Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người đã dẫn lại lời Các Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lênin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”.
Trong văn kiện thành lập Đảng tháng 2/1930, Người đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội là “thực hiện nam nữ bình quyền” (1). Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng (18/2/1930) cũng nêu rõ: “Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh, chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh, chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để... thực hiện nam nữ bình quyền” (2).
Từ năm 1930-1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người phụ nữ đã được giác ngộ cách mạng và các tổ chức Phụ nữ Giải phóng dần hình thành.
Từ năm 1936-1938, căn cứ Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng (8/1937) về công tác vận động phụ nữ, tổ chức Phụ nữ Giải phóng được đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ.
Từ 1939-1941, trong hoàn cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội chủ trương đổi tên thành Hội phụ nữ Phản đế. Từ 1941-1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được Đảng thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh. Kết quả phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Từ việc nhận ra vai trò của người phụ nữ trong công cuộc giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhận ra rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì cần phải giải phóng hoàn toàn người phụ nữ. Người nhận định: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả” (3). Vào ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được Đảng ta thành lập, nhằm mục tiêu đấu tranh tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.
Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông” (4). Người cũng đã khen tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Tháng 5/1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (5).
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em” (6).
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính Trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 8-10
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.195
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 97
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 617
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 169