(Baonghean) Cung đường đi qua cầu Nậm Tôn, nối Thị trấn Quỳ Hợp với xã Châu Quang trên Quốc lộ 48C đã từng hình thành nên một cái chợ kẻ bán người mua tấp nập, lúc cao điểm có đến hàng trăm người tham gia mua bán vào mỗi buổi chiều. Điều oái ăm là chợ họp ngay giữa lòng đường, không lều quán, không ai quản lý và kéo dài cả cây số, tạo nên khung cảnh giao thông cực kỳ hỗn loạn. Sau mỗi buổi chợ chiều, cung đường ngổn ngang rác rưởi...?
Báo chí đã không ít lần lên tiếng. Thị trấn Quỳ Hợp đã không ít lần ra quân lập lại trật tự trên cung đường này. Nhưng cứ dẹp xong là đâu lại vào đấy, nhiều người chua chát gọi tên cung đường này là “Chợ đuổi”!
Bẵng đi một thời gian, như có phép màu, đến nay tình trạng ấy tuyệt nhiên không còn. Không có ai “đuổi”, bà con ai nấy đều tự giác không mua bán hay đỗ xe giữa lòng đường, làm nên một nét đẹp chính trên cung đường một thời tai tiếng. Tìm hiểu, mới hay đây là kết quả từ cách làm hợp lòng dân của Thị trấn Quỳ Hợp. Thay vì tịch thu đồ, rượt đuổi bà con, không cho mua bán, địa phương đã kêu gọi đầu tư, san lấp hàng ngàn mét khối đất đá ở bãi đất hoang ven dòng Nậm Tôn để làm chợ tạm, rồi tận tình phân tích thiệt hơn và mời bà con vào họp chợ.
Vừa không phải huy động lực lượng dẹp chợ mỗi ngày, bà con trong vùng lại có đồng ra đồng vào từ trao đổi sản vật vườn nhà. Ai nấy đều vui, thị trấn lại có thêm hàng trăm triệu đồng góp vào nguồn thu ngân sách mỗi năm từ tiền lệ phí.
“Chợ đuổi” trên cung đường qua cầu Nậm Tôn hôm nào nay được gọi bằng tên mới: “Chợ mời”! Vào mỗi buổi chiều, hàng trăm người mua bán tại chợ. Mớ rau, con cá, quả cà và những sản vật vùng cao như măng nứa, cua đá, nhộng ong... đều góp mặt, với giá cả phải chăng, làm nên sự cuốn hút độc đáo của một chợ quê miền núi. Sau phiên chợ mỗi ngày ban quản lý chợ lại lo phân công dọn dẹp vệ sinh, rác thải được thu gom và đưa lên xe chở về bãi rác, nên chợ luôn sạch sẽ. Dân bản mong sao các cấp chính quyền luôn có được những cách giải quyết thấu lý, đạt tình như thế!
Từ “Chợ đuổi” đến “Chợ mời”
Cao Duy Thái