(Baonghean) - Năm 2014 là năm thứ 4, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp. Đây là điều kiện tốt để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và hiệu quả hoạt động khuyến nông, đồng thời từng bước đổi mới, phát triển đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo công bằng xã hội và cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn.

Từ năm 2011 - 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đào tạo được 10 nghề, 151 lớp, 4.711 học viên ở 19 đơn vị huyện thành, thị tham gia (trong đó nhóm 1 là nhóm người nghèo, người dân tộc, người bị thu hồi đất canh tác,... có 2.756 học viên, chiếm 58,5%, nhóm 2 cận nghèo có 634 học viên, chiếm 13,5%, nhóm lao động nông thôn khác có 1.321 học viên, chiếm 28%). Số học viên được cấp giấy chứng nhận nghề nông nghiệp sau đào tạo đạt trên 90%. Theo số liệu khảo sát, số người có việc làm, tăng thu nhập kinh tế gia đình sau học nghề đạt trên 70%. Kết quả này đã minh chứng cho vai trò, hiệu quả của công tác đào tạo nghề nông nghiệp theo Quyết định 1956/QĐ - TTg, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số giúp họ có được kiến thức, kỹ năng thực hành để phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, có thêm việc làm, thu nhập, từ đó sẽ giảm dần được tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực nông thôn.
images1060105_nam.jpgThực hành làm nấm rơm tại xã Phúc Thành (Yên Thành).
Trao đổi với chúng tôi, chị Sầm Thị Thu, học viên lớp nghề chăn nuôi gà ở bản Luồng, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu cho biết: Nhờ tham gia học nghề mà chúng tôi có được kiến thức để nuôi dưỡng chăm sóc gà tốt hơn, biết cách nhỏ, tiêm vắc-xin, biết tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ, môi trường chăn nuôi bằng hóa chất. Do đó, gà mau lớn, cho thu nhập cao hơn. Còn Ông Nguyễn Đình Cẩn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Quỳ Châu khẳng định: Huyện Quỳ Châu luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động làm nông nghiệp cả về nội dung, hình thức, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Mục tiêu là để cho bà con đồng bào miền núi được tiếp cận khoa học kỹ thuật, từ đó vận dụng một cách có hiệu quả vào thực tế sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi), tạo thêm việc làm, thu nhập, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo ở mỗi địa phương.
 
Còn tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, cùng tham gia bế giảng lớp học nghề chăn nuôi chị Vi Thị Hiền, cán bộ nông nghiệp xã chia sẻ: Năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện quan tâm, tạo điều kiện cho mở 2 lớp nghề chăn nuôi gà. Được học nghề ngay tại xã nhà, lại đúng với nhu cầu nghề nên bà con tham gia học tập lý thuyết, thực hành rất tích cực, đầy đủ từ việc làm chuồng trại, chọn con giống, phối trộn thức ăn, nuôi dưỡng chăm sóc đến phòng trị dịch bệnh. Ông Phan Thanh Tâm - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Để đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, chúng tôi xác định các khâu tuyên truyền, xác định nhu cầu nghề, tuyển sinh, xây dựng kế hoạch, tổ chức và quản lý đào tạo đều phải thực hiện tốt. Trong quá trình thực hiện, trạm luôn chú trọng đến kiến thức kỹ thuật và rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người học, giúp 100% người học nghề sau khi kết thúc khóa học có thể vận dụng ngay vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi.
 
Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng chỉ mới tập trung vào các nghề truyền thống như: Trồng chè, cam, rau an toàn; nuôi bò, lợn, gà, nuôi cá,... Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ căn cứ vào quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của từng địa phương để xác định lựa chọn đào tạo nghề đa dạng, phong phú hơn. Bởi điều cốt lõi và kinh nghiệm để đào tạo nghề thành công là ngay từ khâu tuyển sinh đã phải tư vấn định hướng và giúp đỡ người học lựa chọn nghề phù hợp với trình độ, năng lực và điều kiện sản xuất của họ. Dạy nghề gắn với thời vụ, thời gian sinh trưởng từng cây, từng con để đào tạo, đồng thời gắn với nhu cầu lao động, ngành nghề từng địa phương, từng doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cơ hội việc làm, bao tiêu sản phẩm đầu ra, tăng thu nhập cho người dân sau học nghề. Bên cạnh đó, muốn nâng cao hiệu quả đào tạo nghề thì các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến chất lượng, đào tạo phải gắn với địa chỉ đầu ra cho sản phẩm, có như vậy mới thu hút được nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề. Mặt khác, để đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo được tính hiệu quả và bền vững lâu dài, Chính quyền các cấp, các ban, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quy hoạch, định hướng nghề đào tạo phù hợp với đặc thù phát triển sản xuất, điều kiện kinh tế của địa phương. Song song đó, cần có cơ chế, chính sách riêng cho những người sau học nghề để duy trì, phát triển nghề đã được học. Đặc biệt, cần có sự quan tâm đúng mức và vào cuộc có hiệu quả của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đào tạo, bao tiêu sản phẩm cho người sau khi học nghề. 
 
Bài, ảnh: Cao Xuân Tuấn