(Baonghean) - Tất cả thành viên trong 'ban nhạc dân ca ví giặm' ấy là vợ, chồng, bố, con, ông, cháu trong gia đình bà Nguyễn Thị Thái ở xóm 5, xã Bồi Sơn (Đô Lương).  

Đến nhà bà Nguyễn Thị Thái, nhiều người ngạc nhiên bởi bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng với âm thanh trống, phách, đàn, sáo và tiếng hát ví, giặm ngọt ngào. Ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng, tất cả thành viên trong “ban nhạc” ấy đều là thành viên trong một đại gia đình.

Clip cả gia đình hát bài Mời trầu: 

Bà Nguyễn Thị Thái (80 tuổi) vốn là một người yêu dân ca, từ nhỏ đã quen thuộc với các tiết mục diễn trò, diễn kịch ở đình làng. Bà không chỉ hát được ví, giặm mà còn có thể hát được nhiều thể loại dân ca khác như tuồng, chèo… Còn ông Nguyễn Cảnh Truật (86 tuổi), chồng bà Thái, là thủ từ của đền Quả Sơn, thuở thanh niên cũng là một “cây” hát tuồng có tiếng trong vùng, nay là một “tay” trống cừ khôi. Ông thông thạo đánh trống, chơi nhị và một số nhạc cụ khác. 

Bà Thái chia sẻ: “Nhà tui ai cũng yêu văn nghệ, đánh trống, gảy đàn, kéo nhị, hát hò… đều làm được cả. Hát cho vui cửa vui nhà, hát để quên đi tuổi tác, bệnh tật. Cứ háo hức chờ đợi đến ngày giao lưu văn nghệ”.

Anh Nguyễn Cảnh Dũng (55 tuổi) là con thứ 3 của gia đình, được bà con làng xóm gọi vui là anh nông dân mê văn nghệ. Anh có năng khiếu bẩm sinh về các loại nhạc cụ, chơi được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau và sành sỏi nhất là măng-đô-lin. Ngoài ra, anh Dũng cũng sở hữu giọng hát dân ca ví, giặm rất hay. Dù công việc thợ xây khá vất vả, nhưng sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, anh lại về làm bạn với cây đàn, với những giai điệu trầm bổng, ngân nga. 

Hiện gia đình bà Thái có 3 người là thành viên của CLB dân ca xã Bồi Sơn. Riêng bà Thái - ông Truật là cặp vợ chồng thành viên cao tuổi nhất của CLB. Ngoài ra, cháu Nguyễn Cảnh Lương (18 tuổi) - con trai anh Dũng hiện đang học lớp 12, Trường THPT Đô Lương 2 cũng là một “cây” văn nghệ có tiếng. 

Lương yêu nhạc trẻ, nhưng vẫn hát được dân ca, là một “tay” trống sành điệu từng dành nhiều giải đánh trống trong các cuộc thi ở trường phổ thông. Mẹ của Lương cho biết: “Bố răng thì con rứa, yêu văn nghệ lắm mà chủ yếu là hát hò ở trường, ở lớp chứ ở nhà thỉnh thoảng mới phối hợp với ông, với bố đệm hát cho mọi người. Lương là “tư vấn viên” của bà nội mỗi lần bà luyện tập để đi thi”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thái. Ảnh: Huy Thư

Nhà bà Thái có hẳn một dàn nhạc phục vụ cho việc sinh hoạt văn nghệ của gia đình, bà con trong xóm, gồm nhiều loại nhạc cụ: ghi ta, măng-đô-lin, trống, nhị, đàn bầu, sáo, kèn, phách… Những nhạc cụ này được cất giữ cẩn thận trong một góc nhà, chỉ đưa ra mỗi khi sinh hoạt văn nghệ.

Bà Thái cho biết, thấy bố mẹ và mọi người trong nhà yêu thích văn nghệ nên một người con trai của ông bà đã mua những nhạc cụ này về. Có thêm dàn nhạc, nhà cửa rộn ràng hẳn lên, thỉnh thoảng mọi người trong nhà lại quây quần cùng đàn, hát. Người dân trong xóm thích văn nghệ cũng đến góp vui. Những lúc đi sinh hoạt CLB dân ca, ông Truật và anh Dũng lại mang theo những nhạc cụ này. 

Với người dân xóm 5, nhà bà Thái là một gia đình sống cởi mở với bà con lối xóm, không chỉ yêu văn nghệ mà còn rất trọng nghĩa tình. Anh Đậu Xuân Lương, xóm trưởng xóm 5 cho biết: “Gia đình bà Thái là một điển hình của xóm, tham gia nhiệt tình các phong trào của địa phương, nhất là phong trào văn nghệ. Là một nghệ nhân diễn trò nổi tiếng một thời, nay lại hát dân ca, bà Thái luôn sẵn lòng trao truyền cho các thế hệ trẻ.

Gia đình bà đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho đội văn nghệ của xóm, từ việc cho mượn các loại nhạc cụ, đến mượn nhà, mượn sân để đội tập luyện. Tinh thần vì phong trào, hoạt động tập thể của gia đình bà Thái được cán bộ, người dân ở đây ghi nhận và khâm phục”.

Là thành viên tiêu biểu của CLB dân ca xã Bồi Sơn, gia đình bà Thái đã nhiều lần tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm các cấp, góp phần vào thành công chung của CLB. Một số tiết mục do 2 vợ chồng bà biểu diễn đã được ban giám khảo đánh giá cao.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - cán bộ văn hóa xã Bồi Sơn - nghệ nhân ưu tú, chủ nhiệm CLB dân ca xã khẳng định: “Gia đình bà Thái có truyền thống văn nghệ, các thành viên đều yêu thích và tâm huyết với văn hóa truyền thống, trong đó có dân ca. Hoạt động của họ có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần làm cho dân ca ngày càng lan tỏa và thúc đẩy phong trào văn nghệ ở địa phương”.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN