(Baonghean) -Gần đây, dư luận xôn xao quanh chuyện Đề án sửa đổi SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với cách truyền thụ kiến thức như hiện nay, việc sửa đổi SGK là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí khổng lồ lên đến chừng 1,7 tỷ USD khiến dư luận bức xúc và đặt nhiều dấu hỏi lớn. Bài viết "Đề án bánh mỳ" đăng trên trang 4 - 5 số Cuối tuần, ngày 11/5, tác giả Hải Triều với lối so sánh độc đáo kèm theo đó là những luận điểm nghiêm túc, chắc chắn sẽ làm cho những người làm giáo dục ở tầm vĩ mô phải "nghĩ lại"...
 
Xét cho cùng, bên cạnh những chuyện mang tính chất cơm áo gạo tiền như giá xăng dầu, điện nước, lương thưởng... thì giáo dục vẫn là đề tài được nhiều người quan tâm nhất. Bởi đó không chỉ là nền tảng phát triển cho cả một hay nhiều thế hệ mai sau, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ hiện tại. Tuy nhiên, việc đề án đã xin rút khiến tác giả đặt ra một câu hỏi "Thế là thế nào nhỉ?". 
 
Tác giả đã lẩy ra một chi tiết "Mà cũng vô lý cơ, đời thưở nhà ai báo cáo tác động có mỗi 2,5 trang, đọc tưởng là "báo cáo tóm tắt". Quả có vậy, 2,5 trang báo cáo tác động cho một đề án 34 nghìn tỷ. Với giọng văn đọc qua thoạt tiên là hóm hỉnh, nhưng ngẫm lại thì thực là cay theo kiểu "bé hạt tiêu": "Mình vẫn thường phê bình các bác lãnh đạo là hay dài dòng văn tự, nhưng mà ngắn gọn thế này kể cũng hơi "tiến bộ" một cách thái quá, "tiến bộ" đến mức qua loa thật". Vì chính cái chi tiết tưởng nhỏ nhoi này, lại chính là cốt lõi vấn đề để thấy được ông khổng lồ chân đất sét kia, khi ông khổng lồ 34 ngàn tỷ đứng trên đôi chân 2,5 trang giấy A4.
 
Ngược trở lại một chút, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 14/4, đã có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện báo cáo "1.200 chữ" này. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội – ông Nguyễn Đức Hiền cho rằng, đề án lớn, nhưng báo cáo tác động của đề án chưa rõ. Chỉ có 2,5 trang nhưng trong đó đa phần là thuận lợi, mà không nêu khó khăn. "Vậy chương trình sách giáo khoa phổ thông tác động tới các chương trình khác như: Đại học, dạy nghề, cuộc sống như thế nào? Có quá ít đánh giá phân tích cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực để bảo đảm".  Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý cũng đặt vấn đề: "Ai viết báo cáo tác động chỉ có 2,5 trang? Chúng ta cứ đổi mới mãi. Làm gì phải tương xứng vì gần 2 tỷ USD không phải là nhỏ, chứ không phải lần nào trình ra Quốc hội xin đổi mới rồi cứ loay hoay, mà cần làm đầy đủ hơn". 
 
Đến đây, tác giả liên hệ "tự nhiên mình nghĩ đến chuyện một anh bạn mà tức cười". Có thể tóm tắt rằng: Ông bạn ấy có ý tưởng mở chuỗi bán bánh mỳ lưu động tại các trường học trong thành phố. Để thực hiện, cần đi học làm bánh, đầu tư xe chuyên dụng, quan hệ với truyền thông để khuyếch trương thương hiệu rất hoành tráng...Tuy nhiên, vì chưa có những dự trù, kế hoạch chi tiết cụ thể nên sau 1 tuần, ông bạn dẹp tiệm và ế chỏng vó. Cũng từ đây, tác giả đột ngột chuyển hướng, liên hệ ngay tới Đề án 34 nghìn tỷ "Ý mình muốn nói là, ngay cái đề án bé tẹo của một anh bán bánh mỳ, không có kế hoạch, không nghiên cứu cụ thể các phương án, rủi ro, cũng còn không thực hiện được, nữa là một đề án quy mô quốc gia, liên đới đến nhiều đối tượng, có sức ảnh hưởng sâu, rộng và xa như việc cải cách sách giáo khoa". Bởi theo tác giả, những chuyên gia có cỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạch định chán chê cũng chỉ đưa ra được bản báo cáo dài hơn bản đề án bánh mỳ được tý ty. Không bật cười mới là lạ.
 
Cái đặc sắc trong bài viết này là Hải Triều đã đưa ra một câu chuyện, tạm gọi là đề tài cấp vi mô, thuộc loại ăn bánh trả tiền, đơn giản nhất để so sánh với một đề án cấp vĩ mô, thuộc tầm quốc gia và mang tính chiến lược lâu dài, liên quan đến không chỉ một thế hệ. Lấy cái đơn giản nhất để so với cái mang tầm chiến lược nhưng sâu xa đều cùng bản chất ở một góc độ nào đó, chính là một cách nói rất khó nhưng lại thật dễ hiểu. Đó cũng là cái "duyên", cái "tài" của người viết bài này.
 
Với 34 ngàn tỷ đồng (chính xác là 34.245 tỷ đồng), con số này có đến 14 chữ số, là rất dài và dĩ nhiên, rất nhiều. Trong khi đó, điều quan trọng nhất để làm bệ phóng cho nó, lại là một báo cáo tác động kiểu... bán bánh mỳ, không hơn. Nói cách khác, đó là ông khổng lồ có đôi chân bằng đất sét, nên ông ngã ngay từ đầu là đúng thôi. Cuối bài viết này, sau khi đã cho người đọc thưởng thức món "bánh mỳ Đà Nẵng" sập tiệm của anh bạn nọ, tác giả hạ những câu kết đầy xót xa "Vấn đề là 34 ngàn tỷ đồng ấy, các anh định đầu tư vào đâu, vào tương lai mấy mươi năm của một xã hội, hay vào mấy xe bánh mỳ bán thì bán, không bán thì thôi?". Chuyện mang tầm quốc gia, ảnh hưởng đến chiến lược đào tạo nhân tài của nước nhà mà “các cụ” làm như “con nít nhởi chạ”, hứng lên thì trình, không được thì rút. Và cái đề án tỷ đô của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ví với chuyện “tầm phào” là bán bánh mỳ dạo của cậu bạn học. Quả là hài hước, sâu cay. 
 
Người xây dựng