(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An nhận được đơn thư của một số xã viên thuộc 3 đội sản xuất I,II,III của HTX nông nghiệp 1 xã Hưng Đông (Thành phố Vinh) trình bày một số thắc mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hưng Đông thuộc khu công nghiệp Hưng Đông….

Những vướng mắc
 
Tựu trung đơn thư các xã viên thắc mắc về các vấn đề như: Chủ đầu tư là nhà nước hay tư nhân? Thế nào là loại đất liền kề? Đất liền kề áp dụng như thế nào đối với đồng bằng; đất được giao khoán đã thực hiện nghĩa vụ đồng đều như nhau, tại sao khi đền bù lại đưa ra ngoài sổ khoán; như thế nào thì được hỗ trợ về nhân khẩu; đất làm đường, mương sau khi đền bù người dân được hưởng thế nào?”. Trong đơn các hộ xã viên cho rằng: Giá đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi của Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) cụm công nghiệp Hưng Đông xấp xỉ 134.000.000 đồng/ sào là quá thấp so với thực tế và so với giá đền bù của các khu vực đất thu hồi ở Nghi Phú, Nghi Kim?
 
images1075811_pv_l_m_vi_c_v_i_c_c_h__x__vi_n_kh_i_y_n_khang..jpgPhóng viên làm việc với các hộ xã viên khối Yên Khang (Hưng Đông).
 
Dự án xây dựng HTKT Khu công nghiệp nhỏ Hưng Đông được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1373/QĐ-UBND-CN ngày 18/5/2007 do UBND Thành phố Vinh làm chủ đầu tư, nhằm khuyến khích các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy sự phát triển KT - XH của Thành phố Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách và thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh, ngày 18/8/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3958/QĐ-UBND về việc chuyển giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hưng Đông cho Công ty cổ phần công trình đường sắt Việt Nam. Dự án có tổng diện tích quy hoạch là 39,51ha, trong đó giai đoạn 1 có diện tích 27,2ha. Phần đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp được nhà nước giao cho HTX Hưng Đông 1 quản lý và giao khoán cho các hộ xã viên. Đây là dự án được đầu tư với mục đích xây dựng những nhà máy sản xuất kinh doanh, không được xem là những dự án đô thị thương mại, nên không nằm trong diện thỏa thuận đền bù GPMB với các chủ sở hữu diện tích đất bị ảnh hưởng.
 
Sau khi xác nhận trích lục bản đồ địa chính khu đất, ngày 5/3/2010, UBND Thành phố Vinh ra Thông báo số 64/TB-UBND về việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ GPMB để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hưng Đông. Trên cơ sở đó, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với UBND xã Hưng Đông, HTX Hưng Đông, các đội sản xuất tổ chức họp công khai quy hoạch, thông báo thu hồi đất và phổ biến các chế độ chính sách về BT-GPMB (kiểm kê hiện trạng sử dụng đất, xác nhận nhân khẩu…). Tại thời điểm lập phương án, giá đất nông nghiệp tại xã Hưng Đông có 2 mức: các thửa bám đường Nguyễn Chí Thanh có mức giá 78.000 đồng/m2, các thửa khác có mức giá 66.000 đồng/m2 (theo Quyết định 128 QĐ/UBND ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành bảng giá đất năm 2011 trên địa bàn Thành phố Vinh).
 
