Trên thực tế, chất lượng cổ vũ của CĐV cũng như hoạt động của Hội CĐV Sông Lam Nghệ An chưa bao giờ được đánh giá cao là điều cần được tính đến trong quá trình tái cấu trúc của đội bóng.
Trước hết, phải thống nhất nhận thức lực lượng CĐV là một bộ phận khăng khít không thể tách rời của đội bóng, là cầu thủ thứ 12 của đội nhà, là nguồn sức mạnh cho mỗi cầu thủ trong từng trận đấu, trong thời khắc vinh quang cũng như khi khó khăn gặp phải.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa CĐV, nhất là những người làm nòng cốt phải là “biên chế, ăn lương”, hoạt động của Hội CĐV phải có kinh phí hay giúp đỡ từ CLB. Sẽ tùy điều kiện cụ thể để giải quyết nhưng nói chung mọi hoạt động của CĐV nên là tự nguyện, cùng chung tay góp sức, người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, theo đúng tinh thần xã hội hóa hiện nay.
Câu chuyện CĐV Hà Lan góp tiền cho CĐV đặc biệt của đội tuyển màu da cam, ông Winfried Witjes đi Braxine cổ vũ hay ông Vicente Navaro từng theo dõi toàn bộ các trận đấu của CLB Valencia trên sân nhà Mestalla trên chiếc ghế số 164, hàng 15 để rồi được đúc tượng đặt ở chính vị trí đó để tôn vinh ông sau khi qua đời… là những ví dụ điển hình về những CĐV đặc biệt của các đội bóng. Chắc chắn họ là những CĐV chuyên nghiệp, gắn bó cả đời với đội bóng, tạo ra dấu ấn đặc biệt trên khán đài không chỉ bằng việc tự nguyện mua vé thường xuyên mà bằng cả sự nhiệt huyết, trách nhiệm với việc xây dựng văn hóa cổ vũ cho đội bóng, từ bản thân mình cũng như các CĐV khác.
CĐV Sông Lam Nghệ An không thiếu người nhiệt huyết, sẵn sàng bỏ công, bỏ của để cùng mọi người đi cổ vũ đội nhà, nhất nhà những trận đấu trên sân khách. Vấn đề bây giờ là sớm gọi tên, cổ vũ, góp sức để họ trở thành những CĐV đặc biệt, là hình ảnh tiêu biểu của CĐV đội bóng, để người khác nhìn vào đó mà đi theo, hướng đến, chưa kể việc đội bóng phải biết tôn vinh họ trong những công việc, điều kiện cụ thể.
Chắc chắn sẽ phải thống nhất, quy về một mối mạng lưới CĐV đội bóng ở 3 miền, có phân công, phân nhiệm, có “ngôi sao” CĐV làm hình ảnh, biểu tượng tập hợp, thu hút, có thông tin truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, có biểu tượng, logo, có bài hát truyền thống đơn giản mà thu hút, vang xa (CLB AS Roma ở Seri A có bài hát đọc lên thật gọn “Roma Roma Roma” mà vẫn thuộc tốp bài hát nổi tiếng xếp hàng đầu thế giới!)
Và khi đội bóng xuất trận, CĐV cũng phải xuất trận với hành trang đầy đủ như cờ, trống, phách… với sự cổ vũ bài bản (phải học cách tổ chức cổ vũ của CĐV Thái Lan khi đến Mỹ Đình cách nay không lâu). Trước khi vào sân phải “bỏ ra 2 ngày để học những động tác cổ vũ và bài hát…”(lời CĐV Thái), phải chuyên nghiệp từ cách vẫy cờ, cung cách sắp xếp đội hình, đội hình cờ, trống, chấp hành người lĩnh xướng, người tổ trưởng ở mỗi hàng ghế, thái độ hòa nhã với CĐV bạn, với cầu thủ bạn và với trọng tài, thái độ hòa nhã trước các tình huống bất ngờ, thái độ khi đội nhà hay đội khách ghi bàn…Và đặc biệt, cổ vũ đến giây phút cuối cùng, không vì đội nhà thua trận mà lục tục ra về hoặc nói năng, hành động phản cảm…
Nhưng như thế vẫn là…chưa đủ, nếu Hội CĐV thiếu đi những hoạt động xã hội cần thiết trong cuộc sống. Khi trái bóng ngừng lăn, những người yêu bóng đá, gắn bó với CLB vẫn suy nghĩ, tìm tòi để tạo sự gắn kết, tin tưởng, tạo ra hình ảnh đẹp cho chính mình và cho bóng đá, như cách Hội CĐV Quảng Ninh hay Nam Định từng làm và được trao giải CĐV xuất sắc nhất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Vậy đấy, yêu bóng đá, tự hào với bóng đá quê nhà, CĐV Sông Lam Nghệ An vừa phát huy nội lực chính mình, vừa tham khảo, học hỏi thêm cách làm chuyên nghiệp của CĐV trong và ngoài nước. Và như lời hát ví, giặm quen thuộc và thân thương, trong cuộc sống bộn bề lo toan cũng như những phút giây trước trái bóng tròn, mỗi CĐV Sông Lam mãi vang ngân nhịp đập “đã yêu thì yêu cho chắc” tự đáy lòng...