(Baonghean) - Ngược đường Tăng Láng về phía Tây của Yên Thành, ngay khi vừa lên đỉnh dốc Hủng Trăn của xã Đồng Thành, hồ Vệ Vừng xanh trong in bóng núi biếc hiện ra trước sự ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp trời nước non ngàn hài hòa và hữu tình như một bức tranh sơn thủy... Với diện tích mặt nước hơn 720 ha, nhiều ốc đảo, xung quanh là những cánh rừng dẻ, keo... xanh ngút ngắt, Vệ Vừng nay đang được đầu tư khai thác thành điểm du lịch...

Như vùng cổ tích
 
Hồ Vệ Vừng - nơi gắn liền với những kỷ niệm của biết bao thế hệ những người dân lớn lên nơi các xã miền Tây của huyện lúa, giờ đang là điểm lựa chọn của nhiều du khách cho những ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày hè... Tên gọi Vệ Vừng có từ xa xưa, mới nghe tưởng như chỉ là những “vệ”, “gò”, như “vệ ngô”, “vệ khoai”, “vệ lúa”, rồi đến “vệ vừng”... nhưng kỳ thực đây là một vùng rừng nước mênh mông với mặt nước rộng khoảng 720 ha, trên 20 triệu m3 nước, trải qua các xã Đồng Thành, Kim Thành, Quang Thành.
 
Những năm tháng thời thơ ấu, chúng tôi một buổi đi học, một buổi lên rừng nhặt củi. Vệ Vừng đã như một miền cổ tích với bao cảnh núi non kỳ thú, hồ nước mênh mông, vừa gần gũi vừa vô cùng xa xôi bởi núi rừng và mặt nước mênh mông luôn ẩn chứa biết bao điều bí ẩn.
 
Bên triền cát trắng Vệ Vừng, cạnh những lùm sim mua, vọt, rành rành, mùa Đông lũ trẻ chúng tôi dõi mắt nhìn theo những ngọn khói chiều bảng lảng bay lên bên những đảo vắng, nghe tiếng cò cói gọi nhau trở về mà không khỏi nao lòng với miền sơn cước hoang vu. Mùa hè thỏa sức xuống đập vẫy vùng tắm mát, trốn tìm... Xa quê đằng đẵng nhưng những ký ức tuổi thơ vẫn luôn hiện hữu. Bây giờ, được biết Vệ Vừng được khai thác để thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, chúng tôi lại theo dấu chân xưa tìm về và vẫn không khỏi nao lòng trước vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ mà kỳ thú nơi đây.
 
images1151584_dsc_0200.jpgKhu nhà hàng sinh thái bên hồ Vệ Vừng.
Xe băng qua dốc Hủng Trăn, phía bên tay phải dần hiện ra rừng dẻ bạt ngàn. Mùa này, trái dẻ đang chắc hạt, chỉ vài tháng nữa thôi, người dân nơi đây bước vào vụ thu nhặt hạt. Cả rừng dẻ đổ bóng xuống Vệ Vừng tạo nên nét đẹp mới lạ. Hồ Vệ Vừng gắn với một quần thể rừng sinh thái với thảm động thực vật khá phong phú, đa dạng như rừng Xanh Gám, rừng lim nguyên sinh Lăng Thành, Hậu Thành và một diện tích đất rừng trải dài từ phía Bắc, đến Tây sang Nam của huyện (Đức Thành đến Sơn Thành) có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn thiên nhiên, môi trường. Cùng với số lượng trên 220 sông ngòi, hồ đập trên địa bàn huyện Yên Thành, Vệ Vừng mang vẻ đẹp trầm mặc của mặt nước bốn mùa yên ả trong xanh bên những vách núi và các khu rừng phòng hộ, vừa là nơi cung cấp nước sinh hoạt, nguồn nước tưới mát, bồi đắp cho các cánh đồng lúa xanh. Vệ Vừng, cùng với đập Quản Hài, đập Lọ Nồi, đập Sặt, hồ Xuân Nguyên, đầm sen Diệu Ốc... không chỉ là “lá phổi xanh”, là “máy điều hòa khổng lồ” có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường tự nhiên, mà còn tạo nên chuỗi những thắng địa hấp dẫn.
 
