Theo báo cáo được trình bày tại hội nghị, năm qua, Sở LĐTB & XH đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 37.500 lao động đạt 100,1% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động hơn 13.600 người đạt 100,5% kế hoạch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số lao động nông thôn sau khi học nghề chưa có việc làm bền vững, thu nhập thấp. Cơ sở vật chất một số trường nghề thiếu; đội ngũ giáo viên kỹ thuật, chuyên gia giỏi về giáo dục nghề nghiệp chưa đủ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước vẫn chưa hiệu quả; tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn còn cao (hiện còn 2.300 lao động). Nhiều ý kiến mong muốn Sở tham mưu với Bộ LĐTB và XH để có những thỏa thuận với nước bạn trong việc ban hành các chế tài đủ mạnh, nhằm đưa lao động về nước đúng thời hạn.
Vẫn còn 9.500 hộ nghèo đặc biệt khó khăn
Vấn đề được hội nghị đề cập nhiều nhất chính là vấn đề giảm nghèo bền vững chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, dù đã có sự chung tay nỗ lực của toàn xã hội. Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH cho biết: Hiện, tiệm cận tỷ lệ tốc độ giảm nghèo càng về sau càng chậm, số hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn nhiều với 9.500 hộ, nguyên nhân phần nhiều do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hoàn lưu số 4 trong năm 2018, gây thiệt hại nặng nề vùng miền Tây Nghệ An.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu ở các đầu cầu đã đồng tình với mục tiêu, chỉ tiêu trong báo cáo. Phấn đấu đến cuối năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4%; các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu và các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% có mức giảm từ 4% - 5% so với đầu năm. Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB & XH yêu cầu các huyện cần rà soát nhanh số hộ nghèo, hoàn thành trong tháng 12, đảm bảo thực chất, đúng đối tượng.
Thu hồi chế độ của thương binh hưởng sai quy định còn gặp khó
Cũng trong năm qua, công tác quản lý, chi trả chế độ cho người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, với số tiền gần 122,68 tỷ đồng/tháng cho hơn 75.000 người có công. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được xã hội hóa sâu rộng, toàn tỉnh vận động được hơn 18 tỷ đồng quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Năm qua, Sở, ngành cũng tập trung chỉ đạo, đôn đốc rà soát bổ sung hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; thực hiện hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở theo QĐ số 22/2013/QĐ – TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Giám đốc Sở cũng đề nghị các huyện tăng cường rà soát các đối tượng nhiễm chất độc hóa học, đảm bảo lộ trình và chỉ tiêu do Bộ đề ra. Tập trung thực hiện rà soát, đối chiếu, bổ sung hồ sơ cho các đối tượng thương bệnh binh còn tồn đọng.
Thời gian tới, Sở, ngành cần tăng cường đối ngoại thu hút nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực của ngành; tăng cường sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu trong lĩnh vực an sinh xã hội.