(Baonghean.vn) -Chiều nay 10/8, UBND tỉnh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến đối với tình hình phát triển kinh tế, xã hội miền Tây trong 7 tháng đầu năm, công tác chuẩn bị hoàn chỉnh lại đề án phát triển KT-XH khu vực này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cuộc họp do đồng chí Lê Xuân Đại – UV.BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

 

7tháng đầu năm 2012, các địa phương miền Tây Nghệ An giữ được ổn định và có bước phát triển: An ninh lương thực tiếp tục được đảm bảo, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, xã hội, thông tin liên lạc, công nghiệp xây dựng được các cấp ngành quan tâm, quốc phòng an ninh được giữ vững. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện đã có 199/ 203 xã đã phê duyệt xong quy hoạch, đạt 98%kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9% so với cùng kỳ. Về lĩnh vực dịch vụ, thương mại: tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn vùng ước tăng 25%. Tổng nguồn vốn huy động 6 tháng trên địa bàn đạt hơn 5.130 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

         780134_small_79821.jpg

 

                          Đồng chí Lê Xuân Đại chủ trì cuộc họp

Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt nên mức độ tăng trưởng kinh tế của các huyện miền Tây vẫn đạt thấp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh gia súc, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, tội phạm ma túy… diễn biến phức tạp.

 

Tại buổi làm việc, đại biểu các ngành đã cho ý kiến đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội miền Tây và góp ý đối với tờ trình đề nghị Chính phủ phê duyệt đề án phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An thời kỳ 2011-2015, có tính đến năm 2020. Trong đó cơ bản đồng ý với mục tiêu tổng quát là sớm đưa miền Tây thoát khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, ổn định chính trị và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Phấn đấu đưa tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015 đạt 12-13%, giai đoạn 2016-2020 đạt 11-12%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 25 đến 26 triệu đồng vào năm 2015.

 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Đại ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực, cụ thể, có trách nhiệm của các ban ngành và yêu cầu ban soạn thảo chú ý xem xét, bổ sung để hoàn thiện đề án trong thời gian sớm nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Thùy Vinh