(Baonghean) - Tuần qua, bài viết: “Làm gì và làm thế nào để phát triển du lịch Nghệ An?” của PGS - TS Lê Văn Cương, đăng số báo các ngày 8 và 9/5 đã tạo được sự chú ý của bạn đọc. Dưới đây là bình phẩm dành cho bài viết.

Mở đầu bài viết tác giả đề cập vấn đề nghiên cứu tâm lý, tính cách, sở trường của người Việt Nam, từ đó rút ra một trong những nét tính cách nổi bật là người Việt Nam mạnh về tư duy trừu tượng nhưng yếu về việc cụ thể hóa ý tưởng. Nói cách khác, người Việt mạnh về định hướng (những ý tưởng chung chung), yếu về định hình và định lượng. Mọi ý tưởng chung chung, cho dù đúng đắn và hợp lý, nếu không được định hình và lượng hóa thì không thể vào được cuộc sống. Do cuộc sống cần cái đã được lượng hóa cụ thể.
images973135_du_khach_den_voi_ruong_nguyen_sinh_p__m_t__nh_s__minh.jpgDu khách tham quan rừng nguyên sinh Pù Mát. Ảnh: Sỹ Minh
 
Từ vấn đề tưởng chừng như không ăn nhập gì với đề tài du lịch Nghệ An, tác giả đã cho rằng tư duy trừu tượng và đưa ra ý tưởng đúng là điểm mạnh, là cần, nhưng chưa đủ (Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có nhiều trạng nhất thế giới!). Ngược với người Việt Nam, người Nhật vừa giỏi về tư duy trừu tượng vừa đặc biệt giỏi về việc cụ thể hóa các ý tưởng. Vì thế họ đã thành công và tạo ra bước phát triển thần kỳ. Vì thế, vấn đề phát triển du lịch Nghệ An cần phải bắt đầu tư những vấn đề cụ thể. 
 
Bài viết dẫn dắt người đọc từ tình hình du lịch của đất nước để dẫn đến Nghệ An - Một tỉnh có tiềm năng du  lịch khá thuận lợi đáp ứng nhu cầu của du khách, thế nhưng tốc độ phát triển du lịch của Nghệ An vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Bài viết đã chỉ ra những điểm yếu, điểm mạnh của du lịch Nghệ An, từ đó đưa ra nhiều gợi ý giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch của Nghệ An. Đó là từ thái độ phục vụ, đến giá cả, cần có các sản phẩm du lịch độc đáo và làm tốt công tác quảng cáo, tiếp thị để làm sao đưa hình ảnh của Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thế giới càng ngày càng nhiều hơn nữa. Và bài viết nêu lên cái quan trọng nhất là không một ai có thể nghĩ ra mọi giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An mà mọi người xứ Nghệ, nhất là các cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh cần suy nghĩ và hiến kế.
 
Quả thật, Nghị quyết 26.NQ/TƯ của Bộ Chính trị 30/7/2013 không phải là chiếc “Đũa thần”, nhưng có thể được xem là “thánh chỉ” vì Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất Việt Nam. Mục tiêu và định hướng cho phát triển du lịch Nghệ An đến 2020 đã được xác định rõ. Khi đã có mục tiêu, định hướng đúng, vấn đề còn lại là giải pháp tổ chức thực hiện và chính giải pháp cụ thể có vai trò quyết định thành bại; phải coi khách du lịch là thượng đế để tìm giải pháp phát triển. Nói chung, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra được những giải pháp, gợi mở rất cụ thể, thiết thực đối với nhiệm vụ phát triển ngành du lịch Nghệ An.
 
Người xây dựng