(Baonghean) - Dự án nâng cấp, nạo vét luồng lạch để đón tàu 10.000 tấn đầy tải vào Cảng Cửa Lò đang tích cực triển khai cùng đó đơn vị đang chuẩn bị đầu tư dự án bến số 5, 6… Hoạt động đó được kỳ vọng sẽ đem đến cơ hội cho Cảng Cửa Lò trở thành một trong những cảng biển quốc tế lớn nhất ở khu vực Bắc Trung bộ 

Với cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư đồng bộ và rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước cũng như quốc tế, thời gian qua sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Cửa Lò ngày càng tăng. Có nhiều bạn hàng, hãng tàu trong nước, quốc tế đến với cảng như: Nhật - Việt, Đại Tây Dương, Biển Đông... Ông Lê Doãn Long – Giám đốc Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Cửa Lò luôn tăng trưởng 20%/năm và là một trong những cảng biển có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hiệp hội cảng biển Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2014, sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 2,3 triệu tấn và dự kiến trong năm nay sẽ hơn 2,7 triệu tấn”. 
images1085035_g_i_tu_n_b_o__nh_c_ng_c_l_.jpgBốc xếp Container tại Cảng Cửa Lò.
 
Để từng bước nâng cao năng lực hoạt động, đồng thời khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam, Cảng Cửa Lò đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án quan trọng, đó là “Đầu tư dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 tấn đầy tải vào Cảng Cửa Lò” với tổng mức đầu tư là hơn 375,6 tỷ đồng (trong đó, chiều rộng luồng tại đáy nạo vét 100m; chiều sâu chạy tàu 9,3m; mực nước chạy tàu: +2,5m; cao độ đáy nạo vét -7,2m) và đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu đồng bộ. Phân kỳ đầu tư của giai đoạn 1 là 179, 3 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 196,2 tỷ đồng, xây dựng đê Nam dài 250m… Cùng với đó Cảng Cửa Lò đang triển khai dự án phát triển cảng về phía Bắc bằng việc đầu tư bến số 5 và số 6. Đây là những dự án quan trọng có ý nghĩa động lực để cảng vươn ra hoà nhập với các nước  trong khu vực và quốc tế… 
 
Cảng Cửa Lò được đầu tư xây dựng từ năm 1979 và đi vào hoạt động từ năm 1985. Trong quá trình khai thác, Cảng Cửa Lò đã nhiều lần nâng cấp, mở rộng để trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực bốc dỡ hàng hóa, phục vụ trực tiếp cho khu kinh tế Đông Nam và là một trong những cửa ngõ tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh cho nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan… Với tổng diện tích 32 ha, Cảng Cửa Lò đã xây dựng, khai thác 4 cầu cảng với tổng chiều dài 656m và  hệ thống kho kín với diện tích 22.000m2, bãi chứa container là 17.930m2, bồn chứa 6.500m3, cùng với đó là trang bị nhiều phương thiện máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ như dàn xe nâng, xe xúc lật, nâng hạ, xe cẩu, xe vận tải chuyên dụng và có cần cẩu sức nâng 130 tấn để bốc xếp các loại hàng siêu trường, siêu trọng… 
 
 Ở vị trí chiến lược và có nhiều năm hoạt động, hạ tầng được nâng cấp, Cảng Cửa Lò được đánh giá là khu vực thuận lợi để xây dựng cảng biển quốc tế năng động của cả nước cũng như các nước Đông nam Á. Sau khi hoàn thành dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào cảng  và dự án đầu tư xây dựng bến số 5 và số 6, Cảng Cửa Lò sẽ góp phần mở rộng phạm vi xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung bộ sang các thị trường lớn cũng như trung chuyển hàng hóa cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT, để đáp ứng cho hoạt động đó, cảng cần tiếp tục đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ cảng, tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng hiện đại hóa…
 
Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển Cảng Cửa Lò, tỉnh ta cũng quan tâm thúc đẩy thực hiện dự án xây dựng Cảng biển nước sâu phía Bắc Cửa Lò gắn với Khu kinh tế Đông Nam (tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), với chiều dài bến 3.020m và khu vực hậu cần cảng 110 ha… Đây là một trong những dự án quan trọng để tăng cường khai thác, phát triển hiệu quả kinh tế cảng biển, tạo động lực cho các lĩnh vực khác phát triển.
 
Gần 30 năm hoạt động, Cảng Cửa Lò đã qua nhiều lần đầu tư nâng cấp và mở rộng để phát huy tốt vai trò là một cầu nối quan trọng trong phát triển kinh tế của cả khu vực và ngành Hàng hải Việt Nam. Trong lần nâng cấp đợt này, Cảng Cửa Lò được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực khai thác, phát huy tốt vị trí “cửa ngõ” để vươn ra biển lớn, hội nhập với quốc tế, đáp ứng tốt nhất thông thương hàng hóa trong khu vực và các nước trên trên giới, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế của Nghệ An và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
 
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh