Sáng 25/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019; triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Năm 2019, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Bộ đã nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học việc thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2012 để tham mưu, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động.
100% các đề án hoàn thành trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ. Các chỉ tiêu Quốc hội giao (về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo) đều hoàn thành kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được giao…
Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019; những cách làm hay trong việc thoát nghèo bền vững. Đồng thời các địa phương kiến nghị một số nội dung: Đề nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi Pháp lệnh Người công cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng mức trợ cấp bảo trợ xã hội để phù hợp với mức sống hiện tại; bổ sung thêm một số chính sách đối với các hộ mới thoát nghèo…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là ngành có rất nhiều nhóm nhiệm vụ phải thực hiện phối hợp với các bộ, ngành khác như công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác bảo trợ, giải quyết chế độ cho người có công… Trong thời gian tới, đề nghị ngành phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, các ngành, các tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ của ngành ngày càng tốt hơn.
Về kế hoạch năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung vào các nhiệm vụ: Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội; tuyên truyền để người dân nhận thấy tham gia bảo hiểm xã hội vừa là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tham mưu Chính phủ chương trình, kế hoạch năm 2020. Xây dựng chiến lược phát triển trong 5 năm tới, tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công, rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội để kịp thời bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với thị trường lao động, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công; đẩy mạnh các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các chính sách đối với người có công…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tham mưu Chính phủ chương trình, kế hoạch năm 2020. Xây dựng chiến lược phát triển trong 5 năm tới, tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công, rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội để kịp thời bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với thị trường lao động, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công; đẩy mạnh các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các chính sách đối với người có công…