Nhiều trường tư chịu cảnh "sống mòn"
Thời điểm này, học sinh toàn tỉnh đang trong quá trình làm hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10. Vậy nhưng với Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Vinh), việc học sinh đăng ký trường nào, nguyện vọng gì không tác động nhiều đến nhà trường bởi nhiều năm nay trường chỉ cần có học sinh lớp 9 đăng ký là trúng tuyển.
Mặc dù cơ chế tuyển sinh đã "mở” với tất cả các đối tượng học sinh nhưng liên tục từ năm 2014 đến naytrường không tuyển đủ học sinh dù chỉ tiêu của trường mỗi năm chỉ một lớp (45 học sinh).
“Trường chúng tôi có đủ 3 khối 10, 11, 12 nhưng mỗi khối chỉ có một lớp và mỗi lớp chỉ có 20 em (đạt 50% chỉ tiêu). Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cho nhà trường là một lớp nhưng với đà này thì việc tuyển sinh vẫn còn khó khăn”.
Do không có học sinh đăng ký vào trường nên nhiều năm nay, đời sống của 20 cán bộ, giáo viên trong toàn trường gặp muôn vàn khó khăn. Bản thân các giáo viên đứng lớp vì học sinh quá ít nên không được nhận lương theo tháng mà chỉ nhận lương theo tiết với số tiền khoảng 50.000 - 60.000 đồng/tiết (đã trừ bảo hiểm).
Lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận: “Liên tục nhiều năm nay chúng tôi phải bù lỗ bởi học sinh quá ít và học phí thì gần 10 năm nay không điều chỉnh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn không nỡ đóng cửa trường học vì thương giáo viên, trong đó có nhiều người đã gắn bó gần 20 năm. Còn việc tăng học phí thì khó khả thi vì thực tế hiện nay học phí thấp cũng đã khó thu hút học sinh theo học...”.
Trước đây, vào thời kỳ ổn định, trên địa bàn thành phố Vinh có đến 5 trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện tại ngoài Trường phổ thông Hermann Gmeiner và Trường THPT Nguyễn Trường Tộ còn khá thuận lợi trong tuyển sinh, số còn lại đều hoạt động èo uột, sống mòn. Riêng Trường THPT Lê Quý Đôn thì gần như đã “xóa sổ”, không còn hoạt động. Thực tế này dường như đã được báo trước bởi trong những năm gần đây nguồn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập ngày càng giảm. Trong khi đó, cơ chế tuyển sinh cho các trường ngoài công lập lại “mở” nên học sinh thường có xu hướng chọn những trường có quy mô, có số lượng học sinh đông hoặc những trường có đầu vào tương đối ổn định.
Khó khăn cũng đang đè nặng lên các Trung tâm GDNN - GDTX hoặc các trung tâm GDTX, dù các đơn vị này đang hoạt động dưới sự hỗ trợ của nhà nước. Thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong số 20 trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX đang đóng tại 20 huyện, thành, thị của tỉnh có khá nhiều trung tâm số học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, như ở Trung GDNN - GDTX của huyện Tương Dương hiện chỉ có 3 lớp ở ba khối với số lượng học sinh chỉ có 30 em. Hay với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quỳ Châu cũng chỉ có 3 lớp với 33 em, riêng lớp 12 chỉ có 1 lớp với 5 em. Số học sinh ở các huyện như Con Cuông, Quế Phong cũng chỉ khiêm tốn khi chưa có đủ 100 học sinh.
“Học sinh là xương sống hoạt động của các trung tâm và nếu không có học sinh thì không thành trường. Tuy nhiên, cũng như nhiều huyện miền núi khác, công tác tuyển sinh vào các trung tâm hệ GDTX còn nhiều khó khăn bởi hiện nay ngoài cạnh tranh với các trường công lập, trung tâm còn phải cạnh tranh với các trường nghề và mong muốn của đơn vị là được liên kết với nhiều trường nghề để việc tuyển sinh được dễ dàng”.
Chật vật tìm giải pháp
Do hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp vốn, tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi nên nhiều năm nay, các trường THPT ngoài công lập chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí để trả lương cho giáo viên. Chính vì thế, trong bối cảnh khó tuyển sinh như hiện nay, để duy trì hoạt động cho các trường ngoài công lập là điều hết sức khó khăn. Điều này cũng buộc các nhà trường phải tự vận động để đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút học sinh về với trường.
Tại Trường THPT Mai Hắc Đế (Nam Đàn), năm ngoái trường có 180 chỉ tiêu nhưng trên thực tế chỉ tuyển sinh được 160 em. Năm nay, chỉ tiêu của trường không đổi nhưng việc tuyển sinh sẽ khó khăn hơn bởi trên toàn huyện số lượng học sinh lớp 9 giảm nhưng các trường công lập lại tăng thêm chỉ tiêu lớp và mỗi lớp được duyệt tăng thêm 1 em.
Trước bối cảnh nguồn tuyển sinh đang giảm, mùa tuyển sinh năm nay nhà trường quyết định sẽ trao 30 suất học bổng thay vì 10 suất học bổng như những năm trước để khuyến khích những học sinh có điểm học bạ cao (để xét tuyển) hoặc những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường.
“So với các trường công lập thì việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập khó khăn hơn rất nhiều lần. Chính vì thế ngoài chính sách ưu tiên, nhà trường sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đơn vị để đào tạo tiếng cho học sinh đi nước ngoài. Như hiện tại, chúng tôi đã lắp đặt máy điều hòa toàn bộ các phòng học để học sinh học tập thuận lợi”.
Trong số các trường ngoài công lập, Trường THPT Ngô Trí Hòa (Diễn Châu) là trường có số lượng học sinh khá đông với hơn 700 học sinh và 17 lớp. Tuy nhiên, con số này so với thời kỳ cao điểm 40 lớp thì còn khá khiêm tốn. Hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu có đến 4 trường ngoài công lập và 1 trung tâm GDTX nên để duy trì kết quả tuyển sinh này nhà trường buộc phải làm tốt công tác tuyển sinh như trường phải bảo đảm chất lượng và nề nếp học tập, tăng cường giám sát học sinh ở trường và ở nhà.
“Hiện tất cả các lớp học của trường đều lắp camera để giám sát học sinh. Khi học sinh nghỉ học không phép thì giáo viên chủ nhiệm phải gọi trực tiếp cho phụ huynh để nắm bắt tình hình. Ngoài ra chúng tôi cũng phải làm tốt công tác hướng nghiệp, liên kết với các đơn vị có uy tín để tư vấn cho học sinh đi du học”.
Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, sở cho các trường được tuyển sinh học sinh mới lớp 9, không cần thi tuyển vào lớp 10. Với các trung tâm GDNN - GDTX, từ năm học này Sở sẽ linh hoạt trong việc duyệt tuyển sinh để các trường “đón đầu” mở rộng đối tượng học sinh đang học các trường nghề theo diện liên kết, khuyến khích các trường vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề...
Với những nỗ lực này, hy vọng trong những năm tới việc tuyển sinh của các đơn vị này sẽ khả quan hơn, đặc biệt khi dự báo trong những năm tới nguồn tuyển sinh sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.