“Mở cửa rừng, cửa đập lấy tiền”
 
Men theo con đường mới mở sát mép hồ, vừa được đổ lớp đá dăm, chúng tôi vào khu nhà hàng sinh thái, do vợ chồng Phan Trọng Lương làm chủ. Ngồi nhâm nhi chén trà, hướng mắt về phía con đập, một vùng nước mênh mông uốn lượn qua những khu đồi được phủ màu xanh của rừng tràm, keo, tạo thành những ốc đảo tuyệt đẹp.
 
Anh Phan Trọng Lương chuẩn bị lưới đánh bắt cá trên hồ Vệ Vừng.
Anh Phan Trọng Lương, sinh năm 1975, ông chủ của rừng dẻ 60 ha và hồ Vệ Vừng rộng lớn, dẫn chúng tôi đi thăm đập và kể chuyện khai mở những tiềm năng trên vùng đất này. Anh Lương cũng là một nhân vật mà có lần chúng tôi đã nhắc đến trong một bài báo, bởi dù có một quá khứ “giang hồ” lừng lẫy, nhưng vẻ đẹp núi rừng đã níu chân anh, làm trỗi dậy tính thiện trong “đứa con của núi” và giúp anh hoàn lương để trở về gắn bó và làm sống dậy tiềm năng kinh tế vùng rừng đồi hồ đập xung quanh Vệ Vừng.
 
Chiều muộn, thuyền chạy nhẹ trên Vệ Vừng, ngắm núi non xanh thẳm, mặt nước bao la mềm mại, cứ ngỡ như đang đâu đây ở Ba Bể, hay hồ Núi Cốc... Anh Phan Trọng Lương giới thiệu cho chúng tôi biết, trên diện tích mặt nước rộng lớn này có tới 10 ốc đảo lớn nhỏ, trong đó nhiều đảo giữ được vẻ đẹp hoang sơ, cây cối rậm rạp như: đảo Nậy, Bạch Đàn, Rành Rành, động Mít, Anh Đức, Hòn Biền, lèn Đình... Ngoài ra có 3 đảo chìm, hàng năm chỉ nhô lên vào mùa khô. Những ốc đảo này tạo cảnh quan độc đáo, không chỉ là nơi để chăn thả trâu bò, mà còn là “tổ ấm” của hàng chục vạn con cò.
 
Về mùa hè mỗi khi chiều đến từng đàn cò kéo nhau về đậu trắng trên diện tích 3 ha rừng. Do được bảo vệ, quản lý tốt, kết hợp với môi trường sinh thái trong lành, nên đàn cò ngày càng đông đúc. Nay mới độ giữa mùa Xuân mà những chấm trắng đã kín mặt cây. Từ xa, từng đàn cò trắng chao về và tinh nghịch bay lượn, tắm rửa trên mặt hồ, tạo nên khung cảnh cuộc sống tự nhiên hoang dã ban chiều mà nếu không đến Vệ Vừng một lần chắc khó lòng chúng tôi có cơ hội được bắt gặp. Theo anh Lương thì du khách lên đây không ai bỏ qua cơ hội được ngắm đảo cò. Ai cũng lựa chọn cho mình một vị trí phù hợp để chụp ảnh với đàn cò. Vì thế, các đảo cò là điểm đến mà du khách của Vệ Vừng ít khi bỏ qua.
 
