Chính phủ chủ trương giảm khoảng 0,5% cho việc đóng BHTN cho người lao động.
Tại phiên họp báo chính phủ chiều 3/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Chính phủ họp bàn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Kết dư của Quỹ BHTN thực ra là kết dư ảo. Hiện nay, với tình hình đóng góp thì trong tương lai gần chưa chắc bảo đảm được nguồn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Kinh phí đó phải chi cho đào tạo để người lao động bổ sung nghề thì DN chưa làm được nên có kết dư.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, theo đề nghị của Bộ LĐ-TB-XH nên Chính phủ chủ trương giảm khoảng 0,5% cho việc đóng BHTN cho người lao động.
“Chính phủ có Nghị quyết, Bộ LĐ-TB-XH có Thông tư hướng dẫn thì BHXH sẽ điều chỉnh tỷ lệ đóng góp BHTN” - ông Phạm Lương Sơn nói.
Tính đến hết ngày 31/12/2016, kết dư quỹ BHTN là 58.668 tỷ đồng, tăng 9.487 tỷ đồng tương ứng tăng 19,29% so với năm 2015. Số chi trong năm của Quỹ BHTN chỉ chiếm khoảng 44,1%.
Sở dĩ, Quỹ BHTN kết dư lớn như vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, là vì việc chi trả BHTN chủ yếu là chi trả trợ cấp. Mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn việc làm đạt thấp. Nhiều người lao động sau khi mất việc không được hướng nghiệp, dạy nghề để tiếp tục hòa nhập thị trường lao động.
Cùng với đó, do việc ứng dụng công nghệ thông tin, nối mạng giữa Bảo hiểm xã hội và Trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa tốt dẫn đến tình trạng người lao động nhảy việc nhưng vẫn hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp mặc dù vẫn đang có việc làm./.
Theo VOV