(Baonghean) - LTS: Ngày 9/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách 5 tháng đầu năm và giải pháp điều hành Ngân sách Nhà nước (NSNN) từ nay đến hết năm 2015. Tại cuộc họp báo này, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Huỳnh Quang Hải trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An xung quanh các vấn đề nổi cộm của tình hình thu, chi NSNN 2015. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

image_8475163.jpgLàm đường giao thông nông thôn ở xã Nam Thượng (Nam Đàn).
 
P.V: Thưa đồng chí, giá dầu giảm tới hơn 40% so với mức giá quy định dùng để tính toán nguồn thu NSNN từ đầu năm, vậy tình hình thu chi NSNN 5 tháng đầu năm 2015 có những ảnh hưởng gì từ nguồn thu khi dầu thô đã giảm?
 
Vụ trưởng Huỳnh Quang Hải: Kết quả công tác thu NSNN 5  tháng đầu năm cho thấy, với số thu ước đạt 380,76 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán thì năm 2015 này đã có mức tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số thu nội địa tăng 16,3%, đạt 44,3% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) cũng tăng 6,5%, đạt 37,7% dự toán. Riêng thu về dầu thô đạt 32,6% dự toán, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2014 do giá dầu giảm (giá dầu dự toán 100 USD/thùng, bình quân 5 tháng đạt 57,8 USD/thùng, giảm 42,2 USD/thùng so với giá dự toán). Nếu so với cùng kỳ một số năm gần đây thì năm 2015 này, tiến độ thực hiện thu nội địa và thu cân đối từ XNK đạt khá. 
 
Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Huỳnh Quang Hải phát biểu tại cuộc họp báo,

Về chi NSNN, số chi ước đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% dự toán, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2014. Điều quan trọng là số chi cho đầu tư phát triển tăng 8,8%, đạt 37,4% dự toán; chi trả nợ và viện trợ tăng 23,5%, đạt 43,2% dự toán; chi phát triển các sự nghiệp KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính tăng 5,1%, đạt 40,9% dự toán. Kết quả này có được là nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động SX-KD và XNK có bước phát triển tốt, nhất là nền kinh tế phát triển không quá ảnh hưởng từ nguồn thu từ dầu thô mà chủ động tăng thu từ sản xuất trong nước.

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN 5 tháng đầu năm 2015?
 
Vụ trưởng Huỳnh Quang Hải: Nhìn chung, Bộ Tài chính đánh giá các nhiệm vụ chi ngân sách được bảo đảm theo dự toán và tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt khá hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây, cụ thể là so với kế hoạch, vốn đầu tư XDCB giải ngân cùng kỳ năm 2012 đạt 36,6%; năm 2013 đạt 33%; năm 2014 đạt 35,2%; năm 2015 đạt 37,1%. Tuy nhiên, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn đạt thấp: so với kế hoạch, vốn TPCP giải ngân cùng kỳ năm 2012 đạt 15,8%; năm 2013 đạt 35,4%; năm 2014 đạt 35,8%; năm 2015 đạt 32%. Bên cạnh đó, từ nguồn dự trữ quốc gia, ngân sách đã xuất cấp trên 58,9 nghìn tấn gạo để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn.  
 
Với những số liệu trên, trong việc cân đối thu - chi NSNN, số bội chi NSNN 5 tháng ước 74,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,1% dự toán năm. Tính đến hết tháng 5, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành trên 94,3 nghìn tỷ đồng TPCP để bù đắp bội chi NSNN và dành cho đầu tư phát triển, bằng 34,3% nhiệm vụ huy động vốn trong nước bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2015.
 
Qua tình hình 5 tháng đầu năm 2015, có thể nhận thấy rõ bên cạnh những yếu tố thuận lợi, đã phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, đáng chú ý là giá dầu thô giảm mạnh so với dự toán, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN năm 2015; sẵn sàng ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, bảo đảm sự chủ động trong điều hành và giữ vững cân đối NSNN năm 2015,
 
P.V: Theo đồng chí, từ nay đến hết năm 2015, cần có các giải pháp điều hành NSNN cơ bản nào để đồng vốn sử dụng từ nguồn NSNN đạt hiệu quả thiết thực?
 
Vụ trưởng Huỳnh Quang Hải:Vừa qua, với tình hình thực tế KT-XH, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng. Giải pháp có tính nền tảng, cơ bản là bên cạnh việc tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển SX-KD, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% đã đề ra, tạo điều kiện phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN...
 
Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương là phải tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu từ nội địa và XNK ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2015. 
 
P.V:Nếu đến gần cuối năm, tình hình kinh tế - NSNN không được thuận lợi, diễn biến giá dầu thô tiếp tục tác động giảm đến NSNN thì cần thêm  giải pháp gì,  thưa đồng chí?
 
Vụ trưởng Huỳnh Quang Hải:Không chỉ dừng lại ở các giải pháp trên mà để tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định thì một trong các giải pháp là sẽ tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên tám tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn. Đến tháng 8/2015, căn cứ tình hình kinh tế - NSNN, diễn biến giá dầu thô và đánh giá tác động của việc giá dầu giảm đến NSNN, trường hợp dự kiến thu NSTW năm 2015 đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.
 
Trường hợp dự kiến thu ngân sách Trung ương năm 2015 không đạt dự toán, Chính phủ sẽ cắt giảm các nguồn kinh phí tạm giữ lại của NSTW cho đến khi bù đắp được số giảm thu. Đối với ngân sách địa phương, trường hợp dự kiến thu (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt dự toán, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định. Còn trường hợp dự kiến thu (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, thì sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại để bù đắp số giảm thu. Nếu vẫn còn thiếu nguồn thì sử dụng thêm nguồn lực tài chính khác của địa phương (một phần quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, kết dư ngân sách địa phương năm 2014,...), kết hợp với rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết... để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương. NSTW cũng sẽ xem xét tạm ứng nguồn bảo đảm cân đối NSĐP trong một số trường hợp cần thiết.
 
Bên cạnh đó, một giải pháp cũng rất quan trọng là phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, bảo đảm không vượt mức trần cho phép 65% GDP. Cần phải cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng các khoản vay trung, dài hạn và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay bên cạnh việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm. Đối với các khoản vay ngoài nước, ngoài vay ODA và vay ưu đãi, cần nghiên cứu mở rộng thêm các hình thức vay, bao gồm cả phát hành TPCP trên thị trường quốc tế, để huy động các khoản vốn dài hạn, lãi suất phù hợp với thị trường cho cân đối NSNN. Ngoài ra, còn phải tiếp tục nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo lộ trình; tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá. Đặc biệt là cần khẩn trương triển khai thực hiện tốt Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính.
 
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
 
Sông Hồng