(Baonghean) - Công trình xây dựng kè chống sạt lở đất ở cầu Yên Xuân (Nam Đàn) vừa hoàn thành, đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu Bắc - Nam, đồng thời giữ đất ở cho các gia đình gần khu vực này. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn một “nút thắt” cần tháo gỡ…

Trước tình trạng sạt lở đất phía Nam cầu đường sắt Yên Xuân (thuộc xóm 4, xã Nam Cường – Nam Đàn), Ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GTVT đã quyết định đầu tư hơn 50 tỷ đồng gia cố bờ kè dài 700m. Đây là công trình quan trọng, mang tính cấp bách, nên công tác đầu tư, thực hiện dự án được triển khai rất khẩn trương. Công trình được thi công với cọc ván thép Larsen IV và gia cố mái taluy bằng rọ đá composite, hoàn thành sau 2 tháng thi công, đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu Bắc - Nam và cuộc sống cho nhiều hộ dân sống gần khu vực. Anh Nguyễn Văn Hồng, ở xóm 8, xã Nam Cường cho hay: “Đơn vị thị công làm nhanh lắm, lại hoàn thành trước mùa mưa lũ, nên người dân trong vùng vui lắm. Từ nay, chúng tôi không còn lo sợ mỗi khi mưa to, gió lớn do bị sạt lở đất nữa. Chỗ này cũng trở thành nơi neo đậu tàu thuyền rất an toàn cho người dân vùng sông nước”. Như thế, 7 hộ dân với gần 40 nhân khẩu ở sát khu vực cầu Yên Xuân nay không còn lo lắng vì tình trạng sạt lở đất... Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân đi lại thì “nút thắt” khu vực cầu đường sắt Yên Xuân rất cần được quan tâm tháo gỡ.
images1079627_2.jpgĐoạn đường sắt phía Nam cầu Yên Xuân (xã Nam Cường - Nam Đàn) người tham gia giao thông đông, tiềm ẩn mất an toàn.
 
Cầu Yên Xuân nối huyện Hưng Nguyên với Nam Đàn bắc qua sông Lam được xây dựng từ thời Pháp thuộc, chủ yếu phục vụ các chuyến tàu hỏa Bắc Nam, nên hành lang cầu chỉ xây dựng rộng 1,4m và chủ yếu là phục vụ cho một số phương tiện chuyên dùng của ngành đường sắt duy tu, sửa chữa cầu, đường sắt. Thời gian qua, do nhu cầu đi lại của người dân giữa các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và các huyện Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngày càng tăng cao, nên hành lang cầu được tu sửa để phục vụ cho các loại thô sơ, xe máy.
 
Cách đây vài năm, cách khu vực cầu đường sắt Yên Xuân không xa, xuất hiện một dịch vụ nhận giữ xe ô tô và cho thuê xe máy. Chủ của dịch vụ này là ông Phạm Văn Thừa ở xóm 8 xã Hưng Xuân - Hưng Nguyên, đã đầu tư hơn 50 triệu đồng để mua 4 xe máy và dựng lều làm dịch vụ cho khách thuê xe máy để đi qua cầu Yên Xuân. Ông Thừa cho biết: “Vì nhiều người ở xa muốn về quê bên vùng “9 Nam”, nhưng xe ô tô không qua được cầu đường sắt Yên Xuân, nên phải đi vòng lên Thị trấn Nam Đàn để về ở Nam Cường, Nam Hoành, Nam Kim… xa hàng chục km. Thấy ngày càng có nhiều người muốn đi tắt cho gần, nên tôi đã làm dịch vụ này. Phí trông xe ô tô là 20.000 đồng/ngày và phí thuê xe máy là 30.000 đồng/ngày. Có rất đông người tham gia dịch vụ này, nhất là vào những ngày nghỉ, lễ, tết, cuối tuần”.
 
Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân, Hưng Nguyên cho biết: “Sau khi tỉnh hoàn thành dự án nâng cấp tuyến đường 8B nối từ đường Phạm Hồng Thái - TP. Vinh đến điểm giao cắt với đường ven sông Lam qua xã Hưng Xuân, thì lưu lượng người dân tham gia giao thông trên tuyến đường này tăng vọt. Hàng ngày có đến hàng nghìn lượt người và phương tiện xe máy lưu thông qua cầu đường sắt Yên Xuân…”. Cũng chính vì lưu lượng người và phương tiện qua cầu ngày càng tăng nên dẫn đến hiện tượng ùn tắc, gây mất an toàn giao thông. Trong thực tế, tại đây đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra và trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông.
 
Để hạn chế các vụ tai nạn ở khu vực cầu đường sắt Yên Xuân, giải pháp tối ưu là các cấp, ngành chức năng nghiên cứu, đầu tư xây dựng cầu đường bộ Yên Xuân. Đây là giải pháp còn có tính thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa nhân dân các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên với các huyện tiếp giáp của tỉnh Hà Tĩnh. Anh Võ Văn Hiển ở xã Nam Kim (Nam Đàn) là một người thường xuyên đi lại qua cầu Yên Xuân chia sẻ: “Hàng ngày, ít nhất có 2 lần tôi qua cầu để đi làm. Nhiều lần chứng kiến các vụ tai nạn thương tâm, chúng tôi thực sự lo lắng. Nếu nơi đây xây được cầu đường bộ thì nhân dân quanh vùng được hưởng lợi rất lớn”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hào - Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng huyện Hưng Nguyên cho biết: “Trong nhiều năm qua, một số đơn vị chức năng đã phối hợp với huyện để điều tra, khảo sát việc đầu tư xây dựng cầu đường bộ Yên Xuân và huyện cũng có văn bản kiến nghị với các cấp, ngành về việc cần thiết đầu tư xây dựng cầu đường bộ. Việc xây dựng đường bộ cầu Yên Xuân không chỉ là điều mong muốn từ bao đời nay của người dân Hưng Nguyên mà còn là mong ước của người dân huyện Nam Đàn và các huyện Đức Thọ, Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh”.
 
Được biết, năm 2009, UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư xây dựng cầu đường bộ Yên Xuân với quy mô thiết kế cầu vĩnh cửu tải trọng HL 93 theo 22 TCN 272 - 05, có chiều dài 700m, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên chưa thực hiện được. Mới đây, trong cuộc làm việc tại Nghệ An, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đến khảo sát thực địa tại cầu Yên Xuân. Bộ trưởng khẳng định: “Việc đầu tư, xây mới một cây cầu dân sinh, nối liền hai bờ sông Lam ở đây rất cần thiết và cấp bách, giải quyết được nhu cầu đi lại cho người dân ở lưu vực sông Lam của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh…”. Như vậy, mong ước về cây cầu mới như đang “gần hơn” với người dân các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên để mở hướng thông thương, xích gần khoảng cách cho cả vùng Đức Thọ, Hương Sơn và Cửa khẩu Cầu Treo tỉnh Hà Tĩnh với Thành phố Vinh. Nếu “nút thắt” cầu Yên Xuân được mở sẽ trở thành động lực quan trọng tạo nên liên kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội.
 
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh