Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với nhiều sức ép khi mong muốn triển khai chính sách đối ngoại mềm mỏng với Nga.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây dường như đang bị đẩy vào thế kẹt giữa mong muốn cải thiện quan hệ với Nga và những hối thúc của các quan chức đảng Cộng hòa yêu cầu ông phải có phản ứng mạnh, sau khi cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, theo Reuters.
Bình luận viên Phil Stewart nhận định ông Trump ngay từ đầu đã tỏ thái độ hoài nghi trước những báo cáo tình báo cho rằng Nga nỗ lực tác động vào cuộc bầu cử nhằm giúp ông giành chiến thắng, đồng thời đổ lỗi cho Trung Quốc hay một tin tặc "nặng 180 kg" nào đó.
Tuy nhiên, sau báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ ngày 6/1 cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ đối mặt với những lời kêu gọi phải có phản ứng cứng rắn trên cả lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế sau khi nhậm chức.
"Chính quyền Mỹ mới cần phải có một quan điểm cứng rắn hơn nhiều ", chuyên gia Nile Gardiner thuộc một cơ quan nghiên cứu có ảnh hưởng tới nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump tuyên bố.
Theo các nhà phân tích, một số quan chức đảng Cộng hòa trong Quốc hội, vốn lo ngại Trump thực hiện chính sách hòa giải với Putin, có thể gây áp lực khiến Tổng thống đắc cử Mỹ ngừng việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết ông và chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain sẽ đề xuất một dự luật, yêu cầu triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn hiện nay.
"Chúng tôi sẽ đề xuất những biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính và năng lượng, vốn là điểm yếu của họ", ông Graham nhấn mạnh.
Theo Stewart, tướng hải quân về hưu James Mattis, người được ông Trump đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, được cho là có quan điểm ủng hộ chính sách cứng rắn với Nga. Điều này sẽ dẫn đến việc ông mâu thuẫn với cố vấn an ninh quốc gia tương lai Michael Flynn, người từng có quan hệ tốt đẹp với chính quyền của ông Putin cũng như Ngoại trưởng do Trump đề cử Rex Tillerson, người từng có quan hệ kinh doanh với Moscow.
Nếu ông Mattis thúc đẩy cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga, điều này sẽ khiến Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu thông qua các biện pháp như củng cố lực lượng của Mỹ tại các nước Baltic và Ba Lan.
"Hiện các quốc gia châu Âu trong NATO đang lo ngại về ông Trump. Bất cứ sự nhượng bộ nào đối với Nga đều có thể thay đổi định hướng của khối, khiến châu Âu chia rẽ. Tuy nhiên, chúng tôi không mong đợi điều đó. NATO đang nỗ lực trấn an các đồng minh ở Baltic và Mỹ là bộ phận quan trọng của khối", một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết.
Những người ủng hộ chủ trương đáp trả mạnh mẽ chiến dịch tấn công mạng của Nga cho rằng Mỹ có thể sử dụng biện pháp loan tải các thông tin tài chính để gây tổn hại dến uy tín của những trợ lý và cố vấn thân cận của ông Putin.
Hiện, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn kiềm chế triển khai những hành động kiểu này, do lo ngại dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến những mối quan hệ tài chính và năng lượng giữa hai nước.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ từng tuyên bố rằng Mỹ cần hướng tới những điều "vĩ đại và tốt đẹp hơn", sau khi tình báo Mỹ cáo buộc chiến dịch tấn công mạng của Nga, dường như các nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ khó có khả năng ngay lập tức bỏ qua vụ việc này.
Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố với NBC rằng ông muốn thành lập một ủy ban điều tra toàn diện về chiến dịch của Nga nếu ông thuyết phục được các quan chức lãnh đạo đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.
Các chuyên gia cho rằng việc theo dõi chặt chẽ các hành động của Nga sẽ được triển khai cùng thời điểm chính quyền của ông Trump bắt đầu phác thảo chiến lược toàn diện đối với Moscow.
Theo VNE