(Baonghean) - Lễ hội Đền, Chùa Gám năm nay diễn ra với lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và tượng Đại Phật An Quốc. Tham gia vào những hoạt động này, người dân huyện Yên Thành và muôn khách thập phương, hướng niềm mong muốn vào một miền tâm linh cho “quốc thái, dân an”.
Nào có xa lạ gì với mảnh đất được xem là “vựa lúa” của xứ Nghệ, nơi ấm áp và bình yên ấy. Nhưng mỗi cữ tháng Hai, về với hội Đền, Chùa Gám, tôi vẫn nao lòng bởi những điều dung dị đến thế? Tôi hòa cùng dòng người rước lễ từ sáng tinh mơ, hít trọn lồng ngực mùi bùn non ngai ngái, hương lúa chúm chím đương thì con gái, để thấy, bầu trời này, cánh đồng này, những người nông dân rổn rảng tiếng cười này, tất cả như đồng điệu niềm thơ thới an yên, trở thành chủ thể của buổi lễ trọng đại trong năm của quê nhà. Lễ trọng, bởi năm nay, họ háo hức chờ đón sự kiện đặt đá, khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và tượng Đại Phật An Quốc - công trình điểm nhấn trong quần thể dự án du lịch tâm linh - sinh thái của huyện Yên Thành.
Háo hức và nôn nao đón chờ đến thế, nên dễ hiểu, mọi hoạt động chuẩn bị cho chính lễ được nhân dân khởi tâm, thiện nguyện chăm lo chu toàn. Trước chính lễ đặt đá là lễ rước cờ, kiệu, ngựa và long ngai, bài vị các chư vị thần linh, phật tích. Đôi ngựa gỗ hàng trăm năm tuổi, là cổ vật quý của đền Gám, được nhân dân trong vùng nhất tâm bảo tồn, gìn giữ qua bao biến thiên lịch sử, mỗi năm một lần lại được khoác hoàng bào nhập thế, biểu dương tinh thần thượng võ và khí phách tự tôn dân tộc.
Khuôn viên sân đền, chùa Gám rộng hàng trăm mét vuông trở thành điểm tập trung xuất phát của lễ rước. Dưới bóng những tán cổ thụ bình yên, trên khoảnh sân chùa rêu phong bời bời màu hoa gạo, những con người chân chất “huyện lúa” tựu trung về, không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc. Có thể lặng lẽ, có thể rộn ràng không giấu nổi niềm vui, nhưng trong những trái tim ấy, dẫu người quê muôn đời chưa có chuyến đi xa, hay những người đã chân trời góc bể nay trở về chung nhịp đập nguồn cội, quê hương. Tôi rưng rưng lặng nhìn những gương mặt ấy, có nét hồn nhiên của những đứa trẻ thơ, ánh mắt trong veo ngước nhìn những cờ hoa rực rỡ; có sắc tươi trẻ của màu áo đoàn viên, thanh niên năng nổ, xông xáo đỡ đần việc nặng cho các bà, các mẹ; cả bao vết chân chim, cả những chấm đồi mồi dung dị trên khuôn mặt người nông dân vừa tất tả trở về từ cánh đồng xa …
Họ, trong 365 ngày lam lũ, vẫn không nguôi quên lấy một ngày ngơi nghỉ đôi tay thuần lao động, bận lên mình bộ đồ đẹp nhất để đến dự ngày hội quê hương. Họ, dẫu đời sống còn nhiều lo toan, vất vả, vẫn không do dự dành những gì tốt nhất, đẹp nhất, vun đắp cho sự nghiệp chung. Và họ, sáng nay, thức dậy từ tinh sương, đi trên con đường làng quen thuộc của cánh đồng Cảnh Sơn, Rộc Lái, Đồng Lý, vẫn cây cầu Rộc Lái bắc qua sông Cái… nhưng, tất cả rạng rỡ hơn trong sắc cờ lễ hội.
Lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành là lễ lớn của cả huyện, nhưng với 9 dòng họ lớn trên địa bàn xã Xuân Thành - nơi tọa lạc của đền, chùa Gám, xem đây là trọng trách, là nghĩa cử với tổ tiên, truyền thống, lịch sử của miền quê. Đoàn rước kiệu, cờ, ngựa … được 9 dòng họ tự giác phân công nhau phụ trách từng phần một, quy củ và tôn nghiêm. Đội múa lân dẫn đầu đoàn rước, rực rỡ những kim sa, hoàng bào lấp lánh - chính là những nghệ nhân dân gian chèo, tuồng cổ của đất làng Kẻ Gám giàu truyền thống. Tiếng trống hội tưng bừng vang động trên 2 km đường làng, ngõ xóm phong quang màu bê tông nông thôn mới trải dài, rước qua những mái đền, những ngôi trường, những cây đa, giếng nước… Hành trình quen thuộc và thân thiết với dân làng mỗi ngày, nay trở nên thiêng liêng và rung động lạ thường!
