo từ 2-6 tên lửa.
Trong giai đoạn 1959-1985, Liên Xô đã chế tạo tổng cộng 10.645 máy bay MiG-21. Theo thỏa thuận với Moscow, Ấn Độ cũng đã chế tạo 657 máy bay tiêm kích loại này, Tiệp Khắc chế tạo 194 máy bay. Chính phủ Trung Quốc cũng đã được cấp giấy phép sản xuất loại máy bay này và trong giai đoạn 1966-2013 Trung Quốc cũng đã chế tạo được gần 2.400 tiêm kích MiG.
Nếu như tính tổng máy bay MiG-21 đã được chế tạo thì MiG-21 là loại máy bay có số lượng chế tạo lớn nhất so với các loại máy bay khác.
Robert Farli cho rằng, các loại máy bay MiG đã tham gia vào các chiến dịch quân sự trong chiến tranh Việt Nam, và tại Trung Đông trong giai đoạn xung đột quân sự giữa Israel với thế giới Ả rập, cũng như tham gia trong giải quyết xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong tất cả các chiến dịch này, MiG đều thể hiện được những ưu thế vượt trội của mình.
Số lượng máy bay MiG-21 hiện vẫn đang được sử dụng đã sụt giảm từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 khi công nghệ tiên tiến đã giúp chế tạo nên các loại máy bay hiện đại hơn. Tuy nhiên, hiện MiG-21 vẫn đang có trong biên chế của quân đội 18 nước, trong đó có cả quân đội của các nước thành viên NATO như Romania và Croatia.
“Về tổng thế, với tuổi đời lên đến hơn 70 năm, MiG-21 hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu một trong những máy bay tiêm kích huyền thoại”- Robert Farli kết luận.