(Baonghean) - Việc phát hiện sớm trẻ bị tự kỷ là vấn đề quan trọng đưa đến nhiều cơ hội cho các cháu trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Ở Việt Nam, việc chẩn đoán sớm và điều trị cho trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn. Phần đông trẻ được chẩn đoán tự kỷ đã quá 2 tuổi. Số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng ngày càng tăng, trong khi đó, kiến thức về vấn đề này của các bậc cha mẹ còn khá khiêm tốn...
 
Theo điều tra, khảo sát của Đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phòng và trị bệnh tự kỷ trẻ em dưới 6 tuổi tại Nghệ An” (BV Sản - Nhi Nghệ An), số trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi tại Nghệ An là 1,57%, tương đương với 1/64 trẻ. Tỷ lệ tự kỷ nhẹ là 0,69%, tương đương 1/144 cháu. Tỷ lệ bé trai bị tự kỷ cao hơn (73,6%) so với bé gái (26,4%), độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 42% và con số này có dấu hiệu ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, theo TS. BSCKII Cao Trường Sinh (Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An), đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm chuyên biệt  khám, phát hiện và tư vấn điều trị chứng tự kỷ ở trẻ em. Hiện Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An là đơn vị được hỗ trợ của Bệnh viện Nhi Trung ương thành lập phòng phục hồi chức năng, với nhiệm vụ khám và điều trị các bệnh thần kinh, tâm thần và giáo dục hoà nhập, điều trị tâm lý cho các trẻ em mắc chứng tự kỷ. Hàng ngày trung bình có 3-5 trẻ đến khám và thường xuyên có 30 cháu tập luyện, thực hiện trị liệu, giáo dục để phục hồi, phát triển nhân cách. 
 
images1082393_tham_kh_m_b_nh_nhi_t_i_b_nh_vi_n_s_n_nhi_ngh__an__nh_mai_hoa.jpgThăm khám bệnh nhi tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa
 
Hiện nay, đội ngũ của Khoa điều trị bệnh tâm thần, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An có 13 cán bộ, trong đó có 1 bác sỹ CKII, 2 thạc sỹ tâm thần kinh trẻ em, 1 thạc sỹ tâm lý học. Con số này còn rất ít so với yêu cầu của số trẻ tự kỷ nặng cần điều trị phục hồi và tái hoà nhập trên địa bàn tỉnh khoảng 2.070 cháu (trong số hơn 4.600 trẻ tự kỷ nói chung cần can thiệp). Giáo dục trẻ tự kỷ là một lĩnh vực khó, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia, giáo viên được đào tạo chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ giáo viên tính theo đầu trẻ cũng cần nhiều hơn (tại Trường chuyên biệt, 1 giáo viên chỉ phụ trách được 2-3 trẻ tự kỷ). Với tình hình đội ngũ giáo viên hiện nay, công tác giáo dục trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường hợp trẻ tự kỷ mức độ nặng, hoặc những trường hợp trẻ có nhiều hành vi bất thường. Trẻ tự kỷ cũng lớn dần lên, kèm theo đó là những nhu cầu về giáo dục giới tính, giáo dục lao động và hướng nghiệp, trong khi khả năng tiếp thu những kiến thức này là rất thấp...
 
 Khó khăn càng nhiều hơn với các giáo viên dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hoà nhập, do phần lớn chưa được đào tạo kỹ năng dạy trẻ tự kỷ, lớp học đông, nên giáo viên khó có thể dành sự quan tâm nhiều hơn đến đối tượng trẻ tự kỷ. Cô Nguyễn Thị Hương - Giáo viên Trường Mầm non Hưng Dũng cho biết: “Việc dạy trẻ tự kỷ trong môi trường hòa nhập gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên không chỉ vững chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, mà phải thực sự biết thương yêu học sinh như con em mình”. Theo cô, đối tượng trẻ bị tự kỷ rất đa dạng. Có cháu tăng động chỉ tập trung chú ý được trong một khoảng thời gian ngắn, vì vậy, giáo viên cần tận dụng thời gian ít ỏi đó để hướng dẫn các em tập trung vào bài học. Nếu giáo viên không chuẩn bị tâm lý thì dễ chán nản và khó lòng giúp em hòa nhập được với môi trường học tập.  
 
Việc phát hiện sớm và điều trị cho trẻ tự kỷ là một yêu cầu cấp bách cần sự chung tay của các gia đình và xã hội. Nhóm nghiên cứu đề tài thuộc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đã đưa ra nhóm các giải pháp nhằm phòng và trị bệnh cho trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh. Một trong những vấn đề mẫu chốt là cần tăng cường sự liên kết giữa cấp quản lý, gia đình, nhà trường và xã hội để có thể sớm phát hiện, đưa trẻ tự kỷ đi thăm khám, điều trị và  sớm hoà nhập cộng đồng. Cùng đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao kiến thức về bệnh tự kỷ ở trẻ em cho cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng trang bị kiến thức cho phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị có thai cách phòng, tránh các tai biến sản khoa, cách chăm sóc trẻ sau sinh; tập trung tư vấn, hướng dẫn cho các bậc cha mẹ có con dưới 6 tuổi nhằm phát hiện, can thiệp sớm, để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
 Cùng đó, các cấp, ngành cần đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các giáo viên tại các trường mần non, các bác sỹ điều dưỡng tại bệnh viện huyện về cách phát hiện, dự phòng bệnh theo chương trình phù hợp; cập nhật các mạng lưới khám, phát hiện trẻ tự kỷ. Đối với giáo viên dạy trẻ tự kỷ học hòa nhập, cần có các chương trình tập huấn để họ có được những kỹ năng cơ bản. Quá trình đó, cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và Y tế để trẻ tự kỷ được sớm phát hiện và can thiệp, giúp các em có thể hoà nhập tốt hơn.
 
Trong kế hoạch, Bệnh viện Sản - Nhi đang xây dựng mô hình điều trị phục hồi nhân cách cho trẻ tự kỷ tại Khoa thần kinh, phục hồi chức năng có thể đủ khả năng điều trị cho số trẻ bị tự kỷ nặng và từng bước đáp ứng yêu cầu thăm khám, điều trị bệnh hiện nay. Trong lộ trình chữa bệnh tự kỷ, có những khó khăn so với những bệnh lý khác. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có nhiều hơn những nghiên cứu thuộc quy mô khác nhau về các cách tiếp cận, can thiệp bệnh tự kỷ để tìm ra những định hướng khoa học mới cho cách tiếp cận về phòng và điều trị cho trẻ tự kỷ. Cùng đó, một yêu cầu cấp thiết là các gia đình cần nâng cao nhận thức phát hiện sớm trẻ tự kỷ và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng chương trình can thiệp phù hợp…
 
Thanh Hoa
(Trung tâm Thông tin KHCN&TH)