Còn sức mạnh nào thôi thúc nhân dân đến với lễ hội bằng tấm tình thiện nguyện như thế, ngoài tình yêu quê hương và niềm tin dựng xây đất nước? Thứ tình yêu ấy, ngời lên trên từng ánh mắt, để lan tỏa và thấm thía đến cả những người con huyện Yên Thành sinh sống xa quê. Anh Thái Duy Trung - doanh nhân trẻ đang sinh sống và làm việc tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), đưa cả gia đình trở về quê hương trước chính lễ. Quê anh ngay chính đất Xuân Thành xanh ngút ngát, và anh tự hào giới thiệu cho vợ, con truyền thống, lịch sử của mảnh đất này, rộn ràng chào hỏi, ôm chầm lấy những cậu, những mự, những o, dì, chú, bác trong làng, ngoài xóm … Với anh, lễ hội là lời giục giã trở về nguồn cội.
Lễ đài trọng thể cho lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và tượng Đại Phật An Quốc được đặt dưới chân Rú Gám. Mặt trời đầu hạ lên cao, rải nắng mật ong dát vàng những đoàn người tưởng như bất tận. Về với ngày lễ hôm nay, ngoài người dân quê lúa, còn có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp, các vị chư tăng, phật tử muôn phương. Tất thảy đều chung tâm niệm cầu quốc thái, dân an. Lễ trọng thể mở đầu với các tiết mục văn nghệ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và cảnh sắc tuyệt mỹ của quê hương.
Lời ca, tiếng hát nức lòng người dân, tạo không khí chan hòa đồng tâm, đồng cảm trong biển người lễ Phật. Chắp tay tâm niệm trước lễ đài trang nghiêm, bà Lê Thị Lựu - Phật tử đến từ huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh khẽ chia sẻ: “Tôi đi cùng đoàn hành hương gần 30 người, xuất phát từ Bắc Ninh sáng hôm qua, đến mờ sáng nay về đến Yên Thành. Đoàn xin nghỉ ở khách đường chùa Gám, rất cảm động bởi khâu tổ chức rất chu toàn, ấm áp. Cá nhân tôi là Phật tử đã hơn 20 năm nay, đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, nhưng chưa thấy ở đâu tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc hòa hợp trong nhân dân, trong đời sống xã hội đặc sắc như ở miền quê này”.
Chính lễ hoan hỉ đón nhận sự có mặt của Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - một tấm lòng tâm nguyện tha thiết với công trình tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phạm Văn Trà khẳng định: Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành là một cơ sở của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Thiền phái đậm chất văn hóa Việt, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp cố kết sức mạnh dân tộc để dựng nước, giữ nước. Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập - một vị vua có phẩm hạnh cao quý, bỏ ngai vàng vào núi theo nghiệp tu hành. Trong giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm, nổi bật tinh thần “nhập thế” gắn “đạo với đời”, làm cho Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm nêu cao sự dung hòa giữa tính chất “bác học” và “dân gian”, dễ dàng thấm sâu vào tâm thức của đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội. Đó là Thiền phái Phật giáo đậm nét văn hóa dân tộc và là một thành tố văn hóa của Việt Nam.
Với huyện Yên Thành nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, công trình Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và tượng Đại Phật An Quốc trong tương lai sẽ trở thành điểm nhấn trong quần thể dự án xây dựng khu du lịch tâm linh - sinh thái Rú Gám. Dự án là động lực để huyện phát triển kinh tế - xã hội, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu du lịch. Công trình Thiền viện Trúc lâm Yên Thành nói riêng và Dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Rú Gám nói chung phát huy những giá trị cao đẹp của giáo lý Phật giáo và truyền thống Hộ quốc - An dân, hướng con người đến lối sống chân chính, giúp ích cho đời. Khi hoàn thành, công trình được gắn với cảnh quan làng quê, đồng lúa thanh bình, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách thập phương.
Phần lễ trọng trong Lễ hội Đền, Chùa Gám năm nay, đó là nghi lễ đặt đá, chính thức khởi công công trình Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành diễn ra trong sự mong đợi, hân hoan của hàng ngàn người. Đoàn đại biểu và đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân tản bước lên triền Rú Gám. Ngọn núi tâm linh vững chãi, xanh màu bình yên đón những bước chân an yên về đất Phật. Những đôi bàn tay nâng niu những viên đá, đặt trong lòng ngọn núi thiêng với cùng một tâm nguyện, ước mong về sự vững bền, về hòa hợp, về sợi dây linh thiêng của cội nguồn sẽ mãi mãi neo giữ tâm hồn mỗi người ở lại với nhân nghĩa, thủy chung. Và chúng tôi cùng hướng về ngọn núi bao đời đã đứng đó như một chứng nhân lịch sử, trầm tĩnh trước bao thăng trầm quê hương, mong ước cho huyện lúa: giấc mơ vươn cánh. Ở đó, núi Phượng Sơn - Rú Gám với hình tượng con chim phượng đang vỗ cánh bay lên...
Nhóm P.V