(Baonghean) - Để siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế ngoài công lập, kể từ tháng 11/2013 này, ngành y tế phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thành lập các đoàn thanh kiểm tra toàn diện những phòng khám, bệnh viện tư nhân. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở hoạt động không phép, sai quy định, vượt thẩm quyền cũng như hoạt động kém chất lượng.

Tháng 10/2013, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, trú tại xóm 17, xã Nghi Phú (Thành phố Vinh) gửi đơn tố cáo thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Thanh Tâm, Giáo viên Trường Đại học Y Vinh lên Giám đốc Sở Y tế Nghệ An và Hiệu trưởng Trường Đại học Y Vinh. Theo đơn, vào khoảng 17 giờ ngày 20/10/2013, con dâu bà là chị Nhâm Thị Huệ, sinh năm 1989, trở dạ và sinh non trước ngày dự kiến ngay tại phòng tắm ở nhà. Quá hốt hoảng, gia đình bà Thủy đã chạy sang cầu cứu Phòng khám sản của bác sỹ Tâm cũng ở xóm 17, cách nhà sản phụ chừng 300m để nhờ giúp đỡ, cắt dây rốn. Tuy nhiên, bác sỹ Tâm đã một mực từ chối và khuyên gia đình gọi taxi đưa xuống bệnh viện. Mặc dù không có chuyên môn nhưng nhìn vào thực tế thì gia đình cũng biết rằng: Đưa sản phụ đi lúc này là rất nguy hiểm. May thay, gia đình đã cầu cứu được y sỹ Nguyễn Thị Giang Lam, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Phú đến và thật đáng mừng là “mẹ tròn, con vuông”.

images878559_5a.jpgBệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện 115 Nghệ An.
 
Đến tìm hiểu sự việc trên, gia đình bà Thủy đã bày tỏ với phóng viên: Xét theo quy định của Luật thì phòng khám tư nhân cũng là một đơn vị y tế và khi có bệnh nhân cấp cứu thì không cho phép y, bác sỹ tại đó từ chối. Về trách nhiệm bác sỹ Tâm đã sai. Về  y đức lại càng không được, nhất là khi cô Tâm lại là một giáo viên Trường Đại học Y, hàng ngày đứng trên bục giảng dạy y đức, y thuật cho các sinh viên… Y sỹ Giang Lam, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Phú cho biết: “Chiều đó chị không có lịch trực tại trạm mà đang về quê ở huyện Nam Đàn. Nghe tin, chị vội vàng quay ngược xe, cấp tốc chạy về trạm lấy dụng cụ, bông băng, thuốc men và giúp đỡ bệnh nhân. Chị Lam cho hay: “Những trường hợp đẻ non như vậy là cực kỳ nguy hiểm đối với sản phụ, nhiều khả năng sản phụ bị rách tử cung và băng huyết nếu không xử lý kịp thời. Rất may sản phụ không có vấn đề gì. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc từ chối cấp cứu bệnh nhân của bác sỹ Tâm là không chấp nhận được”.
 
Tìm hiểu thực hư sự việc này, chúng tôi đã tìm đến Trường Đại học Y Vinh, nơi Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Thanh Tâm đang công tác và đã được Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Vinh cho biết: “Sau khi nhận được đơn tố cáo, nhà trường đã làm việc với cô Tâm và được biết đây là chuyện có thật. Cô Tâm đã bày tỏ sự ân hận cũng như có lời giải thích: Phòng khám chỉ thực hiện siêu âm, kê đơn phát thuốc chứ không có dụng cụ nào. Bản thân cô lâu nay chỉ dạy lý thuyết, thiếu kinh nghiệm lâm sàng. Lúc ấy gia đình gọi xe taxi thì cô sẽ theo gia đình đưa sản phụ lên viện. Qua sự việc này, nhà trường đã nghiêm khắc nhắc nhở, yêu cầu cô Tâm rút kinh nghiệm”. Qua xác minh phòng khám sản của thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Thanh Tâm, Phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế cho biết: Phòng khám của bác sỹ Lê Thị Thanh Tâm đã hết hạn hành nghề từ năm 2010, đến nay vẫn chưa đăng ký lại. Trong khi đó, tại phòng khám và đường vào phòng khám vẫn trương biển hành nghề.
 
