Đáng nói là, dù có một đội ngũ HLV hùng hậu kế tiếp nhưng SLNA vẫn trải qua những mùa bóng khó khăn, nhất là hai mùa gần đây mà trách nhiệm trực tiếp đều được “đổ” cho HLV trưởng, cho ban huấn luyện. Câu hỏi đang đặt ra nóng hổi: liệu nhà đầu tư mới sẽ tiếp tục sử dụng “bổn cũ”, tức sử dụng HLV tại chỗ của đội bóng, hay đưa về một nhân tố mới để lấy lại hào quang xưa, thậm chí tạo ra một thế lực mới cạnh tranh với các đội bóng binh hùng, tướng mạnh khác?
Thực tế cho thấy, dưới tay “nhà đầu tư-ông bầu” nhiều tiềm lực và tham vọng thì điều gì cũng có thể xảy ra. Việc nhanh chóng giữ chân Văn Đức với một sự kiện “bom tấn”, với ý định không cần giấu diếm nhằm trước mắt là giữ chân các trụ cột, tìm kiếm ngoại binh giỏi, lâu dài là “gọi” về những tài năng SLNA từng chuyển đi trong giai đoạn “chảy máu tài năng”, thì tất nhiên những ai sẽ ngồi vào khu kỹ thuật của đội bóng cũng sẽ được tính toán kỹ cho bước trụ hạng cũng như “tăng tốc” sau này.
Nhiều người biết rõ rằng, SLNA từ lâu đã sở hữu nhiều nhà cầm quân có tiếng chủ yếu ở bóng đá trẻ như Nguyễn Văn Thịnh, Đinh Văn Dũng, Lê Kỳ Phương… còn ở cấp cao hơn, ở V. League, ngoài các HLV đã nghỉ hưu hoặc chuyển đi như Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Hữu Thắng, Vũ Quang Bảo, Nguyễn Thành Công, Phạm Anh Tuấn…, đội ngũ HLV còn lại liệu đã chứng minh được sự mát tay của mình khi nhận nhiệm vụ? Cũng có người mạnh mồm nói ra điều không dễ nghe: đội ngũ HLV ở Sông Lam đông, phải cho mượn, nhưng tìm ra người giỏi thật sự cho Sông Lam thi đấu khởi sắc thì… thiếu rất nhiều?
Ngay cả trong thành công vững chắc của đào tạo trẻ nhiều năm nay, dư luận cũng bắt đầu nói tới việc non yếu trong khu kỹ thuật SLNA khi các lứa trẻ dần yếu thế trước các lò mới nổi khác, nhất là khi họ có “lực” mạnh, mời được đầy đủ ekip ngoại? Hay như việc có HLV không ngại nói thẳng ra rằng, đá với SLNA hiện nay rất dễ vì đội bóng quen vận hành theo một “bài” cũ kỹ?
Nhìn vào bản đồ công tác huấn luyện, ai cũng biết các HLV có “gốc” SLNA đang có mặt ở khắp nơi, đảm trách nhiều vị trí quan trọng ở các đội bóng V. League, hạng Nhất, hạng Nhì… dưới các vị trí khác nhau. Để thấy, đội ngũ HLV của SLNA đông hơn bất cứ CLB bóng đá Việt nào hiện tại, làm được việc, nhưng vẫn cần thời gian kiểm chứng về độ “mát tay” cần có? Hơn nữa, việc chỉ có duy nhất HLV cơ bản về chuyên-môn-chính là dạy chơi bóng cho các lứa cầu thủ thì có thể thấy SLNA cũng như hầu hết các đội bóng V. League vẫn thiếu trầm trọng các HLV thủ môn, thể lực, đội ngũ cán bộ y tế… nghĩa là chưa theo kịp với yêu cầu huấn luyện chuyên nghiệp, rất khó đạt được thành tích cao nếu vẫn cứ dạy “chay”, tập “chay” với giáo án thiếu cập nhật thường xuyên như đã thấy.
“Nghề” HLV cũng như “đời” cầu thủ nói chung, rất khắc nghiệt. Có thể thành công hôm nay nhưng ngày mai là câu chuyện hoàn toàn khác; đồng thời thất bại hôm nay có thể tạo nên ý chí quyết tâm đi tới thành công ở ngày sau, ngày kia, ngày kia nữa. Tấm gương HLV Park Hang-seo khi đến Việt Nam là bài học lớn cho những ai “vương lấy nghiệp” cầm quân, thương yêu, tin cậy học trò hết mực nhưng cũng nghiêm khắc đến kiệt cùng, biết đứng lên, biết nắm thời cơ sau những thất bại tưởng chừng không thể gượng dậy?
Với Sông Lam Nghệ An, hiện có vẻ thời cơ đang đến nhanh hơn suy nghĩ của nhiều người? Những Huy Hoàng, Như Thuật, Văn Quyến… và nhiều tên tuổi khác, liệu có biết nắm lấy cơ hội này để học hỏi, để làm được một điều gì đó khi bóng đá Việt đang lên, nhất là khi Sông Lam “nước lên, thuyền lên” hối hả…