Theo đó, cầu thủ sinh năm 1997 đã đặt bút ký thi đấu cho đội bóng quê nhà đến năm 2026, tức đến năm 29 tuổi, đồng nghĩa với việc sẽ thi đấu và cống hiến trọn đời sự nghiệp của mình ở đội bóng miền Trung này. Được biết, đây là bản hợp đồng dài nhất, đi kèm với lương và lót tay cao nhất của cầu thủ Việt ở thời điểm này?
Chắc chắn đây là động thái mạnh tay, đáng hoan nghênh, đáng “đồng tiền bát gạo” của T.Bình Định và Tấn Tài. Điều này chỉ có thể có được với một CLB có tiềm lực, có tầm nhìn xa và có tham vọng, với một cầu thủ có “số má” trong làng bóng đá và có tình yêu, niềm tin sâu sắc với đội bóng quê nhà.
Xưa nay, bóng đá Việt không hiếm những cầu thủ thi đấu trọn đời với đội bóng quê nhà hay với một đội bóng từng “sinh ra” và “nuôi lớn” cầu thủ đó. Nhưng họ ở thời kỳ bóng đá chưa/không chuyên nghiệp, giá trị chuyển nhượng cầu thủ chưa được định hình hoặc ở một đội bóng ít tiềm lực, ít tham vọng nên các hợp đồng thường ngắn hạn và mở ra cơ hội để cầu thủ tìm kiếm những hợp đồng thi đấu ở đội bóng khác có lợi hơn.
Tất nhiên, hiện nay nhiều cầu thủ muốn gắn bó lâu dài với đội bóng và đội bóng cũng mong muốn giữ chân họ. Điều đó sẽ dẫn tới việc thương thảo và ký kết hợp đồng mới, phù hợp hơn. Duy nhất cho đến nay, hợp đồng của Tấn Tài với T. Bình Định quả thực là hợp đồng "bom tấn” trong làng bóng đã tạo ra một biểu tượng mới của đội bóng và là một gợi mở rất đáng chú ý với nhiều đội bóng giàu tiềm lực, trong đó có SLNA.
Ai cũng biết từ lâu nay, SLNA là lò đào tạo nhân tài bóng đá hàng đầu và hiện vẫn đang giữ vững truyền thống đó. Nhiều tài năng trẻ trưởng thành từ đây đã phục vụ cho SLNA, có nhiều người ký tiếp, gia hạn hợp đồng thi đấu vì tình yêu đội bóng quê nhà và đội bóng cần sự phục vụ, cống hiến của họ. Nhưng vẫn có những trường hợp đáng tiếc vì đội bóng thiếu nguồn lực nên bất lực nhìn đứa con thân yêu về với đội bóng khác giàu có hơn như trường hợp Trọng Hoàng phút cuối ra thi đấu cho Viettel 3 năm trước chẳng hạn.
Và giả sử như SLNA vẫn cứ theo “bổn cũ soạn lại” thì những Văn Đức, Xuân Mạnh…giờ này cũng chuẩn bị thi đấu cho một đội bóng hùng mạnh nào đó một cách chính đáng, cần thiết, vẫn được người hâm mộ xứ Nghệ yêu mến dù trong lòng rộn lên những xót xa khó nói như đã thấy với Ngọc Hải, Khắc Ngọc hay trước đó là Công Vinh, Hồng Sơn…
Trước đây, SLNA có cách làm hay là tập trung sức để giữ lại một đầu tàu cho đội bóng, không để họ thiệt thòi so với những người chuyển đến đội bóng giàu có hơn. Vấn đề tiếp theo là khi hết hợp đồng đó thì câu chuyện mới, khó hơn lại đặt ra và đội bóng phải… chịu thua?
Với tiềm năng và tham vọng mới của đội bóng, những hợp đồng vừa ký với Văn Đức, Xuân Mạnh và nhiều cầu thủ khác phải chăng sẽ tiếp tục được gia hạn, gia hạn tiếp, để thực ra cũng chính là “hợp đồng trọn đời” như Tấn Tài đã ký với T. Bình Định nhưng theo cách làm của SLNA?
Và trong một trường hợp khác, có lẽ SLNA cũng nên đưa mọi việc vào tầm ngắm, đó là cầu thủ trẻ Xuân Tiến, sinh năm 2003? Hy vọng, V. League 2022 này, HLV Huy Hoàng bố trí nhiều đất diễn cho các cầu thủ trẻ, trong đó có Xuân Tiến.
Đừng mong mọi việc dễ dàng nhưng cũng đừng thận trọng quá mức để trôi vuột mất cơ hội của những tài năng trẻ. Việc đội bóng gọi lại Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Đình Hoàng đương nhiên là tin tốt khi giải vừa rồi SLNA rơi xuống đáy của bảng đấu và đáy của sự thất vọng. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc một số cơ hội của các tài năng trẻ bị thu hẹp. Giải quyết bài toán này là công việc của ban huấn luyện, không dễ nhưng không phải là không thể.
Đội bóng nào cũng cần có một thủ lĩnh trong phòng thay đồ, trên sân cỏ. Động thái ký hợp đồng trọn đời nói trên nằm trong nhiệm vụ xây dựng và khẳng định vai trò thủ lĩnh và biểu tượng của đội bóng, truyền cảm hứng và động lực cho các đồng đội không chỉ trong một vài mùa bóng. SLNA không xa lạ gì với cách làm hay này nhưng rõ ràng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có những bước đi mạnh bạo, bất ngờ để tiến về phía trước, buộc đội bóng phải tham khảo, học tập và tìm ra cách làm đột phá, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau một cách đáng tiếc?