(Baonghean) - Làng Vân Tụ nằm ẩn mình dưới rừng thông, lưng tựa núi Tùng Lĩnh, hướng nhìn ra biển Đông, cạnh Quốc lộ 1A (thuộc phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai).
 
Dãy Tùng Lĩnh chạy dài ôm ấp lấy làng quê trù phú, với nhiều lèn đá, hang động kỳ thú như hang Vua, hang Cá, hang Vó, hang Cò… Hang Vua rộng và sâu có nước chảy róc rách quanh năm. Trong hang có nhiều hình tượng đá như tượng Vua ngự trong cung đình với nhiều quan quân hộ vệ, có nhiều tượng khi gõ vào phát tiếng kêu như chuông. Riêng hang Cá có nước chảy quanh năm có hàm lượng vôi cao và các chất hữu cơ khác, có tác dụng khử chua, cải tạo đồng ruộng cho làng.
 
images1151371_hinh_anh_dep_ve_dong_lua_viet_nam_1.jpgẢnh minh họa: internet
 
Theo các nhà khảo cổ học thì đây là một vùng đất cổ thuộc nền “Văn hoá Quỳnh Văn” cách đây trên dưới 5.000 năm, dấu tích còn lại là các cồn sò điệp nằm rải rác quanh làng. Từ thời nhà Lê đã có các dòng họ Hồ, họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần đến khai phá vùng Bờ Đầm, đắp đê ngăn mặn tạo lập cánh đồng Vàng, đồng Trạch, đồng Dần, đồng Nội… Nhiều dòng họ đã lưu lại nhiều đôi câu đối trong nhà thờ giáo dục con cháu:
 
''Đức tiên tổ lưu truyền hậu thế,
Đạo cháu con kế nối tiền nhân”.
 
Lưng chừng núi Tùng Lĩnh là hệ thống đền chùa quanh năm hương khói phụng thờ. Đền Phùng Hưng được xây dựng trên nền gò Điệp Lệnh hay còn gọi là Long Hải Sơn. Đền được cấu trúc theo hình chữ Tam gồm thượng điện, trung điện và hạ điện, được xây dựng vào thời Nguyễn, trông rất uy nghi chững chạc. Hai cột trước cửa đền xây bằng đá xanh khắc đôi câu đối:
 
“Cao kiên song trụ kinh thiên phong suy bất động,
Trọng hậu lưỡng cơ trấn địa vũ đả nan ma’’ .
 
(Tạm dịch nghĩa: Hai cột cao như hai cột chống trời, gió thổi vẫn không lay chuyển. Đôi bên thuần hậu đứng vững trên đất, mưa dội không mòn).
 
Cấu trúc của đền là các bức chạm trổ trên các đường xà, cổn, kèo, đầu đao…là những con vật tượng trưng cho uy quyền của chế độ phong kiến (long, ly, quy, phượng) hoặc những hoạ tiết dân gian như (long, mã, phụ, đồ) mà ta thường gặp ở các đền đài khác. Vè dân gian mô tả:
 
“Chạm đôi long mã
Chạm đôi bầy chim chích
Chạm đôi Cuông cũng lịch
Chạm đôi sư tử cũng xinh
Chạm đôi hươu nhà Tần
Khen ai khéo liệu
Con cò mổ trai …’’
(Sưu tầm ở địa phương)
 
Đền Phùng Hưng là nơi bí mật họp chi bộ Đảng đầu tiên ở Quỳnh Xuân; nơi tập trung cất giấu lương thực và đạn dược trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Hàng năm có lễ hội rước thần, tổ chức vào tháng 2 âm lịch.
 
Trước mặt đền là đình Trung xây dựng vào thời Nguyễn, thờ thành hoàng là nơi hội họp sinh hoạt văn hoá, xã hội tâm linh của cộng đồng làng xã. Mái ngói mũi hài, 24 cột lim chia thành 3 gian, 2 hồi vững chãi. 
 
Trên các đường xà hạ đều được điêu khắc các họa tiết như long vân (rồng mây), phượng vũ (phượng múa), tứ linh (rồng, lân, rùa, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), bát bảo (bút, sách, gươm, hoa, đàn, sáo, bầu rượu, túi thơ). Trên đường xà gian giữa treo bức hoành phi đề 4 chữ  “Thánh cung vạn tuế’’ sơn son thiếp vàng. Vè dân gian mô tả:
 
“Gió Nam phất lộng gió Nồm,
Ai về Vân Tụ ăn tôm thì về
Làng ta đã thuận một bề
Đình trên, đền dưới những nghê với rồng...’’
(Sưu tầm ở địa phương)
 
Xưa kia đình có đủ chiêng trống, tế lễ hàng năm, như lễ cầu yên, cầu mưa thuận gió hòa vào những năm đại hạn. Theo các cụ cao niên, những ngày đầu cách mạng, dân làng đã tập trung trước đình để mít tinh trước khi đi cướp chính quyền, sau đó đình trở thành trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến xã, trường học bình dân học vụ. 
 
Nơi đây còn là cái nôi của những làn điệu dân ca của huyện Quỳnh Lưu. Những đêm thu gió mát trăng trong, từng đôi nam, nữ hát giao duyên trao gửi trăm năm: 
 
‘’Thương nhau trong dạ bồi hồi,
Áo đây em trải ra cho anh nằm...”.
(Sưu tầm ở địa phương)
 
Trên vùng quê non xanh nước biếc đang từng ngày thay da đổi thịt, phố hóa đường làng, vẫn còn đó những không gian tĩnh lặng của cây đa, bến nước, sân đình, vẫn còn đó những câu ca trữ tình đằm thắm...
 
Trần Hữu Đức 
TP. Vinh