(Baonghean) - Tuần qua, bài “Vi rút nội ứng” của tác giả Duy Hương đăng trên nhật báo ngày 18/10 nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao thứ 3, được Ban biên tập khen thưởng. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết:
 
Bắt đầu là câu chuyện xử lý xe quá tải, quá khổ. Mặc dù đoàn thanh tra liên ngành gồm Cục quản lý đường bộ II, thanh tra sở GTVT và công an một số tỉnh miền Trung đã sử dụng xe chuyên dụng có giá khoảng 13 tỷ đồng để “đặc trị” những xe quá tải mà lái xe “cù nhầy”, sử dụng các mánh lới để đối phó. Vậy mà, “chiếc xe chuyện dụng đắt giá đó chưa một lần được phát huy tác dụng”, bởi “cánh xế tải đường dài đã nắm được lịch trình và biết được là đã có loại “vũ khí” khắc tinh của họ nên đã trốn biệt”. Từ đó, tác giả phán đoán: “trong các lực lượng chức năng đều có người làm “nội ứng” cho cánh xế”.
 
Từ đó, tác giả phân tích: chuyện người trong các cơ quan công quyền làm “nội ứng” cho bên ngoài là những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo dạng cấp tin tối mật để có kế hoạch “đi tắt, đón đầu”, nắm bắt thời cơ hưởng lợi lớn đã diễn ra từ lâu. Đó là kiểu nội ứng từ chuyện “quốc gia đại sự” như quy hoạch đô thị, mở đường... Nhờ có người quen làm ở ngành này, sở nọ nên nhiều người được “phím”, được cấp tin trước, rằng chỗ này, địa điểm kia, nay mai sẽ có đường to chạy qua; sẽ phân lô làm dự án đô thị... nên mua đất đầu cơ sẵn, để khi mở đường xong thì một vốn có khi hàng trăm lời. Hay như chuyện cơ quan chức năng sẽ đến thanh tra, kiểm tra địa phương, cơ quan, đơn vị nào và về vấn đề gì cũng đều được “mấy anh ở đó” thông tin trước hàng mấy tháng trời. Do đó, “mọi sổ sách, giấy tờ cùng các khoản chi tiêu được tính toán, làm lại rành mạch sáng rõ như dưới ánh mặt trời”. 
 
Chuyện lớn là vậy, những việc nhỏ cũng không ngoại lệ. Tất cả đều có “nội ứng” hết: Chuyện phường ra quân “đường thông hè thoáng” cũng được “cấp báo” để các hộ dân “mọi ngày nhô ra lấn chiếm vỉa hè bỗng thu gọn lại. Các quán nước cũng tự động nghỉ bán. Các nhà chức trách đi đến đâu thì thấy tinh tươm, sạch sẽ đến đến đấy”. Nên các đoàn đến rồi đi, chẳng phát hiện ra được sai sót nào cả. Có chăng thì cũng chỉ vài việc nhỏ lẻ, lặt vặt chỉ đáng nhắc nhở bằng miệng mà thôi. 
 
Từ các ví dụ trên, tác giả đi đến kết luận: “Nói như thế để thấy lượng người làm “nội ứng” có ở khắp nơi, đủ mọi lĩnh vực, địa bàn như những vi rút gây bệnh có ở mọi xó xỉnh, ngõ ngách của cuộc sống”. Và tác hại của nó là khôn lường, “tấn công vào thể chế,  làm vô hiệu hóa mọi khả năng, mọi nỗ lực ngăn chặn những hành vi, việc làm sai trái để lành mạnh hóa xã hội, bộ máy công quyền cùng các hoạt động khác trong xã hội”, làm cho cái xấu, cái tiêu cực tồn tại và phát triển, làm suy yếu chế độ, suy yếu đất nước. Vì thế, cần sớm nhận diện và có biện pháp để khắc chế tiến tới là tiêu diệt loại “vi rút nội ứng” này cũng như tiêu diệt loại “sâu đục thân” vậy...!
 
Người xây dựng