(Baonghean)- Có lẽ câu chuyện nhân sự bao giờ cũng được mọi người dành quan tâm đặc biệt, và đây cũng rất có thể là quãng thời gian “nóng” nhất ở mỗi kỳ bầu cử.

Câu chuyện ai đi, ai ở, ai mới, ai cũ, đến độ tuổi bình quân thế nào, cơ cấu thành phần, rồi cơ cấu giới tính, trình độ học vấn ra làm sao… chưa bao giờ nằm ngoài sự dõi theo của dư luận. Nhất cử nhất động của của công tác nhân sự đều rất khó lọt qua “mắt xanh” của vô số “tầng lớp” truyền thông.

Người ta quan tâm hoặc có “bận lòng” cũng là phải, thậm chí là quá tốt, quá cần thiết. Thực ra thì ống kính hay cây bút hướng về chủ đề này cũng là thực hiện sứ mệnh ủy quyền của người dân mà thôi. Nhìn từ góc độ quản lý xã hội, người dân còn quan tâm đến chính trường, đến công tác cán bộ của chúng ta là một hồng phúc.

Thật buồn, nếu không nói là thảm họa nếu một lúc nào đó, nơi nào đó, cấp nào đó người ta lại bàng quan với chủ đề nhân sự theo kiểu “mặc ai tôm tép mặc ai ù”. Tôi không nghĩ người dân phó mặc chuyện ai xứng đáng làm cán bộ là một tín hiệu tích cực. Nói như câu ngạn ngữ truyền miệng miền Trung rằng “cứ ai lấy o là gọi bằng dượng”.

Đành rằng về mặt ngôn ngữ thì đại từ nhân xưng là sẽ là như thế! Nhưng vấn đề lại là ai mới đủ tiêu chuẩn “lấy o”? Liệu “dượng” có  mang lại hạnh phúc cho “cả nhà” hay không? Đấy, người dân chờ đợi và kỳ vọng vào hai chữ “hạnh phúc” thiêng liêng ấy cơ. Khi người dân đứng quanh, đứng bên, đứng cùng Đảng và Nhà nước là khi trách nhiệm, trí tuệ và cả tình cảm được đánh thức, được khơi dậy. Trách nhiệm mỗi khi được hòa chung là trách nhiệm cao nhất, quý nhất, việc gì cũng thế kể cả công tác nhân sự.

Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nói về công tác nhân sự, vắt qua hai thế kỷ là cả một chuỗi thời gian đủ dài để chứng minh về tính đúng đắn, khoa học và dân chủ. Có thể lúc này lúc kia, cấp này cấp kia, nơi này nơi kia còn để lọt một vài cá nhân chưa thực sự ưu tú đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Nhưng trên bình diện tổng thể thì những “con sâu” ấy cũng chỉ là cá biệt. Thậm chí về mặt khoa học, không loại trừ đấy là tất yếu của quá trình chọn lọc, đào thải và phát triển.

Tuy nhiên, lâu nay người ta quen với khái niệm nhân sự, chúng tôi muốn đặt ra câu hỏi liệu điều đó có vô tình hình thành trong tư duy chúng ta cái trật tự từ “nhân” rồi mới đến “sự”? (tạm hiểu từ con người  “nhắm” đến công việc). Tất nhiên đấy cũng là một cách để chúng ta làm công tác cán bộ. Khi xem xét một cá nhân nào đó, việc đầu tiên là hàng loạt câu hỏi được đặt ra: đồng chí ấy năng lực sở trường như thế nào, tính cách ra làm sao, uy tín đến đâu? Hàng loạt phân tích “quá khứ” cùng với tổ hợp “phán đoán” tương lai trước khi chọn vị trí thích hợp bố trí.

Trật tự nào thì cũng có cái lý và cái đúng. Nhưng đôi khi chính mặt trái của nó cũng ít nhiều gây ra phiền toái. Một ví dụ về tình huống là lúc chúng ta có rất nhiều “nhân” nhưng lại hơi ít “sự”. Tôi có cảm giác đã không dưới một lần, cũng không chỉ một nơi vì dư thừa cán bộ mà buộc cố “vẽ” cho được vị trí để “nhét” vào. Suy cho cùng thì đấy cũng là một “cách” để chúng ta làm tệ hơn sự lãng phí, mà lại là lãng phí… con người mà thôi. 

Cuộc sống và đòi hỏi của cuộc sống lại cần nhiều hơn thế, nó không cho phép chúng ta “kiên định” tư duy một chiều. Xin mạnh dạn đặt câu hỏi, trong câu chuyện nhân sự luôn nóng hổi đó, liệu có cần thiết chúng ta đặt vấn đề theo trật tự hai chiều nhưng tương hỗ nhau không? Ngoài tư duy từ “nhân” nhắm đến “sự” thì chúng ta có nên áp dụng cả phía “sự” nhắm đến “nhân” được không? Tôi nghĩ là được, thậm chí là nên! Hãy từ đòi hỏi của công việc để tìm con người.

Xin được trở lại với một vấn đề trọng đại đang làm nức lòng dư luận cả nước đấy là công tác nhân sự đại hội XII của Đảng. Có đến 3 trên 4 “tứ trụ” làm đơn xin rút tên khỏi danh sách bầu cử ngay trước và trong đại hội. Vâng, xét về mặt tín nhiệm, xét về năng lực và uy tín trong và ngoài nước, các đồng chí ấy hoàn toàn có thể  tái cử. Nhưng không, trước sứ mệnh của Đảng, trước vận mệnh của dân tộc, các đồng chí ấy đã không chỉ vì cái “nhân” mà làm khó cái “sự”.

Đất nước cần chuyển giao trọng trách cho thế hệ tiếp theo trong một mức độ kế thừa phù hợp nhất. Đấy là khoa học tổ chức, đấy là văn hóa ứng xử, đấy là trách nhiệm cao cả, là bản lĩnh chính trị… hay nói cách khác cũng là vì cái “sự”.

Chúng tôi nghĩ rằng công tác nhân sự của đại hội XII là một bài học sáng về lựa chọn và bố trí cán bộ. Là tấm gương chung có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi cấp mọi ngành. Là thông điệp ý nghĩa gửi đến những ai đang chỉ vì cái “nhân” của mình mà làm khó tổ chức. Đảng, Nhà nước đã ấn định ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào tháng 5 năm 2016. Có thể nói là “mùa” làm công tác nhân sự đã đến.

Từ tinh thần và thành công của đại hội Đảng các cấp, mong rằng chúng ta sẽ có những bước chuyển mới hơn, thiết thực và hiệu quả hơn trong công tác lựa chọn con người.  Ý Đảng lòng Dân, mong là vậy, tin là vậy.

Nguyễn Khắc An

TIN LIÊN QUAN