Mòn mỏi chờ di dời
Dự án đường N5 giai đoạn 1 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ tháng 12/2008, do Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 760 tỷ đồng. Tuyến đường dài gần 7km, rộng 56m, đi qua các xã: Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá và Nghi Hợp của huyện Nghi Lộc. Điểm đầu giao với đường liên xã Nghi Thuận; điểm cuối giao đường Quốc lộ 46 và đường 536 tại xã Nghi Hợp.
Dự án đã thi công xong 4,3km đoạn qua các xã Nghi Thuận và Nghi Long. Đến cuối năm 2009, khi dự án thi công đến khu vực nghĩa trang Đồng Vông, thuộc xã Nghi Xá thì dừng lại cho đến nay.
Tại xã Nghi Xá, dự án đường N5 chạy qua xã khoảng 3km, hiện đất nông nghiệp, đất mặt nước đã đền bù cho dân. Do chưa bố trí được nguồn vốn nên công tác GPMB đối với toàn bộ diện tích đất ở, đất vườn và tài sản trên đất của 14 hộ dân thuộc xóm 4 và xóm 5 chưa được thực hiện xong. Suốt nhiều năm nay, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
“14 hộ dân trên thuộc diện phải di dời, nhường đất để xây dựng tuyến đường N5 nên không được tách thửa, cải tạo, xây dựng nhà mới. Do chờ đợi quá lâu mà dự án chưa thực hiện nên nhà cửa của người dân xuống cấp nghiêm trọng. Những nhà con đông muốn ở riêng trong vườn nhưng không được tách thửa và làm nhà. Nhiều người lên đề nghị UBND xã giải quyết để xây nhà cho con nhưng lãnh đạo xã không biết xử lý thế nào”, lãnh đạo xã Nghi Xá cho biết.
Sống trong căn nhà ngang xập xệ do bố mẹ để lại, bà Nguyễn Thị Hà, trú xóm 4, xã Nghi Xá cho biết, gia đình bà mong muốn được di dời đến nơi ở mới nhiều năm nay nhưng mãi không được. Do nhà cửa xây dựng lâu, xuống cấp nên năm 2019, toàn bộ mái ngói đổ sập xuống, may không ai bị thương. Hiện các bức tường đã nứt toác, bong tróc và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
“Lúc bố mẹ tôi còn sống, nguyện vọng của ông bà là được di dời đến khu tái định cư, để được sống những năm cuối đời trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Thế nhưng, bố mẹ tôi đã mất hơn 3 năm rồi nhưng nguyện vọng đó mãi chưa thành hiện thực”, bà Hà nói. Đứng kế bên, ông Nguyễn Kế Lợi cho biết, nhà cũ nát, xuống cấp nên con cái ông làm việc ở Hà Nội đến Tết cũng không muốn về. Vì sợ bạn bè đến chơi, thấy cảnh như vậy lại chê cười.
Không chờ đợi được như nhà bà Hà, ông Lợi, gia đình ông Nguyễn Kế Thọ vào tháng 9/2019 vẫn mạnh dạn có đơn trình bày gửi UBND xã xin phép được làm nhà mới vì căn nhà cũ đã không đảm bảo an toàn và không thể sửa chữa được nữa.
“Gia đình có 3 thế hệ sống trong nhà, nhưng vì vướng vào quy hoạch xây dựng đường N5 nên đất đai không được tách bìa. Con trai lớn trong nhà cũng muốn lấy vợ, ra ở riêng nhưng vì nhà nước không cho nên cứ chần chừ mãi. Nhưng đến cuối năm ngoái, tôi không thể chờ được nữa”
Người dân đã chờ quá lâu
Trước những khó khăn của người dân, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho rằng: Trước mắt, khu tái định cư đã hoàn thành, nếu nhà nước chưa có kinh phí giải phóng mặt bằng thì cho phép huyện rà soát các hộ thuộc diện tái định cư, được phép bốc thăm chia cho các hộ. Người dân tự bỏ kinh phí để làm nhà ở, sau này trong phương phê duyệt đền bù GPMB thì khấu trừ tiền đất theo quy định để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Không đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Kế Lợi cho rằng, nếu nhà nước cho người dân bốc thăm rồi xây dựng nhà tại khu tái định cư thì cũng không làm được. “Xây một căn nhà cấp 4 bình thường cũng phải mất 300-350 triệu đồng, đó là chưa kể các công trình phụ trợ khác. Bây giờ nhà nước chưa chi trả tiền đền bù thì những người dân như chúng tôi lấy đâu ra chừng đó tiền để làm nhà”, ông Lợi nói.
Cũng theo người dân, Nhà nước cần có câu trả lời dứt khoát để người dân ổn định tâm lý, chứ cứ để dân chờ trong khắc khoải năm này qua năm khác thế này thì rất khổ. “Chúng tôi biết, làm dự án đường N5 để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên đồng tình đi dời. Nhưng để người dân phải chờ đợi suốt 12 năm trời và có thể còn nhiều năm nữa thì như vậy làm khổ dân quá”, ông Lợi than thở.
Trước những kiến nghị của người dân, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã có công văn gửi UBND xã Nghi Xá để trả lời. Theo đó, do chưa bố trí nguồn vốn cho dự án nên công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đoạn từ Km 4 + 300 đến Km 6 + 937 qua các xã Nghi Xá và Nghi Hợp đang tạm dừng đến hết năm 2020.
Ban Quản lý KKT Đông Nam cũng cho rằng, việc các hộ dân kiến nghị được xây dựng nhà mới trong phạm vi dự án sẽ gây ảnh hưởng đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư xây dựng dự án cũng như tài sản của người dân.
Ban Quản lý KKT Đông Nam đề nghị UBND xã Nghi Xá tuyên truyền, vận động các hộ dân được biết và có phương án khắc phục phù hợp. Đối với các công trình nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng trong phạm vi dự án, đề nghị xã Nghi Xá cho phép các hộ dân được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo đời sống, an sinh, an toàn cho người dân.