Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ đều sẵn sàng chấp nhận định kiến đó. Họ vẫn tìm kiếm cơ hội để chiến đấu với kẻ thù chứ không ngồi ngoài cuộc chiến hay chỉ làm việc ở các bệnh viện.
Cô gái Kira Bashirova 16 tuổi đã chứng kiến chiến tranh nổ ra ở Vilno (Vilnius ngày nay), nơi cô theo học tại trường nữ sinh địa phương. Biết rõ mình sẽ không bao giờ được phép ra chiến trường, Kira chọn cách bỏ trốn. Cắt ngắn mái tóc dài bồng bềnh và bán một phần tư trang, Kira đã có đủ tiền để mua một bộ quân phục. Sau đó cô lấy thẻ sinh viên của người anh họ Nikolay Popov và lên đường tới Lodza (Ba Lan), nơi Trung đoàn Bộ binh Petrovsky 88 đồn trú. Cô gái cải trang nam trở thành tình nguyện viên của trung đoàn này.
“Nikolay” đã chiến đấu can đảm và thường xuyên nhận nhiệm vụ trinh sát. Trong một lần đi trinh sát ban đêm, người lính trẻ thậm chí còn bắt được kẻ địch làm tù binh và được trao tặng Thập tự Thánh Georgy hạng Tư. Khi đó, một mình cô tóm gọn tên lính địch, do người đồng đội bị thương và không thể hỗ trợ.
Suốt thời gian dài, Kira đã che dấu được thân phận thật sự của mình: tắm riêng với những người khác, học cách nói giọng nam giới và cố gắng để không nổi bật so với những người đồng đội. Cô gái kể mọi thứ cho những người thân yêu trong những lá thư và gia đình cô chẳng thể làm được gì ngoài việc chấp nhận sự lựa chọn của Kira.
Sự thật cuối cùng cũng bị phát hiện khi Kira phải nhập viện do bị ốm. Chỉ huy của cô đã rất bất ngờ và nhanh chóng ra lệnh đưa cô về hậu phương. Dù vậy, họ không tước đi các phần thưởng trong quân đội của cô mà thậm chí còn gửi cho cô một lá thư cảm ơn.
Có vẻ như sự nghiệp phục vụ trong quân ngũ đã kết thúc từ thời điểm này. Tuy nhiên, Kira không hề có ý định từ bỏ dễ dàng đến thế.
“Người phụ nữ trẻ dũng cảm đã không trở về nhà, mà một lần nữa lại đóng giả làm Nikolay Popov, trở thành tình nguyện viên ở một đơn vị mới, nơi sau đó cô bị thương khi đối mặt với kẻ thù và được đưa tới bệnh viện”, Tạp chí Zadushevnoe Pismo viết về hành động dũng cảm của nữ anh hùng năm 1915.
Sau khi một lần nữa bị lộ thân phận là phụ nữ và được gửi về nhà, Bashkirova đã viết thư chính thức xin trở lại chiến trường, lần này sử dụng tên thật của mình. Đơn đề nghị được chấp nhận trong niềm vui sướng của Kira và đến tháng 10/1917, cô chính thức được chiến đấu cùng Trung đoàn Bộ binh Serbia.
Một lần nữa ra chiến trường
Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, nhiều năm sau đó, Kira không còn nhắc tới việc phục vụ trong quân ngũ mà tập trung vào việc chăm sóc trẻ em mồ côi và thành lập một trại trẻ mồ côi ở Poltava, Ukraine.
Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô mùa hè năm 1941, Kira (khi đó vừa mới kết hôn và mang họ chồng Lopatina) một lần nữa ra chiến trường. Là người mẹ đã có 2 con và lúc này đã 40 tuổi, Kira tất nhiên không lựa chọn lặp lại phần nào hành động dũng cảm đáng ngưỡng mộ thời trẻ của mình, nhưng vẫn đóng góp vào chiến thắng chung trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Với vai trò là y tá trưởng tại Bệnh viện quân sự Murmansk, Kira chăm sóc các binh sỹ bị thương, thường xuyên tiếp nhận những trường hợp nguy kịch nhất. Cô thường xuyên hỗ trợ các bác sỹ thực hiện các ca phẫu thuật giữa múc các cuộc tấn công trên không của quân Đức đang diễn ra.
Lòng dũng cảm và sự hy sinh của Kira Lopatina đã được các chỉ huy chú ý đến. Cô được trao Huân chương “Vì sự nghiệp chiến đấu” và “Vì sự bảo vệ Zapolyarye”./.