Từ vụ một PV báo Nông Thôn Ngày Nay bị công an lập biên bản do chụp ảnh ở trụ sở công an, nhiều người thắc mắc: Nơi nào được quyền chụp ảnh, quay phim, nơi nào không?
Thăm dò nhanh 50 người, chúng tôi nhận được câu trả lời giống nhau “khu vực, địa điểm nào có bảng cấm quay phim, chụp ảnh thì không được quay, chụp”. Tuy nhiên, với những nơi còn lại thì mỗi người hiểu mỗi kiểu: Có người nói “không có bảng cấm muốn làm sao cũng được”, có người lại bảo “tùy vị trí chụp mà phải xin phép”. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia pháp luật và những người trong cuộc.
Luật không cấm thì dân được làm
Tại các cơ quan, đơn vị quân đội, công an… có liên quan đến bí mật quốc gia và có biển cấm thì mọi công dân không được quay phim, chụp ảnh; nếu muốn quay, chụp để làm việc gì đó thì buộc phải xin phép.
Ngược lại, tại các cơ quan hành chính như UBND, cơ quan thuế, cơ quan tiếp dân… thì người dân được quay phim, chụp ảnh các hoạt động diễn ra công khai. Trừ khi đó là các phòng làm việc nội bộ thì người muốn quay phim, chụp ảnh phải tuân thủ nội quy của cơ quan đó. Tôi nói vậy dựa trên nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm.
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM
Chỉ hạn chế ở ít nơi
Trước cổng bệnh viện, nơi tiếp nhận bệnh nhân, đăng ký khám chữa bệnh, phát thuốc… do tính công khai của nó nên bất kỳ ai cũng được quay phim, chụp ảnh. Riêng khu vực phòng mổ, người có nhu cầu quay phim, chụp ảnh phải được sự cho phép của lãnh đạo bệnh viện. Bởi lẽ nơi đây cần được đảm bảo tuyệt đối về mặt vệ sinh nên việc tự ý đi vào sẽ mang vi khuẩn lây sang bệnh nhân.
Bà NGUYỄN LÊ ĐA HÀ, Giám đốc BV Nhi đồng Đồng Nai
Phóng viên muốn quay phim, chụp ảnh phiên tòa phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa. Ảnh: HTD
Không cấm thì cứ chụp
Riêng đối với các nơi còn lại, nếu không có biển cấm thì mọi người được quay phim, chụp ảnh mà không phải xin phép ai cả. Từ trước tới nay, trong quá trình hoạt động báo chí, tôi vẫn làm như thế và không gặp trở ngại nào.
PV ảnh HỒNG THÚY, báo Người Lao Động
Luật nọ đụng luật kia
Theo tôi, không hẳn không có bảng cấm thì người dân được quay phim, chụp ảnh thoải mái. Đơn cử là việc chụp ảnh tại các phiên tòa. Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Báo chí) thì báo chí “được chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai…”. Tuy nhiên, việc tác nghiệp này của báo chí lại có liên quan đến quyền điều hành của chủ tọa phiên tòa theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân và quyền đối với hình ảnh của các đương sự, bị cáo theo Bộ luật Dân sự.
Chính vì thế, PV muốn quay phim, chụp ảnh phiên tòa phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa. Nếu thấy việc chụp ảnh không ảnh hưởng đến quyền của đương sự, bị cáo hoặc người khác thì chủ tọa sẽ chấp thuận. Nếu bị cáo tại ngoại thì phải được sự đồng ý của bản thân họ. Ngay cả trong trường hợp chụp ảnh bị cáo đã bị tạm giam thì tòa cũng phải cân nhắc. Hoặc trong một phiên tòa dân sự xử công khai, hai bên đương sự là giám đốc doanh nghiệp, cán bộ, công chức hoặc là công dân bình thường, việc chụp ảnh, quay phim họ nhất định phải có ý kiến của họ vì việc đăng công khai hình ảnh tại phiên xử có thể làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ.
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
Không phải muốn là chụp
Tôi không rõ pháp luật quy định thế nào nhưng trên thực tế tôi đều phải xin phép hầu hết các nơi mà tôi muốn chụp ảnh. Ngay cả khi đó là khu vui chơi giải trí hay bến xe, bến tàu… và không hề có biển cấm. Hễ tôi đưa máy ảnh lên chụp là sẽ có người đến hỏi chụp để làm gì, sau đó họ kêu tôi đi gặp người có thẩm quyền để xin phép.
PV ảnh HUỲNH TRÍ DŨNG, báo Pháp Luật TP.HCM