Chiều 15/1, tại trụ sở UBND xã Nghi Thuận (Nghi Lộc), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đối thoại, trả lời kiến nghị của các hộ dân tại xã Nghi Thuận liên quan đến công tác bồi thường, GPMB và một số vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An (KCN WHA) Nghệ An.
Dự án động lực
Dự án Khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 - Nghệ An (gọi tắt “Dự án”) do Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 22/5/2017; sau này dự án được đổi tên là Dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An. Ngày 24/7/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3309/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Tiểu dự án khu công nghiệp 148 ha thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 - Nghệ An.
Theo đó, dự án có quy mô 143,49 ha bao gồm 54,83 ha thuộc xã Nghi Long và 88,66 ha Nghi Thuận; ảnh hưởng đến 1.197 hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp và 1.302 ngôi mộ. Hiện còn lại 21 hộ dân chưa ký hồ sơ và nhận tiền; bao gồm 12 hộ dân xã Nghi Long và 5 hộ dân xóm 5, 6, xã Nghi Thuận đã được UBND huyện thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, còn lại 4 hộ dân xóm 4 với tổng diện tích 4.998 m2 đất nông nghiệp chưa bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, 364 ngôi mộ vẫn chưa di dời được.
Hiện nay, dự án đang tiến hành thi công các hạng mục: San nền, đường giao thông, hệ thống thoát nước, khu xử lý nước thải; Tổng số vốn thực hiện đến thời điểm này là khoảng 585 tỷ đồng, trong đó bao gồm chi phí GPMB mà nhà đầu tư ứng trước cho tỉnh là 252,35 tỷ đồng; Hiện nay đã có 4 dự án đăng ký thực hiện, 1 dự án đã đi vào hoạt động. Về tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến nay, UBND huyện Nghi Lộc đã thu hồi đất với tổng diện tích 141,08 ha/143,49 ha của dự án (đạt 98,3%); với tổng số tiền trên 307 tỷ đồng; còn lại 2,41 ha chưa bàn giao mặt bằng.
Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty cổ phần WHA Industrial Zone đã sử dụng tổng số 115 lao động trên địa bàn huyện Nghi Lộc chủ yếu đến từ xã Nghi Thuận và xã Nghi Long. Dự kiến trong năm 2020, công ty sẽ tuyển dụng thêm 29 lao động, ưu tiên thuộc địa bàn 2 xã Nghi Long và Nghi Thuận. Khi Khu công nghiệp hình thành sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Dự kiến trong năm 2021 là 1.000 người; năm 2022 là 3.000 người và đến năm 2025 là 5.000 người.
Trong quá trình triển khai dự án, còn những vướng mắc sau: người dân từ xóm 1 đến xóm 6 yêu cầu Nhà nước giữ lại con đường dân sinh cũ dài 520m; 4 hộ dân xóm 4 xã, Nghi Thuận đề nghị mức hỗ trợ bằng 5 lần giá đất; 16 hộ dân yêu cầu bồi thường phần diện tích đã làm đường giao thông và mương bê tông trước đây là đất nông nghiệp được giao theo Chỉ thị 02.
Bên cạnh đó, 6 hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp nằm trong quy hoạch mương thay thế chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ; đề nghị Nhà nước bồi thường bằng đất (đổi đất) có vị trí bám tuyến đường N5; Có 0,4 ha đất nông nghiệp được UBND tỉnh cấp GCN QSD đất cho Giáo xứ Nhân Hòa chưa được nhân dân Giáo xứ đồng thuận ký hồ sơ bồi thường, hỗ trợ với lý do mức bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước còn thấp.
Tại buổi đối thoại, nhiều người dân có ý kiến rằng, số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là việc làm. Người dân đề nghị Nhà nước tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cho người dân, đăc biệt là những người lớn tuổi.
Người dân cũng đề nghị Nhà nước cần giữ lại kênh Long Thuận. Bởi thực tế, khi dự án triển khai đã làm lấp kênh, từ đây gây nên tình trạng ngập úng ruộng, nhà cửa, trường học, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Người dân cũng đề nghị dự án giữ lại tuyến đường cũ từ đường N5 vào điểm đầu khu dân cư các xóm từ 1 đến 6.
Tại buổi đối thoại, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Nghi Lộc đã trả lời ý kiến người dân.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho rằng, việc giá đền bù năm sau cao hơn năm trước là theo đúng quy định, theo quá trình phát triển của xã hội. Liên quan đến mương, UBND huyện tiếp tục ghi nhận, tiếp thu, khẩn trương phối hợp để kiểm tra, đảm bảo việc cấp, tiêu nước khu dân cư. Về kênh Long Thuận, mong muốn bà con đồng thuận để GPMB, cần thiết thì xây trạm bơm thoát nước để kịp thời tiêu thoát nước, những đoạn đi qua khu dân cư thì nghiên cứu để kè áp mái chắc chắn.
“Về GPMB thì hiện chỉ còn rất ít hộ chưa đồng thuận, tỷ lệ rất ít. Việc người dân đề nghị đất đổi đất là khó khăn, vì quỹ đất nông nghiệp còn rất ít, chỉ đáp ứng được một số hộ mà thôi. Về di dời mộ trong nghĩa trang, người dân khi có điều kiện thì nên di dời, những ngôi mộ chưa thể di dời thì người dân vẫn chăm sóc bình thường”, ông Dũng nói.
Kết thúc buổi đối thoại, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sẽ giữ lại đường dân sinh cho người dân, đồng thời tiến hành nâng cấp bằng bê tông, đảm bảo cho người dân đi lại được thuận tiện nhất. Ngày mai (16/1), tỉnh sẽ cho đổ đá dăm, lu lèn để người dân thuận tiện đi lại trong dịp Tết Nguyên đán. Đến ngày 10/2/2020, tuyến đường sẽ được cấm di chuyển để nhà đầu tư thi công các hạng mục gồm cống và hệ thống đường ống thoát nước, sau khi hoàn thành sẽ hoàn trả lại hiện trạng.
“Tỉnh rất cảm ơn người dân đã tạo điều kiện để dự án được triển khai và khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện việc làm cho người dân, tạo nguồn ngân sách cho tỉnh. Tỉnh sẽ quy hoạch hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho xã Nghi Thuận như sân vận động, trường mầm non, tuyến kênh dài 900m, đường, đấu nối đường ống nước sạch về cho người dân”, đồng chí Lê Ngọc Hoa nói và cho biết, rất mong người dân ủng hộ, đồng thuận với Nhà nước, doanh nghiệp để dự án được thực hiện đúng tiến độ.