Bên cạnh đó, từ lâu nhân dân Yên Thành và vùng lân cận ở các huyện Đô Lương, Diễn Châu cũng quen với một thuật ngữ “cá Vệ Vừng”. Bởi, ở đây còn có nguồn lợi thủy sản trong lòng đập khá phong phú với nhiều loài cá nước ngọt sinh sản tự nhiên, trong đó nổi tiếng là loài trắm ốc với trọng lượng “khủng”. Đến nỗi, người dân trong vùng từ xưa đến nay đã quen gọi những con cá nước ngọt có trọng lượng lớn, thịt thơm và chắc, là “cá Vệ Vừng”. Người dân quanh vùng không còn lạ với những con cá từ 10 - 20 kg, đã có những lần kéo lưới bắt được những con nặng từ 30 - 35 kg. 
 
Từ hồi chưa xây dựng khu nhà hàng sinh thái như hiện nay, việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản chủ yếu cung cấp cho thị trường khắp địa bàn huyện Yên Thành. Nhận thấy, nếu cứ để vậy thì không tạo được điểm nhấn cho khách du lịch về những món ẩm thực mỗi khi đặt chân đến đây, vì vậy, việc xây dựng khu nhà hàng sinh thái bên mép đập, phục vụ ẩm thực cho khách du lịch đã được nghĩ đến. Và lúc này, “người con của núi” - anh Phan Văn Lương, lại mạnh dạn tiên phong đầu tư phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng và ẩm thực cho du khách đến với Vệ Vừng.
 
Tháng 11 năm 2014, khu nhà hàng sinh thái đầu tiên ở Vệ Vừng được khánh thành và đưa vào hoạt động, tạo dấu ấn riêng cho điểm du lịch đập. Đến nay, gần 4 tỷ đồng đã được rót vào để mở con đường nối từ đường Tăng Láng vào, xây dựng các hạng mục, nhà ăn, khu cà phê, núi lèn tự tạo, nhà nổi, ca nô, xuồng cứu hộ, vịt đạp... và các hạng mục đó đã dần được đưa vào phục vụ du khách. Để chủ động nguồn thực phẩm phục vụ khách hàng ngày, anh Phan Văn Lương sử dụng 6 thợ thả lưới đánh bắt cá và 4 thợ thả lừ đánh bắt tôm. Đội ngũ hậu cần có 2 đầu bếp và 3 phục vụ bàn có nhiều kinh nghiệm. Như vậy, hiện nay có tới gần 20 người chuyên làm việc tại khu nhà hàng sinh thái này. Với nguồn lợi thủy sản phong phú, chất lượng tốt, khách hàng đến Vệ Vừng tha hồ lựa chọn các thức món. Đó là cá trắm ốc, trắm cỏ, mè, trôi, chép, tôm, ba ba, gà đồi... 
 
Về mùa hè nóng nực, khách đến đây du lịch, có thể sử dụng ca nô, lướt nhẹ trên mặt hồ, ra tham quan các ốc đảo, hoặc ra đảo câu cá... tận hưởng cảm giác mát lạnh bởi làn gió nhẹ trên mặt nước trong xanh, hòa quyện với màu xanh của núi rừng.
 
Theo anh Phan Trọng Lương, để điểm đến đập Vệ Vừng hấp dẫn hơn, sắp tới anh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục mang tính tâm linh, như khôi phục ngôi đình ở đảo chìm. Trước đây nhân dân trong vùng đã lập nên ngôi đình trên một ngọn núi, nhưng do ngập nước, nên ngôi đình không còn nữa. Vào mùa khô, đảo chìm nhô lên, có thể sử dụng bê tông cốt thép, xây dựng lại ngôi đình, tạo thành điểm đến tâm linh cho du khách. Không những thế, anh sẽ đầu tư xây dựng nhà nghỉ dưỡng trên ốc đảo Anh Đức, tiếp đón những đoàn khách nghỉ qua đây dài ngày...
 
“Người con của núi” còn nói với chúng tôi rất nhiều, rất nhiều những dự định và ước mong khai mở vùng đất này. Trong tiếng gió chiều thổi nhẹ, chúng tôi nghe như văng vẳng tiếng gọi từ miền cổ tích, “Vừng ơi, mở cửa ra!”. 
 
Xuân Hoàng - Đức Dương