(Baonghean.vn) - Trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng “Phát triển dạy nghề là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội; là một nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia”, thời gian qua Ban biên tập Báo Nghệ An đã coi trọng chỉ đạo phòng chuyên môn tập trung tuyên truyền về lĩnh vực dạy nghề trên địa bàn.
Những năm qua, công đào tạo nghề được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các ngành, đoàn thể tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm về cơ chế chính sách, trong đó phát triển hơn 60 cơ sở đào tạo nghề. Trong vòng 5 năm, kết quả đào tạo nghề tăng từ hơn 31.000 người/năm 2006, lên 66.000 người/năm 2010. Tính đến năm 2011, số lao động đã qua đào tạo nghề của toàn tỉnh chiếm 42% (tăng 8% so với năm 2006), trung bình hằng năm đào tạo hơn 45.000 người, giải quyết việc làm cho hơn 165.000 lao động. Tuy nhiên, số lượng lao động qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của tỉnh.
Là tờ báo đảng địa phương, căn cứ vào mục tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2006-2010 khóa XVI về định hướng về công tác đào tạo nghề, nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, Báo Nghệ An đã coi trọng tuyên truyền về thực trạng đào tạo nghề trên địa bàn; chủ trương, các cơ chế chính sách về đào tạo nghề; các cơ sở dạy nghề, khả năng đào tạo nghề cho các đối tượng ...Hàng năm trên báo in và báo điện tử có 40 đến 50 tin, bài, ảnh về điển hình đào tạo nghề, phản ánh hoạt động dạy nghề ở các trường nghề, cũng như gương về giáo viên dạy nghề, các học viên, sinh viên trưởng thành nhờ đào tạo ở các trường nghề trên địa bàn.
Cách đây 5 năm, Báo Nghệ An đã có bài viết: “Đào tạo nghề cho lao động miền núi, vì sao chưa hiệu quả?” Bài viết đề cập: Tổng số lao động trong độ tuổi của 10 huyện miền núi theo thống kê hơn 690.000 người, trong đó lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế trên địa bàn gần 486.000 người, chiếm trên 70% so với tổng số lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ đào tạo nghề chỉ chiếm 6%. Lao động làm nghề nông, lâm nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo nghề. Một số lao động đã qua đào tạo (ĐH, CĐ, TH và dạy nghề) chủ yếu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng, kinh tế... nhưng cơ cấu ngành nghề và bậc học của lực lượng này không những thấp mà còn bộc lộ sự bất hợp lý. Ngoài ra, một số ngành nghề cần thiết phục vụ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và phát triển nông nghiệp toàn diện chưa thể đáp ứng được yêu cầu của phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Ngoài nguyên nhân khách quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội của miền núi, thì nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ công tác đào tạo nghề. Nguồn lực tài chính của tỉnh đầu tư cho dạy nghề miền núi còn quá thấp mới chiếm gần 9% so với ngân sách dạy nghề toàn tỉnh trong các năm 2001- 2004. Do đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo vừa thiếu, vừa chưa phù hợp với tiềm năng kinh tế miền núi. Một số lượng lớn lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của học nghề và cơ hội tìm kiếm việc làm sau học nghề mà còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ cấp xã hội của tỉnh và Nhà nước.
Từ những vấn đề hạn chế trong dạy nghề cho các huyện miền núi mà báo Nghệ An phản ánh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành liên quan quan tâm. Bởi vậy, trong 5 năm gần đây, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng nguồn lao động của 10 huyện, thị xã miền núi từ hơn 6%/năm 2004 đã lên 15%/năm 2010, trong đó gần 10% qua đào tạo dài hạn.
Nghệ An có số người trong độ tuổi lao động trên 60% trên hơn 3 triệu dân, nhưng khoảng 30% lao đông chưa có việc làm, hoặc lao động thời vụ. Khu vực nông thôn có nguồn nhân lực dồi dào nhất chiếm hơn 85%, nhưng trên 70% lao động chưa qua đào tạo. Thực tế đó, Báo Nghệ An đã có bài viết đặt vấn đề “Cần quan tâm đào tạo nghề cho người lao động”. Ngoài ra, để công tác đào tạo nghề có hiệu quả, báo còn có bài bàn về “Liên kết chặt chẽ cơ sở dạy nghề với doanh nghiêp”. Những ngành nghề doanh nghiệp cần để trường dạy nghề đào tạo theo nhu cầu, nhằm khắc phục thực trạng không ít sinh viên và học viên qua đào tạo nghề nhưng khó tìm được việc làm. Thực tế đầu tư cho dạy nghề vẫn bất cập khi hàng năm ngân sách cấp cho công tác, đào tạo, dạy nghề còn quá ít ỏi. Lấy số liệu năm 2010 với 60 cơ sở dạy nghề trong tỉnh được ngân sách cấp gần 120 tỷ đồng cho chi thường xuyên và xây dựng cơ bản, bình quân mỗi cơ sở gần 2 tỷ đồng. Với kinh phí eo hẹp như vậy, muốn cân bằng cung, cầu thì Nhà nước cần quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác dạy nghề.
