(Baonghean) - Sông Lam chảy qua trước mặt, dãy núi Thiên Nhẫn che chắn sau lưng, làng Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, Nam Đàn) không chỉ nổi tiếng là vùng quê có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, lưu dấu nhiều công trình cổ tồn tại mấy trăm năm, mà còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng làm rạng danh đất học. Làng có núi Ngang, nên tên làng gọi là Hoành Sơn…
 
 
images1097251_dsc03541.jpgĐình Hoành Sơn - xã Khánh Sơn, Nam Đàn.
Làng có đình Hoành Sơn (đình làng Ngang) – 1 trong 4 ngôi đình nổi tiếng vùng Nam Hoa, đã từng được nói đến trong câu ca “Thứ nhất nghi môn Tam Thanh / Thứ nhì là cảnh Yên Quỳnh / thứ ba là đình Nam Hoa”. Đình được Thông giám hầu Đặng Thạc khởi xướng xây dựng năm Cảnh Hưng thứ 23, thời vua Lê Hiển Tông (1763), thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang, tứ vị Thánh Nương và đức Phật. Đây là đình làng có quy mô đồ sộ vào bậc nhất miền Trung, gồm sân đình, bái đường và hậu cung, mang dáng dấp kiến trúc thế kỷ XVII – XVIII. 7 gian bái đường, 1 gian hậu cung, trụ vững trên 36 cột gỗ lim đồ sộ, có tường bao, sân gạch và mái ngói âm dương. Mỗi gian đình thể hiện một sắc thái nghệ thuật khác nhau, vừa nguy nga, vừa gần gũi, sống động và uyển chuyển, khẳng định tài năng bậc thầy về nghệ thuật chạm trổ điêu khắc thế kỷ XVIII.
Đình Hoành Sơn là nơi thờ tự, hội họp, tổ chức vinh quy, lễ hội của làng. 251 năm qua, đình Hoành Sơn là chứng tích của bao sự kiện lịch sử. Nơi đây, Pháp đã từng giam cầm, tra tấn nhiều chiến sỹ cách mạng. Cờ của Đảng, cờ của Mặt trận Việt Minh đã tung bay trên cây đa, cây gạo trước đình những ngày cách mạng. Trong kháng chiến, đình là nơi làm việc của Ủy ban Kháng chiến địa phương, là nơi cất giấu lương thực, thực phẩm... Trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt, những trận lũ lụt lịch sử, dẫu bị xuống cấp nặng nề, đình Hoành Sơn vẫn tồn tại với thời gian, được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia từ năm 1980. 
 
Theo các cụ cao niên, làng Hoành Sơn xưa cũng có nhiều đền, chùa, thờ thần, phật: đền Sắc Sơn, đền Làng Bắc… Chùa Ngang trên núi Hốc, nằm dưới bóng cây thông cổ thụ, 5 gian 2 hồi, có cổng tam quan với nhiều tượng phật. Ngoài đê Nam Trung, bên trái đình là đền Cả uy nghi, bên phải đình là chợ Ngang rộn ràng, tấp nập… Qua thời gian, chùa Ngang chỉ còn là một ngôi tháp nhỏ, tượng xưa đã được đưa về thờ tại đình làng. Đền Cả không còn ở bãi bồi, chợ Ngang đã dời về xuôi, ngoài đê Nam Trung bây giờ chỉ còn lại một màu xanh của ngô, khoai tít tắp.
 
Làng Hoành Sơn là quê hương của những “ông nghè, ông cử” rạng ngời sử sách: Nguyễn Thiện Chương, Nguyễn Đức Đạt, Tạ Quang Bửu… Nay giữa làng, gần cánh đồng Lòn vẫn còn hiện diện quán văn chỉ Hoành Sơn đồ sộ, mà người dân địa phương gọi nôm na là nhà Thánh, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền. Dưới 2 lối đi có 4 tấm bia đá, khắc chữ Hán 2 mặt, đặt đối xứng nhau qua sân lộ thiên, ghi danh gần 20 người con ưu tú của làng đậu đại khoa và trung khoa Hán học (hoàng giáp, thám hoa, tiến sỹ, cử nhân…). Nơi đây, hàng năm đã từng diễn ra những ngày tế Thánh do Hội Tư văn chủ trì, nhằm tôn vinh đạo Nho và truyền thống hiếu học của làng.
 
Nhà thờ họ Nguyễn Thiện Chương.
 
Làng Hoành Sơn là nơi quần cư của mấy chục dòng họ, trong đó có những họ nổi tiếng như Nguyễn Thiện, Nguyễn Đức, họ Chu, họ Tạ… với nhiều người con đức rộng tài cao, xứng dòng khoa bảng. Nhiều gia đình có “ông đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”; các thế hệ của làng từng bước tiếp nối truyền thống ngàn xưa “Áo rách đổi lấy võng cờ / Nón mê đổi lấy chữ đồ Vua ban”. Ven đê Nam Trung có nhà thờ họ Nguyễn Thiện, nổi tiếng với Đề hình, Giám sát ngự sử đài, Thiên đô hình bộ, Hữu thị lang Nguyễn Thiện Chương (1451 – 1520); người đã từng tham gia biên soạn luật Hồng Đức – bộ luật hoàn hảo bậc nhất nước ta thời phong kiến; tại nhà thờ, hiện còn 4 sắc phong của các triều đại. Giữa làng có nhà thờ họ Nguyễn Đức, nổi tiếng với Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1825 – 1887), từng làm án sát, tuần vụ các tỉnh và Đốc học Nghệ An; sau về quê mở trường Nam Sơn dạy học. Ông là một danh sư nổi tiếng, có nhiều học trò xuất sắc. Những giáo trình dạy học, những sáng tác của ông là các tác phẩm để đời. Trong đó tiểu biểu có “Nam Sơn tùng thoại” gồm 32 chương, bàn giải về đức độ, học vấn, pháp chế đương thời. Hiện nay, 2 nhà thờ và mộ các ông đều là những Di tích Lich sử - Văn hoá cấp tỉnh.  
 
Trải bao dâu bể, núi Hoành vẫn hiên ngang, sông Lam vẫn bồi đắp phù sa cho đất Nam Hoa màu mỡ. Truyền thống của làng hun đúc tự bao đời, vẫn được cháu con gìn giữ, phát huy, ngày thêm toả rạng. Về Hoành Sơn thăm bia đá, ngắm đình làng cổ kính, nghe lòng trào dâng niềm tự hào như đi giữa mạch nguồn văn hoá nghìn năm!
 
 
Huy Thư