Sau khi công khai phương án dự thảo, UBND Thành phố Vinh đã hoàn thiện các thủ tục trình thu hồi đất và ngày 6/7/2011, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án. Do trong quá trình công khai, một số hộ có đất bị ảnh hưởng không đồng ý và cho rằng mức giá bồi thường thấp, ngày 20/7/2011, UBND Thành phố Vinh đã có  công văn đề nghị và được UBND tỉnh cho phép hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thu hồi đất thực hiện dự án cụm CN Hưng Đông khoản tiền tương đương 1 lần đất nông nghiệp. Ngày 19/10/2011, UBND Thành phố Vinh ban hành Quyết định số 5643/QĐ-UBND phê duyệt phương án hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, công khai phương án, quyết định phê duyệt phương án và tiến hành chi trả theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình công khai chi trả đã nảy sinh một số vấn đề vướng mắc buộc phải điều chỉnh. Cụ thể như thửa đất số 262, tờ bản đồ số 10 có nguồn gốc là hồ dự trữ nước phục vụ chống hạn cho bà con xã viên. Tuy nhiên, theo bản đồ năm 2001 lại thể hiện là đất mặt nước chuyên dùng, không thể hiện ranh giới phân chia cho các đối tượng sử dụng. Do đó chưa đủ điều kiện bồi thường về đất mà chỉ được hỗ trợ phần hoa màu trên đất. Có 8 thửa đất theo báo cáo của HTX Hưng Đông 1 là đất giao khoán ổn định nhưng trên thực tế là đất trống, không sản xuất, do đó phải cắt bỏ số tiền bồi thường hỗ trợ; có 9 thửa theo báo cáo của HTX là đất giao khoán ổn định nhưng thực chất là đất do các hộ tự tăng gia sản xuất (trồng rau màu, trồng lúa…), HTX chưa giao khoán cho các hộ xã viên. Vì vậy, các hộ này chỉ được hỗ trợ về đất nông nghiệp và hoa màu (mức hỗ trợ bằng một lần giá đất nông nghiệp), không được hỗ trợ chuyển đổi việc làm. Nhiều gia đình đã nhận đất xấu khai hoang để sản xuất nông nghiệp, đã đăng ký vào sổ khoán nhưng nay lại bị đưa ra ngoài sổ khoán. Họ cho rằng nếu không được hỗ trợ thì sẽ thiệt thòi, bởi thực tế hàng năm họ vẫn đóng thuế, phí cho HTX và quá trình sử dụng không có tranh chấp, lấn chiếm. Bên cạnh đó quá trình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ còn gặp khó khăn liên quan đến việc xác định số nhân khẩu tăng, mức hỗ trợ 35% giá đất tiếp giáp khu dân cư (được áp dụng đối với các thửa đất nông nghiệp liền kề với đất ở), vướng mắc trong xác định những thửa đất liền kề…
 
Đối với một số trường hợp. Tại thời điểm phương án bồi thường được phê duyệt, một số hộ dân yêu cầu nhận tiền bồi thường nhưng chủ đầu tư không có kinh phí chi trả là lỗi của nhà đầu tư. Vì vậy, căn cứ theo Khoản 2, Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ, UBND Thành phố Vinh đã ban hành Quyết định số 4634/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 bổ sung phương án bồi thường GPMB cụm công nghiệp Hưng Đông, theo đó, mức giá bồi thường đất nông nghiệp được nâng lên từ 66.000 đồng/m2 năm 2012 thành  75.000đồng/m2 ...với tổng số tiền là 69.045.787.350 đồng.  Như vậy, quy trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hưng Đông là đúng với quy định của pháp luật.
 
Đối thoại để tìm tiếng nói chung
 
Đến thời điểm này, HTX Nông nghiệp Hưng Đông đã chi trả cho 154 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là 54.273.006.250 đồng, còn lại 30 hộ xã viên chưa nhận tiền đền bù và đang có đơn thắc mắc, kiến nghị, trong đó tập trung chủ yếu ở xóm Yên Khang. Nguyên nhân dẫn đến việc người dân chưa chịu nhận tiền đền bù và còn có thắc mắc là do công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa tốt. Chính vì vậy, thông tin được chuyển tải đến với các xã viên không đầy đủ và không có tính thuyết phục. Thêm vào đó, việc chậm trễ trong giải đáp những ý kiến kiến nghị của các hộ xã viên cũng khiến một số hộ bức xúc, vì cho rằng chính quyền thờ ơ, không quan tâm đến quyền lợi của dân. Mặt khác, đã hơn 4 năm chủ đầu tư phải bỏ một khoản tiền lớn gần 55 tỷ đồng mà chưa sinh lợi gì trên đất họ đầu tư, khó khăn về kinh phí dẫn đến tâm lý chán nản nên không tích cực phối hợp với chính quyền giải quyết rốt ráo các vấn đề.
 
