(Baonghean) - Công trình Thủy lợi Bắc Nghệ An là công trình thủy lợi lớn nhất hiện nay của tỉnh Nghệ An, có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho một vùng rộng lớn phía Bắc tỉnh. Sau 75 năm đưa vào sử dụng, công trình đang xuống cấp nghiêm trọng. Dự án “Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An” được thực hiện từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đang mở ra một triển vọng mới cho công trình quan trọng này.
Công trình Thủy lợi Bắc Nghệ An được thiết kế, chỉ đạo thi công bởi người Pháp, được khởi công vào năm 1930 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1936. Tại thời điểm đó, quy mô của công trình phải kể đến các hạng mục của nó. Cụm công trình đầu mối là đập tràn ngăn sông Lam với chiều dài 297m gồm 12 khoang, rộng mỗi khoang 23m; nước được dâng lên qua cống Mụ Bà chảy trên hệ thống kênh dẫn chiều dài 56.064m qua 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu với 222 km kênh cấp 1 và 1.200 kênh cấp dưới, cùng hàng nghìn công trình trên kênh.
Hệ thống kênh tiêu cũng hoàn chỉnh với các kênh Vách Bắc, Cẩm Bào và cống tiêu Diễn Thành... gần như khép kín hệ thống thủy lợi tưới, tiêu toàn bộ vùng trọng điểm sản xuất lúa, màu của tỉnh. Sau từng giai đoạn lịch sử của đất nước, sự chuyển đổi cơ chế khoán quản trong sản xuất nông nghiệp, công trình hệ thống tưới Thủy lợi Bắc đã phục vụ đắc lực cho việc đưa các loại giống mới, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng mạnh và ổn định sản lượng lương thực của tỉnh vượt ngưỡng 1 triệu tấn. Đánh giá ở góc độ chuyên ngành, đây là công trình thuỷ lợi thể hiện tầm nhìn lâu dài trong thiết kế xây dựng ban đầu bởi có khả năng tự chảy cao, hạn chế tối đa chi phí đầu tư. Do vậy, nâng cấp công trình Thuỷ lợi Bắc Nghệ An bằng áp dụng công nghệ mới sẽ tiếp tục phát huy công năng, hiệu quả vô cùng lớn...
Theo thiết kế ban đầu của hệ thống Thủy lợi Bắc đảm bảo việc tưới cho 34.500 ha vùng đồng bằng rộng lớn, đất đai phì nhiêu, là vựa lúa lớn của tỉnh, tuy nhiên, một thực tế, sau hơn 7 thập kỷ khai thác, sử dụng các hạng mục, nhất là hạng mục đầu mối bị xuống cấp nghiêm trọng, trong số 12 khoang thì có 1 khoang bị phá hỏng, các khoang còn lại bị hỏng nhiều, các thiết bị cơ khí bị rỉ và kém chất lượng... do vậy, năng lực tưới thực tế của hệ thống chỉ còn 19.636 ha, giảm hơn 14.000 ha theo thiết kế, đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chỉ đạo mùa vụ sản xuất, đảm bảo sản lượng lương thực của cả vùng. Ngoài ra, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình hạn hán rất gay gắt, xâm nhập mặn ngày một lớn, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nên sự xuống cấp của công trình càng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Sự cần thiết, cấp bách đầu tư khôi phục, nâng cấp công trình đã được lãnh đạo tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm khi bắt đầu từ năm 2009 đã thực hiện vận động Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư đưa vào danh sách sử dụng nguồn vốn ODA với kết quả: Người Nhật đã muốn thay thế người Pháp khôi phục lại năng lực tưới cho hệ thống Thủy lợi Bắc. Ngày 6/5/2010, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã về Nghệ An, đi thực địa vùng dự án và bày tỏ quan điểm ủng hộ, vì nhận thấy đây là dự án lớn, cần thiết phải đầu tư để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân, phát huy tác dụng lớn trong phục vụ nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước cho khu công nghiệp Hoàng Mai (trong đó có Nhà máy thép Kobelco do Nhật Bản đầu tư), phân lũ cho vùng hạ du công trình, phòng chống biến đổi khi hậu và nước biển dâng.
Cũng do tính chất và tầm quan trọng của dự án, cũng như ý nghĩa của mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam, năm 2011, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) liên tục cử các đoàn công tác vào làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc đầu tư khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc; quá trình làm việc, đi thực địa đã củng cố thêm dữ liệu và đã đi đến ký biên bản thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp & PTNT, Ban Quản lý dự án Trung ương, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý dự án. Đối với UBND tỉnh Nghệ An, vì đây là dự án quan trọng, cấp bách nên luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương liên quan tích cực phối hợp để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị dự án, đáp ứng yêu cầu về tiến độ của Chính phủ, của nhà tài trợ.
Sự nỗ lực không ngừng của các bên liên quan đã có kết quả khi dự án đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1929/ QĐ-BNN- TCTL ngày 14/8/2012 với tổng mức đầu tư là hơn 5.705 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản (do JICA tài trợ), vốn đối ứng Trung ương và địa phương. Mục tiêu chính của dự án là tăng năng lực tưới tiêu, đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng, tăng khả năng nuôi trồng thủy sản, tăng mùa vụ sản xuất; cải tạo mạng lưới giao thông nông thôn; tăng khả năng thoát lũ cho vùng hạ lưu, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mục tiêu đầu tư khôi phục nâng cấp toàn bộ hệ thống để đảm bảo an toàn công trình lâu dài, tưới ổn định cho 27.656 ha, trong đó có 21.459 ha lúa, 6.160 ha màu của 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu; cấp nước sinh hoạt cho hơn 950.000 người, gần 1 triệu con gia súc; cấp nước cho các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi và các nhà máy khác trong vùng dự án; góp phần tiêu úng cho 1.405 ha vùng trũng Yên Thành - Diễn Châu, ngăn mặn, giữ ngọt để tạo nguồn cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt.
Như vậy, từ sự kết hợp hài hòa về thiết kế và ý tưởng vượt thời gian của người Pháp, nay được sự hỗ trợ đầu tư về công nghệ mới có đẳng cấp vượt trội của người Nhật, chắc chắn công trình Thủy lợi Bắc càng phát huy công năng, hiệu quả sử dụng. Với một công trình lớn, quan trọng như vậy nên UBND tỉnh, Sở NN&PTNT Nghệ An đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai các bước đầu tư chặt chẽ, đảm bảo tiến độ theo cam kết, ông Nguyễn Đình Thảo - Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết: Với nhiệm vụ được giao quản lý, thực hiện Hợp phần 1 của dự án, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT, Ban Quản lý dự án tỉnh luôn nỗ lực, tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý dự án Trung ương triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Bài, ảnh: Hữu Nghĩa