Theo thống kê, ở Nghệ An hiện có 9 bệnh viện tư nhân và 1.400 đơn vị y, dược ngoài công lập. Không thể phủ nhận đóng góp của các đơn vị y tế ngoài công lập trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng thực tế cũng không ít đơn vị bị người dân phản ứng. Anh T. V. T, một cán bộ ngành y tế cho hay: “Tôi gửi thẻ bảo hiểm y tế cho một bệnh viện tư. Trong lần bị xuất huyết dạ dày, tôi phải vào bệnh viện này điều trị khẩn cấp. Song thay vì đưa tôi vào phòng cấp cứu, các cán bộ, y sỹ vẫn bắt tôi và gia đình chờ đợi cho đến khi hoàn thành các thủ tục, nạp đủ tiền mới được chữa trị”.
 
Cũng liên quan đến bệnh viện này, vừa qua, một gia đình bệnh nhân ở huyện Quỳnh Lưu phản ánh: “Người thân họ được chẩn đoán bệnh liên quan đến thận, phải mổ để điều trị. Thế nhưng mổ xong, bệnh nhân vẫn đau. Chuyển sang bệnh viện khác thì được y, bác sỹ soi chụp, kết luận bệnh viện kia mới chỉ mổ ra rồi khâu lại chứ chưa có can thiệp gì. Rất may gia đình đã đòi lại được tiền mổ”. Bà N. V. T ở khối 5, phường Hà Huy Tập bức xúc: “Tôi chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm ở  bệnh viện tư. Ra viện, coi lại hóa đơn mới phát hiện nhiều xét nghiệm, dịch vụ mình không làm vẫn được tính tiền. Chỉ đến khi tôi đề nghị lên Bảo hiểm xã hội tỉnh họ mới xin tính lại”.
 
Xung quanh chất lượng, tinh thần trách nhiệm của các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập, ngày 4/11/2013 vừa qua, Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành, qua đó đánh giá, hiện nay rất nhiều bệnh viện, phòng khám đang hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép. Lạm dụng cận lâm sàng (xét nghiệm, X quang...) nhằm thu lợi nhuận cao, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết. Chưa tận tâm với nghề, với bệnh nhân… Nguyên nhân dẫn đến tồn tại này là: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về pháp luật. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh chưa đủ sức răn đe, chưa huy động được các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Nhân lực tham gia quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân còn mỏng.
 
Thực tế hoạt động của các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập đang yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động quản lý nhà nước. Và chính vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Thành phố Hà Nội đã là hồi chuông cảnh báo để Bộ Y tế tổ chức thực hiện 2 cuộc hội nghị, hội thảo trực tuyến toàn quốc ngay trong tháng 11 này về tăng cường quản lý nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập và tăng cường hoạt động đường dây nóng bệnh viện… Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay trong tháng 11 này, ngành y tế sẽ triển khai nhiều biện pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế ngoài công lập.
 
Bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Hiện Sở Y tế giao cho phòng y tế các huyện tham mưu cho UBND huyện, thành thị thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện công tác hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn. Giao Trung tâm y tế phối hợp phòng y tế huyện thực hiện công tác chuyên môn trong đợt kiểm tra. Đồng thời, giao cho phòng quản lý y dược tư nhân tham mưu thành lập đoàn liên ngành, trình UBND tỉnh kiểm tra toàn diện theo kế hoạch, trước hết kiểm tra trên địa bàn Thành phố Vinh. Theo quy định, những đơn vị quá hạn mà chưa đăng ký hoạt động lại cũng xem như vi phạm và Sở đã ra hạn cho các cơ sở y tế ngoài công lập trước ngày 29/11 phải hoàn thiện hồ sơ trình cấp phép. Nếu sau ngày 30/12/2013, đơn vị nào chưa được cấp phép mà vẫn hoạt đông thì xử lý nghiêm theo quy định”.
 
Từ ngày 20/11 - 29/11/2013, Sở Y tế sẽ thẩm định toàn diện 9 bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Đơn vị nào vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm, thậm chí cấm hoạt động. 
 
Bài, ảnh:Thành Chung