(Baonghean) - Trong đơn gửi báo Nghệ An, ông Nguyễn Năng Lập, trú tại xóm 8, xã Hưng Phú (Hưng Nguyên), cho rằng gia đình ông Đào Tế (hộ ở sau hồi nhà ông Lập) yêu cầu Công ty giấy Sông Lam giải tỏa để lấy lại phần đất hiện tại gia đình ông đang sử dụng là sai... P.V báo Nghệ An đã đi tìm hiểu thực tế.
Tìm về khu tập thể Công ty giấy Sông Lam (nay là Công ty CP giấy Sông Lam), chúng tôi thấy đây là 4 dãy nhà, ở giữa 4 dãy nhà là đường đi theo hình chữ thập. Nhà ông Lập và nhà ông Tế ở 2 dãy nhà phía bên phải, ông Lập ở dãy nhà trước, ông Tế ở dãy nhà sau. Khuôn viên các dãy nhà vuông vức, đất ở mỗi hộ rộng 10m, dài khoảng 18m. Duy chỉ có hồi nhà ông Lập là lồi ra, choán hết phần đường đi phân chia giữa dãy nhà trước và dãy nhà sau lấn cả sang phần sân của gia đình ông Tế, rộng gần 3m. Tỏ rõ bức xúc, ông Đào Tế cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ những năm 1983. Tháng 8/1992, gia đình ông Lập được hóa giá lại ngôi nhà hiện nay và bắt đầu cơi nới nhưng lúc đó tôi nghĩ của nhà nước nên không có ý kiến gì. Không ngờ đến tháng 10/1992, gia đình tôi lại được hóa giá ngay ngôi nhà phía sau lưng nhà ông Lập, nơi có vị trí đất bị nhà ông Lập lấn. Từ đó đến nay, 2 gia đình không ít lần xảy ra tranh cãi, xô xát”.
Hồi nhà ông Lập lồi ra 4m, rộng gần 3m, choán hết đường xóm và một phần sân nhà ông Tế.
Tuy nhiên, theo ông Lập, năm 1991, miếng đất gia đình ở hiện nay đã được cán bộ công ty cắm mốc đo vẽ (bản vẽ tại Công ty giấy Sông Lam). Sau khi được giao đất, gia đình đã xây tường rào và ở ổn định. Trong khi theo biên bản hợp đồng thanh lý của Công ty giấy Sông Lam lập ngày 13/8/1991 nêu rõ, "chỉ bán kể từ phần mặt đất trở lên, còn đất đai của nhà máy chủ mua không có quyền sử dụng".
Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Thắng, nguyên là công nhân của nhà máy và là người trước đây phụ trách xây dựng khu tập thể này, cho biết: Khu tập thể xây dựng trong khoảng 1983 - 1986, thiết kế gồm những dãy nhà có chiều dài, rộng như nhau, kể cả hành lang. Tại vị trí hiện nay gia đình ông Lập lấn chiếm, trước là bể nước bằng xi măng được xây nổi để phục vụ sinh hoạt của các gia đình.
Thực tế đã rõ, việc ông Lập cho rằng phần đất dôi ra, hiện nằm choán cả đường, cả sân của nhà ông Tế là của gia đình mình là hoàn toàn không có căn cứ.
Liên quan đến vấn đề này, UBND xã Hưng Phú (Hưng Nguyên) có Văn bản số 01/UBND-SDĐ, gửi Công ty giấy Sông Lam vào ngày 26/4/2012, với nội dung xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ gia đình thuộc xóm 8 xã Hưng Phú, và đã tổ chức các cuộc họp để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai của các hộ, trong đó có gia đình ông Lập. Văn bản kết luận gia đình ông Lập không có giấy tờ đầy đủ để chứng minh là đất có chủ quyền buộc phải trả lại phần đất xâm phạm. Liên tiếp sau đó, nhiều cuộc họp giữa UBND xã Hưng Phú, Công ty CP giấy Sông Lam và các hộ liên quan, cũng như nhiều cuộc họp của chi bộ, cấp ủy. Mặt trận xóm đều thống nhất yêu cầu gia đình ông Lập phải tháo dỡ phần cơi nới để xóm làm đường, mương thoát nước. Tuy nhiên ông Lập vẫn không chấp hành. Không những thế, ông Lập còn cho rằng vì ông không chịu "nhường" đất cho ông Tế, nên ông Hoàng Phùng - Giám đốc Công ty CP giấy Sông Lam đã làm khó khi ông xin chấm dứt hợp đồng tại Công ty này. Trong đơn gửi báo Nghệ An, có đoạn ông Lập trình bày: Tôi viết giấy xin công ty đóng bảo hiểm 100%, rồi tôi viết giấy xin chấm dứt hợp đồng (kể từ ngày 1/10/2012) gửi phòng tổ chức vào ngày 14/9/2012,... giám đốc không cho”.
Vấn đề này, ông Hoàng Phùng- Giám đốc điều hành Công ty CP giấy Sông Lam cho biết: “Thời gian ông Lập làm việc và được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tính từ tháng 12/1992. Đến nay đã gần 20 năm và thuộc loại hợp đồng không thời hạn nên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo cho công ty (người sử dụng lao động) trước thời điểm nghỉ là 45 ngày. Vì vậy, việc ông Lập nạp đơn đòi chấm dứt hợp đồng, chúng tôi đã trả lời phải sau 45 ngày mới giải quyết, vả lại hiện nay ông Lập đang điều trị bệnh. “Theo bà Nguyễn Thị Phương Thanh- chuyên viên phòng Việc làm - lao động, Sở LĐTB - XH tỉnh: Đây là cách giải quyết đúng với Luật Lao động. Bởi, dựa theo Điều 39 Bộ Luật lao động thì, công ty không được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động đang điều trị ốm đau, bị tai nạn lao động. Nhưng trong trường hợp này do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng nên công ty có thể giải quyết được nhưng phải sau thời gian 45 ngày.
Như vậy là đã rõ, việc ông Lập đòi chấm dứt hợp đồng vào ngày 1/10 là không thể giải quyết được, bởi tính từ thời gian ông Lập nộp đơn (14/9) là chưa đủ 45 ngày, theo như Bộ Luật lao động quy định. Còn về vấn đề liên quan đến đất, qua các chứng cứ cho thấy ông Lập đã lấn chiếm đất của công ty. Vì vậy, chính quyền địa phương, Công ty CP giấy Sông Lam có biện pháp cưỡng chế để thu hồi lại phần đất do ông Lập lấn chiếm, không để dây dưa, nhằm bảo đảm quyền lợi chung của những gia đình đang sinh hoạt tại đây.
Sớm thu hồi đất lấn chiếm tại khu tập thể Công ty CP giấy Sông Lam
Đặng Nguyễn