Mục tiêu và định hướng tuyên truyền trên Báo Nghệ An về đạo tạo nghề thời gian tới. Ngày 27/11/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1956/QĐ-TTg về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy Nghệ An có Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 07/6/2010 về việc tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Nghị quyết Đại hộ đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII nhiệm kỳ (2011-2015) đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55 % vào năm 2015 và trên 70% vào năm 2020. Giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh mở thêm một số cơ sở dạy nghề, nâng tổng số cơ sở dạy nghề (có nâng cấp, chuyển đổi Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề các huyện thành Trung tâm dạy nghề) trong tỉnh lên con số 70; đồng thời xây dựng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề hiện có đáp ứng yêu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật một số trình độ cao đẳng, trung cấp đạt trình độ quốc gia, khu vực ASEAN và Quốc tế. Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có trên 75 cơ sở dạy nghề và tham gia dạy nghề; phấn đấu có 1 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế, 4 trường đạt chuẩn chất lượng cao, nâng cấp 2 trường Cao đẳng lên Đại học kỹ thuật vào năm 2015 và 2 trường Cao đẳng lên Đại học kỹ thuật vào năm 2020.
Mục tiêu nhu cầu lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 gần 400.000 người, trong đó lao động kỹ thuật là 125.000 người, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 10 năm trước (2001-2010). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%(lao đông kỹ thuật gần 10%) vào năm 2015; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 70%; lao động kỹ thuật đạt 16% vào năm 2020.
Góp phần thực hiện mục tiêu đó, Báo Nghệ An tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền về dạy nghề.
Thứ nhất là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động và học sinh THCS, THPT về vai trò, vị trí của đào tạo nghề và học nghề, khả năng dạy nghề trong giải quyết việc làm, bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực, một trong các nhân tố quyết định để phát triển KT - XH bền vững; tuyên truyền nâng nhận thức giá trị về dạy nghề để thu hút phần lớn thanh niên vào học nghề; nâng cao nhận thức của các doanh nhân về lợi ích của dạy nghề đối với sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó tích cực tham gia, đóng góp vào dạy nghề.
Thứ hai, tập trung tuyên truyền về cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về đào tạo nghề; việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển dạy nghề; các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh cho giáo viên dạy nghề được cử đi đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học; việc ưu đãi thu hút nghệ nhân, thợ bậc cao, HSSV tốt nghiệp loại giỏi tham gia công tác đào tạo nghề; phản ánh xã hội hóa dạy nghề, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề, vinh danh người dạy và người học nghề.
Thứ ba, quan tâm tuyên truyền hoạt động của Ban chỉ đạo 1956 và hiệu quả về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo quyết định của Chỉnh phủ; tiếp tục tuyên truyền quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sơ dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn (2011-2020) phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật theo Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An; chú trọng tuyên truyền các hệ thống dạy nghề của 3 cấp đào tạo: trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề đáp ưng nhu cầu xã hội trong nước, trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Thứ tư, phối hợp với ngành lao đông, báo thông tin chính thống về thị trường lao động; có thể mở chuyên mục “Người tìm việc - việc tìm người”; tuyên truyền hoạt động sàn giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiêu việc làm đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của người lao động.
Thứ năm, báo quan tâm tuyên truyền về việc đầu tư ngân sách của địa phương cho đào tạo nghề; các nguồn đầu tư của quốc tế cho đào tao nghề ở Nghệ An như Chính phủ Hàn Quốc và CHLB Đức cho Trường CĐN kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và Trường CĐN kỹ thuật Việt Đức, các dự án đầu tư khác từ nước ngoài… sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, FDI; tuyên truyền các hoạt động hợp tác song phương giữa các cơ sơ dạy nghề của tỉnh với các cơ sở đào tạo có uy tín và chất lượng trong khu vực và trên thế giới nhằm trao đổi những kinh nghiệm trong đào tạo nghề.
Thứ sáu, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng, báo coi trọng tuyên truyền về hiệu quả đào tạo của các cơ sở dạy nghề theo Luật dạy nghề; sự đóng góp hiệu quả của cơ sở dạy nghề trong giải quyết việc làm cho các sinh viên, học viên sau đào tạo, học nghề.
______________
(Trích tham luận tại “Hội thảo Bao chí nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền thực hiện chiến lược phát triển nghề thời kỳ 2011-2020”, tại Cửa Lò, sáng 25/5/2012)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về dạy nghề trên Báo Nghệ An
Phan Nguyễn