Đối với những thắc mắc của một số xã viên đội I,II,III thuộc HTX Hưng Đông 1, UBND Thành phố Vinh giải đáp như sau: Căn cứ Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Công văn số 437 ngày 14/4/2014 của Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN&MT, đối chiếu với bản đồ địa chính khu đất (đo, chỉnh lý bổ sung) số 130/BĐ.ĐC được UBND Thành phố Vinh xác nhận ngày 1/12/2010 thì đối với diện tích đất thu hồi tại cụm CN Hưng Đông chỉ có 5 thửa (gồm các thửa 181,137,126, 88, 87) đủ điều kiện, có ít nhất một cạnh tiếp giáp với ranh giới thửa đất có nhà ở. 
 
Về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp khai hoang:  Áp dụng Điểm c Khoản 1, Điều 45 và Khoản 2, Điều 45 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và Khoản 6, Điều 5 Quyết định 04/2010/QĐ – UBND ngày 19/01/2010 của UBND tỉnh thì những hộ bị đưa ra ngoài sổ khoán và không được nhận mức hỗ trợ bồi thường là những hộ được giao đất không đúng thẩm quyền sau 1/07/2004.  
 
Về hỗ trợ ổn định đời sống và  sản xuất: căn cứ Điều 14 Thông tư số 14 ngày 1/10/2009 của Bộ TNMT; Khoản 1, Điều 24 Quyết định 04 ngày 19/01/2010 của UBND tỉnh Nghệ An thì việc một số xã viên đòi hỏi hỗ trợ cho khẩu hưu trí là không đúng quy định của pháp luật. Về hỗ trợ đường mương, đối với các thửa đất các hộ trước đây đã sản xuất sau đó mở mương, mở đường đi trong thửa đất của các hộ, trên  trích lục bản đồ địa chính chưa thể hiện diện tích làm đường và mương thì  được lập phương án bồi thường hỗ trợ. Trường hợp trên trích lục bản đồ địa chính đã thể hiện làm mương, đường thì phần diện tích này không được bồi thường, hỗ trợ…
 
Hiện nay, các hộ xã viên chưa nhận tiền đền bù yêu cầu UBND thành phố và chủ đầu tư trực tiếp đối thoại, giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của họ. Thiết nghĩ, đây là yêu cầu chính đáng để bà con thông tỏ các chủ trương, chính sách liên quan. Bởi trên thực tế, UBND Thành phố Vinh thu hồi đất từ chủ sử dụng là HTX Hưng Đông 1, nhưng đất đã được giao khoán cho bà con xã viên và ngoài đền bù về đất còn có những hỗ trợ về ổn định đời sống và ổn định sản xuất liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Về phía chủ đầu tư cần chủ động, linh hoạt trong giải quyết các trường hợp cụ thể để đôi bên cùng có lợi, và một khi người dân đã đồng thuận, thì phải đảm bảo nguồn kinh phí để chi trả cho dân. Về phía các hộ xã viên chưa nhận tiền đền bù cần phải thông tỏ rằng, đây là dự án triển khai nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà cho phát triển KT-XH nên không thể áp dụng mức giá theo thỏa thuận như đối với các dự án đô thị thương mại. Khi chính quyền và chủ đầu tư đã trực tiếp đối thoại, giải đáp những kiến nghị, đảm bảo quyền lợi chính đáng theo đúng quy định của pháp luật thì người dân cần sớm đồng thuận để đẩy nhanh tiến độ của dự án, tránh sự lãng phí về đất đai, nguồn vốn.  
 
Luật sư Trọng Hải (Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự):
Việc áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, Thông tư số 14/TT-BTNMT và Quyết định số 04/QD-UBND của UBND tỉnh Nghệ An để thực hiện việc bồi thường liên quan đến dự án là đảm bảo pháp lý. Những kiến nghị của người sử dụng đất đã được giải thích rõ ràng, viện dẫn quy định của pháp luật chính xác. Các văn bản nói trên quy định cụ thể, rõ ràng nguyên tắc, giá và phương án bồi thường… Tuy nhiên, để người sử dụng đất hiểu và thể hiện sự thiện chí đối với dự án, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, nhà đầu tư cần tổ chức đối thoại, làm rõ những vấn đề mà người sử dụng đất khiếu nại. Tạo sự ra sự minh bạch, rõ ràng về mặt pháp lý để đảm bảo thực hiện tốt dự án.

                                                                                    Nhóm phóng viên