(Baonghean) - Nhiều năm nay, Nghệ An là một trong những tỉnh đưa sản xuất cây vụ đông trở thành vụ chính. Nhiều loại cây trồng rau màu đã được áp dụng rộng rãi. Nhưng phần lớn các loại nông sản vụ đông giá trị hàng hóa chưa cao, thậm chí còn thấp so với giá trị đầu tư. Do đó, việc lựa chọn cây trồng phù hợp với từng vùng hết sức quan trọng và cần thiết.

Vụ đông 2014 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 50.000 ha cây trồng các loại, trong đó, ngô 28.000 ha với sản lượng ước tính khoảng 124.600 tấn, 12.000 ha rau, đậu các loại và 2.000 ha lạc.
images1060109_b__con_nam_xu_n__nam___n__l_m___t_v____ng__nh_c_ng_s_ng.jpgBà con xã Nam Xuân (Nam Đàn) làm đất vụ đông. Ảnh: Công Sáng
Ngô đông được khẳng định là cây lương thực quan trọng, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành kế hoạch sản xuất lương thực hàng năm. Anh Sơn là huyện có diện tích đất bãi bồi ven sông trên 3.000 ha, hàng năm được bồi đắp phù sa sông Lam nên đất giàu dinh dưỡng, phù hợp để phát triển cây ngô làm hàng hoá và phục vụ phát triển chăn nuôi. Hiện nay, các giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao đang dần thay thế cho các giống ngô dài ngày truyền thống. Nhờ đó, nông dân Anh Sơn đã chuyển từ sản xuất 2 vụ ngô/năm sang 3 vụ ngô/năm. Ngoài thu hoạch hạt, thân cây ngô phục vụ tốt cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: “Cây chủ lực vụ đông của Anh Sơn vẫn là cây ngô, ngô Anh sơn cho năng suất cao và có giá trị hàng hóa lớn. Đầu ra cũng thuận lợi, ngô làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó”.
 
Hưng Tân là xã có diện tích trồng lúa lớn của huyện Hưng Nguyên, ngoài 2 vụ lúa, vào vụ đông, bà con nông dân vẫn tiến hành sản xuất cây bí xanh. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, bí xanh trồng trong vụ đông được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, trồng bí xanh dù yêu cầu chế độ chăm sóc và kỹ thuật khá nghiêm ngặt từ khâu ngâm ủ hạt cho tới làm bầu nhưng người dân vẫn mạnh dạn sản xuất. Bình quân với 500 cây bí xanh cho thu hoạch trên mỗi sào sản xuất, người dân thu về trên 10 triệu đồng, một con số không hề nhỏ so với sản xuất lúa. Vụ đông năm nay - năm thứ 4 đưa cây bí xanh vào sản xuất, Hưng Tân bố trí trồng 25 ha. Ông Hoàng Văn Lai – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) chia sẻ: “Vụ đông chúng tôi trồng bí xanh cho thu nhập 200 triệu đồng/ha, người dân phấn khởi vì sản phẩm dễ tiêu thụ, năng suất cao, thu nhập khá”.
 
Còn tại xã Đồng Văn (Thanh Chương), hiện nay bà con cũng đang triển khai sản xuất vụ đông, nhưng đặc biệt chú trọng lựa chọn cây gì đáp ứng nhu cầu thị trường để tăng thu nhập cho nông dân. Vì vậy, ngoài các loại cây trồng như ngô, lạc, đậu đỗ, thì rau là một mặt hàng được người dân đưa vào trong cơ cấu cây trồng sản xuất vụ đông. Bởi lựa chọn cây rau phù hợp với điều kiện đất đai cũng như khả năng quay vòng trong thu hoạch giúp cho các hộ dân có thêm nguồn thu nhập. Khi nói về hiệu quả cây trồng vụ đông tại địa phương, ông Phạm Viết Quang, xóm 3, Đồng Văn chia sẻ: “Vụ đông ở đây người dân làm rau màu là cơ bản, ngoài ra trồng các giống ngô và khoai lang. Về rau màu chủ yếu rau cải, trồng 1 sào rau cải tuy vất vả nhưng có thu nhập cao, vì cải bóc lá thu hoạch nhiều lần, tính ra 1 sào thu được 5 - 6 triệu đồng”.
 
Trong cơ cấu cây trồng vụ đông theo hướng hàng hóa, ngoài sản xuất các cây chủ lực như ngô đông, các loại rau, đậu thì lạc cũng là cây trồng được ngành Nông nghiệp chỉ đạo, khuyến khích nông dân sản xuất. Một trong những ưu điểm của cây lạc là không làm bạc màu đất mà còn có thể tạo ra chất đạm bổ sung cho đất, cung cấp một lượng dinh dưỡng cho cây trồng vụ sau. Bên cạnh đó, trồng lạc vào vụ đông còn có giá trị kinh tế cao, bởi lạc vụ đông thường bán theo giá lạc giống cho nên giá thành cao hơn so với lạc xuân. Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: “Vụ đông năm nay ngành phấn đấu 3 mục tiêu chính: Sản lượng ngô 110 - 120 ngàn tấn; đảm bảo 3.500 - 4.000 tấn lạc giống phục vụ vụ xuân; 12.000 ha rau màu, đậu, đây là những loại cây sản xuất hàng hóa. Để sản xuất vụ đông đảm bảo được như mong muốn các địa phương cần căn cứ vào tình hình thị trường, có sự chỉ đạo phối hợp với các doanh nghiệp để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi”.
 
Sản xuất như thế nào để sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, đầu ra thuận lợi mang lại hiệu quả kinh tế là yếu tố làm nên một vụ đông an toàn, thắng lợi. Vì thế, việc lựa chọn cây trồng gì phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng là việc làm tiên quyết trong sản xuất vụ đông theo hướng hàng hóa, từng bước giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
 
Vinh Thảo