Cuối năm, chúng tôi có dịp lên xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), vùng đất được xem là chốn “địa đầu” ở cực Tây của tỉnh, có cửa khẩu quốc tế và chợ biên thông thương với nước bạn Lào. Dừng chân ở bản Trường Sơn, gặp một người phụ nữ cuốc bộ lên con dốc cao, tay cầm tập tài liệu, hỏi chuyện mới biết chị tên là Lỳ Y Mò (SN 1989) - cộng tác viên dân số của bản.
Tranh thủ thời gian buổi trưa, khi bà con dân bản từ rẫy trở về, Y Mò tạm đóng gian hàng tạp hóa của mình để “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Chị kể: “Bản có hơn 250 hộ dân tộc Mông, nằm gần Quốc lộ 7A nhưng trải dài hơn 3 km, chia thành các cụm dân cư với mật độ thưa thớt nên việc vận động gặp nhiều khó khăn. Chưa kể ở đây nhiều người còn chưa biết chữ, chưa biết hết tiếng phổ thông, còn lạc hậu trong cách nghĩ nên công việc càng khó khăn hơn”.
Ngay cả Y Mò cũng chỉ học hết tiểu học rồi ở nhà làm rẫy và lấy chồng, sinh con. Được Ban Dân số xã vận động làm cộng tác viên, lúc đầu chị không tránh khỏi những ngần ngại vì trình độ văn hóa hạn chế, chưa hiểu hết các từ ngữ phổ thông. Nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, làng bản, Y Mò đã mạnh dạn nhận lời, dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kiến thức, kỹ năng công tác cũng như khả năng tiếp nhận, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến chính sách dân số.
Tính đến nay đã hơn 10 năm gắn bó với công việc, vừa làm, vừa học, được tham gia các đợt tập huấn nên kiến thức và kỹ năng của chị đã được nâng lên đáng kể. Điều đáng nói ở đây là dù mức phụ cấp khiêm tốn, hiện tại là 139.000 đồng/tháng, không đủ chi phí xăng xe nhưng Y Mò vẫn làm việc một cách tâm huyết và đầy trách nhiệm.
Ở Nậm Cắn còn có các anh Lầu Bá Dì, Lầu Bá Tủa (bản Huồi Pốc), chị Lầu Y Khừ, Và Y Khù (bản Tiền Tiêu), Ngôn Thị Hương (bản Khánh Thành)… đều là những cộng tác viên dân số nhiệt tình, gắn bó lâu năm. Họ có điểm chung là hạn chế về trình độ văn hóa, cao nhất là tốt nghiệp THCS nhưng yêu thích và tận tụy với công việc. Không ai nghĩ làm việc này để có thu nhập mà hoàn toàn xuất phát từ mong muốn góp phần giúp bà con dân bản nâng cao ý thức, hạn chế sinh để đời sống bản, làng sớm được ổn định và phát triển.
Với viên chức dân số xã - chị Xồng Y Trữ (SN 1984) trình độ xuất phát cũng chỉ THCS, thuộc diện cao nhất đối với phụ nữ người Mông ở Nậm Cắn. Đang ở nhà làm nương rẫy, lãnh đạo xã đến vận động làm cán bộ dân số, chồng cũng động viên và ủng hộ nên chị nhận lời. Lúc ấy, chị mới bắt đầu tập đi xe máy để phục vụ công việc, nhưng cũng chỉ đi lại được ở những bản có đường thuận lợi như Tiền Tiêu, Khánh Thành và Noọng Dẻ.
Còn những bản xa như Pa Ca, Huồi Pốc đường gập ghềnh, đèo dốc cheo leo phải cuốc bộ, mỗi lần xuống cơ sở ít nhất phải mất 2 ngày. Khó nhất vẫn là việc tổng hợp số liệu và làm báo cáo, hàng tháng chị phải “vật lộn” với những con số để có được bản báo cáo gửi Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện.
Người dân trong xã chủ yếu là dân tộc Mông, Khơ mú và Thái, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số, phần lớn phụ nữ trên 40 tuổi đều không biết chữ, nhiều người không biết tiếng phổ thông. Việc tuyên truyền, vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch và sử dụng các biện pháp tránh thai hết sức khó khăn, bởi khả năng tiếp nhận còn rất hạn chế, tình trạng sinh 4 - 5 con vẫn thường xảy ra.
Chị Xồng Y Trữ chia sẻ: “Mình đã vất vả, khó khăn nhưng cộng tác viên các bản, nhất là các bản xa còn khó khăn hơn nhiều. Ở xa trung tâm, tiền phụ cấp không đủ chi phí đi lại. Hàng tháng tổ chức giao ban mình phải nấu bữa cơm trưa mời toàn bộ anh, chị em để vừa động viên tinh thần, vừa để mọi người bớt được một phần chi phí”.
Theo ông Mùa Xia Lữ - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Kỳ Sơn, những khó khăn này không phải của riêng Nậm Cắn mà hầu hết các xã trên địa bàn. Điển hình là các xã Keng Đu, Mỹ Lý, Na Ngoi, Đoọc Mạy, Bảo Thắng, những xã này có thể nói là tứ bề khó khăn. Dù vậy, những người làm công tác dân số, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên các bản vẫn cần mẫn, bám trụ với công việc, góp phần giữ gìn sự ổn định cho bản, làng.
Và đây cũng là tình trạng chung ở địa bàn các huyện vùng cao như Tương Dương, Quế Phong và Con Cuông. Theo lời chị Vi Thị Hải - viên chức dân số xã Thạch Ngàn (Con Cuông), ngoài khó khăn về mặt địa hình, trình độ dân trí hạn chế, mức phụ cấp ít ỏi, những người làm công tác dân số hiện còn có thêm khó khăn khi tình hình nhân khẩu có nhiều biến động.
Bởi lẽ, những năm gần đây, người đi làm ăn xa và đi khỏi nơi cư trú ngày càng nhiều, có những người không làm các thủ tục theo quy định, ảnh hưởng đến việc thống kê, cập nhật số liệu và tuyên truyền, vận động.
Chia sẻ về những khó khăn, bà Lô Thị Chiên - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Tương Dương khẳng định những người làm công tác dân số trên địa bàn thực sự “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Nhất là đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản mức phụ cấp có khi không đủ tiền điện thoại nhưng vẫn hoạt động một cách hăng say và hiệu quả. Thể hiện ở chỗ trong năm 2019, đến thời điểm hiện nay đã có hơn 70/154 thôn, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên. Riêng xã Yên Thắng năm 2018 cả 8/8 bản không có người sinh con thứ 3 trở lên; các xã Thạch Giám, Tam Đình và Yên Tĩnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ.
Có thể nói, những người làm công tác dân số ở cơ sở vốn thầm lặng, những người ở vùng cao lại càng thêm phần khó khăn, vất vả. Công việc thầm lặng ấy đã đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của cộng đồng, xã hội.