Học sinh lớp 5 vất vả với kỳ thi cuối cấp
Trước đó, liên tục trong vài năm học trở lại đây, Thành phố Vinh đều tổ chức kiểm tra định kỳ cho học sinh lớp 5 trên toàn thành phố với đề thi chung. Điểm của bài thi này nhiều năm nay là căn cứ để sơ tuyển tiêu chuẩn dự thi vào Trường THCS Đặng Thai Mai - vốn được xem là trường chuyên của thành phố.
Kỳ thi này, theo nhiều phụ huynh, học sinh và cả nhiều giáo viên đánh giá là đề thi quá khó khiến kết quả đánh giá định kỳ cuối năm của học sinh bị ảnh hưởng.
Cá biệt năm 2017, toàn thành phố Vinh không có bài kiểm tra môn Toán nào được 10 điểm, gây bức xúc trong phụ huynh. Những năm trở lại đây số điểm 10 cũng rất hy hữu. Năm 2017, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng khẳng định đề kiểm tra định kỳ môn Toán lớp 5 của thành phố vượt chuẩn kiến thức, kỹ năng và thành phố Vinh cũng đã xin rút kinh nghiệm.
Năm học 2019 - 2020, theo kế hoạch Kỳ thi định kỳ lớp 5 cho học sinh toàn thành phố sẽ được tổ chức vào ngày 7/7/2020 với 2 môn là Toán và Tiếng Việt. Trong đó, thời gian làm bài môn Toán là 40 phút và môn Tiếng Việt là 60 phút.
Đáng chú ý, đề kiểm tra định kỳ được ra chung cho tất cả các trường tiểu học. Đặt trong thời điểm học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết quá nắng nóng, nhiều phụ huynh khẳng định việc tổ chức kỳ thi định kỳ cuối năm trên toàn thành phố sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Trong khi đó, chủ trương của Bộ là giảm tải việc học, giảm áp lực từ các kỳ thi. Thậm chí tại Nghệ An, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học này cũng đã không tổ chức.
Liên quan đến việc ra chung đề thi cho toàn thành phố, bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng: Trước khi triển khai việc tổ chức thi định kỳ lớp 5, chúng tôi có báo cáo và xin phép Sở. Hiện Thông tư 22 Quy định đánh giá học sinh tiểu học có kiểm tra định kỳ cuối năm. Riêng với học sinh lớp 5 có thêm nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh. Về phía thành phố tổ chức kỳ thi chung là tổng hợp cả 2 mục đích.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Trước khi ra đề cho Kỳ thi năm nay, Phòng đã chỉ đạo các trường ra đề và gửi đề về thành phố để tạo ngân hàng đề. Trên cơ sở đó, phòng chỉ đạo chuyên viên biên tập lại để có một đề chung.
Chưa đúng với tinh thần hướng dẫn
Cũng theo lý giải của thành phố, việc tổ chức ra đề chung sẽ đánh giá đúng mặt bằng của học sinh toàn thành phố. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với tinh thần hướng dẫnviệc kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo văn bản hợp nhất Thông tư 22 và 30 của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, tại mục 2b điều 15 quy định: Đối với học sinh lớp 5: tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm học cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn; giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường.
Trước đó, tại điều 10 cũng quy định: Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Cũng với quy định này, việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh lớp 6 đã có sự giám sát của giáo viên bậc THCS trong quá trình coi thi và chấm bài kiểm tra.
Về nội dung này, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Qua trao đổi, Phòng có biết về hình thức kiểm tra định kỳ của thành phố Vinh nhưng không có văn bản đồng ý với kế hoạch trên.
Về khách quan, ông Hoa cũng cho rằng: Việc thành phố ra đề thi chung có những lý do riêng nhằm đánh giá chính xác chất lượng giữa các trường, tránh tình trạng “trường ra đề dễ, trường ra đề khó. Điểm cao của trường này chưa chắc đã phản ánh chất lượng tốt hơn của trường khác”. Tuy nhiên, chỉ đạo của Sở là việc ra đề thi phải thực hiện đúng với các thông tư đã hướng dẫn: Mục tiêu của kỳ kiểm tra này là để xét công nhận hoàn thành chương trình năm học chứ không phải để phục vụ cho mục đích xét tuyển vào trường trọng điểm”, ông Nguyễn Hồng Hoa nói thêm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chúng tôi đã trao đổi với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phải ra đề không được quá khó, đánh đố học sinh; phù hợp với năng lực của học sinh, đảm bảo mặt bằng chung giữa các trường tạo sự khách quan, công bằng. Đặc biệt tránh tình trạng ra đề mà chỉ những học sinh đi học thêm mới làm được bài, vô tình khuyến khích tình trạng dạy chui, dạy thêm.
Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi định kỳ lớp 5, Báo Nghệ An cũng đã tìm hiểu tại một số địa phương và nhận thấy các địa phương đều chỉ đạo các trường thực hiện đúng theo thông tư hướng dẫn và việc ra đề đều do tổ chuyên môn các nhà trường và ban giám hiệu chịu trách nhiệm.
Lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng cho biết: Trước khi kiểm tra định kỳ, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng ma trận đề thi và tập huấn việc ra đề cho giáo viên các trường.
Khi đã có hướng dẫn, trường giao cho tổ chuyên môn trực tiếp ra đề và ban giám hiệu nhà trường thẩm định lại để đảm bảo đề ra đúng quy trình. Nói, việc ra đề riêng không đảm bảo chất lượng và không đánh giá đúng năng lực học sinh giữa các vùng miền cũng không chính xác bởi khi tập huấn đề thi, các trường đã được hướng dẫn để tỷ lệ các câu hỏi (theo 4 mức độ gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng linh hoạt) ngang bằng nhau và điều đó sẽ giúp cho việc đánh giá hiệu quả, chính xác.
Trước đó, thị xã Cửa Lò cũng từng tổ chức kỳ thi chung (có sự tham gia của hiệu trưởng các nhà trường trong việc ra đề). Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị xã giao cho các trường chủ động trong việc tổ chức kiểm tra định kỳ cuối năm cho học sinh lớp 5 và hiện nay việc kiểm tra đã hoàn thành.